Buôn bán vây cá mập vẫn dai dẳng ở Hồng Kông

BVR&MT – Vụ bắt giữ số lượng vây cá mập kỷ lục ở Hồng Kông mới đây cho thấy nhu cầu với mặt hàng này vẫn rất lớn, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế và tổ chức bảo vệ động vật.

Buôn bán vây cá mập ở Hồng Kông. Ít nhất 50% vây cá mập trên thế giới bị giao dịch ở đây. (Ảnh: Paul Hilton/EPA)

Trên những con phố hẹp của khu Sai Ying Pun (Tây Doanh Bàn) – trung tâm buôn bán hải sản khô ở Hồng Kông, hầu hết khung cửa đều trang trọng trưng bày một mặt hàng đặc biệt: vây cá mập. Vây cá mập với đủ hình dạng và kích cỡ được đặt trên kệ, xếp trong lọ hoặc đựng trong túi. Một số cửa hàng thậm chí gắn hẳn cụm “vây cá mập” vào tên.

Buôn bán vây cá mập là ngành sinh lợi lớn, kiếm được tới 6.800 đô la Hồng Kông mỗi cân (đơn vị cũ đo khối lượng, còn gọi là catty, tương đương 605 g). Hồng Kông là nhà nhập khẩu vây cá mập lớn nhất thế giới và chiếm khoảng một nửa thương mại toàn cầu. Vây bán ở Sai Ying Pun đến từ hơn 100 quốc gia và 76 loài cá mập và cá đuối khác nhau, 1/3 số này là loài nguy cấp.

Tháng 5, Hải quan Hồng Kông thu giữ lô vây cá mập lớn nhất trong lịch sử: 26 tấn, đựng trong hai container vận chuyển từ Ecuador, tương đương với 38.500 con cá mập. Vây thường được lấy khi cá mập còn sống, sau đó những con cá mập bị ném xuống biển, bị bỏ mặc cho chết vì mất máu hoặc bị những loài săn mồi khác ăn thịt. Nhiều quốc gia và một số thỏa thuận quốc tế đã cấm cách thức này.

Nhưng việc bán và tiêu thụ vây cá mập vẫn được coi là hợp pháp ở Hồng Kông, mặc dù các sản phẩm từ những loài cá mập nguy cấp phải kèm với giấy phép. Giao dịch bất hợp pháp có thể bị phạt tới 10 năm tù và 10 triệu đô la Hồng Kông, nhưng rất hiếm vụ bị truy tố.

Được xem là đặc sản và là biểu tượng vai vế, vây cá mập thường được nấu thành xúp trong tiệc cưới và tiệc gia đình. “Vây cá mập không có hương vị đặc sắc. Người ta thích vây cá mập vì nó là một mặt hàng xa xỉ để khoe giàu và thể hiện địa vị”, giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ Hồng Kông Shark Foundation Andrea Richey phân tích.

Một cuộc khảo sát năm 2018 của tổ chức này cho thấy 85% các nhà hàng Trung Quốc ở Hồng Kông vẫn bán các món vây cá mập. Các lô hàng đến hàng ngày, thường được dán nhãn giả để tránh kiểm tra. “Tôi choáng váng khi biết rằng hơn 100 triệu con cá mập đang bị giết mỗi năm và 50% giao dịch toàn cầu qua Hồng Kông. Đó là một vấn đề toàn cầu mà chúng ta phải giải quyết. Trong 50 năm qua, chúng ta mất tới 90% một số quần thể cá mập”, Richey giãi bày.

Các vụ bắt giữ hàng lậu đang tăng khi hải quan Hồng Kông sử dụng nhận dạng ADN nhưng các nhà phê bình cho rằng chính quyền chưa đủ nỗ lực để ngăn chặn.

Việc buôn lậu gây khó khăn cho cảnh sát trên đường phố như ở các cảng. Chủ cửa hàng thường không biết các sản phẩm họ bán là từ các loài nguy cấp.

“Nếu bạn hỏi các chủ cửa hàng, rất nhiều người không biết họ đang bán loài cá mập nào và vì vậy cũng không biết mình có vi phạm pháp luật hay không. Đó là lý do chúng tôi nghĩ rằng nên dừng giao dịch và đưa mọi loài cá mập vào danh sách được bảo vệ. Nếu không, họ sẽ tiếp tục bán bất cứ thứ gì có được” Richey phân tích.

Một phần lô hàng 26 tấn vây cá mập khô bị bắt giữ ở Hồng Kông. (Ảnh: Nora Tam/SCMP/Zuma/Alamy)

Theo chuyên gia tư vấn độc lập về buôn bán động vật hoang dã Alex Hofford, trong bối cảnh sự chú ý của truyền thông tập trung vào đại dịch Covid-19 và các cuộc biểu tình chống chính quyền ở Hồng Kông, việc buôn bán vây cá mập thậm chí còn ít được công khai hơn bình thường.

“Các chiến dịch nâng cao nhận thức để giảm nhu cầu vây cá mập không được chú ý đúng mức và các mạng lưới tội phạm đang tận dụng cơ hội này”.

Gần đây đã có một số tiến bộ. Sau một chiến dịch phản đối thì Maxim – chuỗi nhà hàng lớn nhất Hồng Kông hồi tháng 1/2020 đã đồng ý loại vây cá mập ra khỏi thực đơn. Tuy nhiên, các chuỗi nhà hàng khác, đặc biệt là các chuỗi nhà hàng tiệc cưới Choi Fook và Palace vẫn tiếp tục bán vây với số lượng lớn.

Hofford tin rằng “hai công ty này là những nhân tố lớn nhất của Hồng Kông góp phần vào sự suy giảm quần thể cá mập trên toàn thế giới. Những người buôn bán vây cá mập, thường mua lậu từ những nơi như Ecuador chuyên cung cấp cho các công ty này”.

Giới chức Hồng Kông đã bắt giữ một người đàn ông 57 tuổi ở Sai Ying Pun liên quan đến vụ thu giữ vây cá mập gần đây nhưng rồi lại cho tại ngoại chờ điều tra. Trong khi đó, Richey cho biết giao dịch vẫn tiếp tục: “Những gì bạn thấy được bán trong các cửa hàng ở đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đây là một vấn đề toàn cầu. Chúng ta muốn mọi người nhận ra rằng khi việc mua vây cá mập dừng lại, việc giết cá mập trên toàn thế giới cũng dừng theo”.

Thế Anh (Lược dịch từ Guardian)

CHIA SẺ