Buôn bán ma túy và khai thác gỗ lậu đe dọa các cộng đồng bản địa Peru

BVR&MT – Các cộng đồng người Kichwa bản địa ở miền bắc Peru cho biết những người bên ngoài đang xâm phạm đất đai của họ một cách bất hợp pháp và chặt phá rừng nhiệt đới để trồng coca và bán gỗ. 

Từ năm 2018, một nhóm tuần tra Kichwa trong các cộng đồng bản địa Santa Rosillo de Yanayaku và Anak Kurutuyaku của Peru đã phát hiện có nhiều diện tích coca được trồng bất hợp pháp trên vùng đất của họ ở hạ Huallaga. Coca được sử dụng để sản xuất cocaine và các thành viên cộng đồng nói rằng nó đang làm phức tạp danh sách các mối đe dọa đối với lãnh thổ của họ vốn đã bao gồm việc khai thác gỗ và xâm chiếm bất hợp pháp từ những người bên ngoài.

Khu định cư gần cộng đồng Anak Kurutuyaku (Hình ảnh từ nguồn ẩn danh)

“Chúng tôi không biết phải làm gì khác! Chúng tôi thấy những khu rừng Amazon đang biến mất một cách vô vọng và tính mạng của chúng tôi đang gặp nguy hiểm vì đã bảo vệ chúng”, một thành viên cộng đồng Kichwa yêu cầu giấu tên cho biết.

Các nguồn tin cho hay các cộng đồng Kichwa đang đấu tranh để giành được quyền sở hữu đất đai trên lãnh thổ của mình và đã trải qua các cuộc đối đầu với những người bên ngoài, đồng thời yêu cầu sự can thiệp của nhà nước.

Năm 2019, Ủy ban quốc gia về phát triển và cuộc sống không ma túy của Peru (DEVIDA) đã xác nhận việc trồng coca không theo quy trình tại các khu vực gần Vườn quốc gia Cordillera Azul – địa phận thuộc quận Huimbayoc và bao gồm cả các cộng đồng Santa Rosillo de Yanayaku và Anak Kurutuyaku. Thậm chí, diện tích trồng coca đã tăng lên trong đại dịch Covid-19, theo lãnh đạo Kichwa Marisol García Apagueño, Thư ký Liên đoàn người bản địa Kechua Chazuta Amazonian (FEPIKECHA).

Người Kichwa sống ở vùng Amazon của San Martín và được Bộ Văn hóa Peru công nhận là nhóm Bản địa. Nông nghiệp, săn bắn, thủ công mỹ nghệ là những hoạt động truyền thống của họ. Wilger Apagueño, chủ tịch của FEPIKECHA cho biết mặc dù được chính thức công nhận là nhóm Bản địa đã sinh sống tại khu vực này trong nhiều thế hệ nhưng người Kichwa không thể có được quyền sở hữu chính thức đối với vùng đất mà họ phụ thuộc vào.

“Các cộng đồng Santa Rosillo de Yanayaku và Anak Kurutuyaku không có đất đai và đang gặp rủi ro do sự xuất hiện của những kẻ buôn bán ma túy và lâm tặc trong khu vực”, Wilger Apagueño cho biết.

Coca là loại cây trồng hấp dẫn ở những khu vực kinh tế khó khăn và những nơi cư dân có ít triển vọng. Theo DEVIDA, giá lá coca ở San Martín hồi tháng 4/2021 khoảng 2 đô la/kg so với 0,6 đô la đối với ca cao – một trong những cây trồng hợp pháp chính được trồng trong khu vực.

Cộng đồng Santa Rosillo de Yanayaku báo cáo hoạt động trồng coca gần khu dân cư (Hình ảnh từ nguồn ẩn danh)

Các thành viên cộng đồng Santa Rosillo de Yanayaku báo cáo đã tìm thấy khu đất được dọn sạch và những cây bị đốn hạ đã để chuẩn bị được vận chuyển ra ngoài các cánh đồng coca. Tuy nhiên, “sau khi khiếu nại, chúng tôi được thông báo rằng nhà nước sở hữu những khu đất này, rằng cộng đồng không phải khiếu nại nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh, chúng tôi sẽ không im lặng”.

Trong số các loài cây mà lâm tặc tìm kiếm có cây lupuna (Chorisia Integrarifolia), cây aguanillo (Otoba parvifolia, O. glycycarpa), misho (Helicostylis tomentosa), mari mari (Vatairea guianensis) và caupuri (Virola pavonis) cùng nhiều loài gỗ khác có giá trị cao.

Wilger Apagueño cho biết những cây này rất quan trọng về mặt sinh thái và việc chặt bỏ chúng sẽ làm hỏng khu rừng xung quanh.

Hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp trong rừng nhiệt đới (Hình ảnh từ nguồn ẩn danh)

Năm 2020, các nhà lãnh đạo cộng đồng bản địa đệ đơn khiếu nại lên Văn phòng Công tố viên chuyên trách Alto Amazonas về các vấn đề môi trường (FEMA) ở Yurimaguas. Văn phòng công tố trả lời rằng họ không có đủ nguồn lực cần thiết để can thiệp vào một khu vực xung đột cao như vậy và họ sẽ yêu cầu sự hỗ trợ của cảnh sát để làm điều đó. Tuy nhiên, các hoạt động bất hợp pháp vẫn tiếp tục trong thời gian gần đây, thậm chí các thành viên cộng đồng Kichwa còn phát hiện một đường băng bí mật vào đầu năm nay làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể được sử dụng để vận chuyển ma túy ra khỏi khu vực.

Tháng 5/2021, một nhóm chuyên gia từ Chương trình Forest Peoples Programme đã đến Anak Kurutuyaku, nơi họ ghi nhận những vụ trồng coca bất hợp pháp gần cộng đồng. Dữ liệu vệ tinh từ Đại học Maryland được hiển thị trên Global Forest Watch cho thấy nạn phá rừng gần cộng đồng Anak Kurutuyaku và Vườn quốc gia Cordillera Azul vào năm 2020 và 2021.

Một thành viên cộng đồng muốn giấu tên cho biết: “Việc đầu tiên phải làm là chặt cây, phá rừng trên diện rộng để khi họ dọn sạch đất thì có thể bắt đầu trồng coca”.

Năm 2019, với sự giúp đỡ của luật sư, các nhà lãnh đạo Anak Kurutuyaku đã đệ đơn khiếu nại lên FEMA Alto Amazonas về các cuộc xâm lược đất đai và phá rừng do những người định cư gây ra. Một cuộc thanh tra đã được lên kế hoạch vào năm 2020 nhưng do vướng đại dịch nên chưa thực hiện được. Tình hình thêm phức tạp khi chính quyền địa phương không công nhận Anak Kurutuyaku là một cộng đồng bản địa vì cư dân đều nói tiếng Tây Ban Nha thay vì tiếng mẹ đẻ.

Jorge Abrego Hinostroza, điều phối viên Bộ Tư pháp và Nhân quyền Peru nói rằng các biện pháp bảo vệ đã được ban hành cho những người bảo vệ nhân quyền trong cộng đồng Santa Rosillo và họ đang trong quá trình mở rộng cho các thành viên cộng đồng Anak Kurutuyaku. Không rõ những biện pháp bảo vệ này bao gồm những gì nhưng điều phối Chương trình Forest Peoples Programme Matias Pérez Ojeda del Arco cho biết chúng không đủ để bảo vệ cộng đồng. Ông khuyến nghị thành lập một đồn cảnh sát ở quận Huimbayoc vì cư dân Kichwa hiện phải đi 6 giờ đến Chazuta hoặc cả ngày đến Tarapoto để yêu cầu được bảo vệ hoặc nộp đơn khiếu nại.

Giám đốc Tổng cục Cảnh sát Môi trường José Ludeña Condori cho biết văn phòng của ông chưa nhận được thông tin liên quan đến các khiếu nại về phá rừng hoặc các hoạt động bất hợp pháp liên quan trong khu vực.

Tháng 3/2021, Nghị sĩ Lenin Bazán đã tạo điều kiện cho một cuộc họp giữa đại diện của các cộng đồng bị ảnh hưởng và Bộ Tư pháp, Bộ Môi trường và Bộ Nội vụ ở Lima để thảo luận về các cuộc xâm nhập vào lãnh thổ Kichwa. Tuy nhiên, thư ký FEPIKECHA Marisol García Apagueño cho biết không có kết quả cụ thể nào cho cuộc họp.

“Chúng tôi không thể ngồi đợi một thảm kịch xảy ra trước khi hành động. Cộng đồng của tôi sống trong sợ hãi vì lâm tặc, vì buôn bán ma túy và chúng tôi biết điều đó đang tàn phá khu rừng mà tổ tiên chúng tôi đã chăm sóc rất nhiều công sức”, García Apagueño nhấn mạnh.

Thảo Linh (Theo Mongabay)

CHIA SẺ