Bù Đốp (Bình Phước): Phân tích tính bền vững của mô hình giao đất, giao rừng cho cộng đồng quản lý

Tóm tắt – Bằng phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia của người dân PRA (Participatory Rural Appraisal), tiến hành phân tích tính bền vững của mô hình giao đất giao rừng cho cộng đồng quản lý tại huyện Bù Đốp tỉnh Bình Phước. Tính bền vững của chương trình thể hiện rõ nét trên ba mặt: Kinh tế, xã hội và môi trường góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững chung của địa phương.

Ảnh minh họa.

1. Đặt vấn đề

Rừng của tỉnh Bình Phước đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái của vùng Đông Nam bộ, có tác dụng tham gia điều hòa dòng chảy của các con sông. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT về quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước, diện tích rừng bị mất nhiều nhất được xác định vào khoảng thời gian từ năm 2009-2011. Trong 5 năm từ 2009-2013, Bù Đăng để mất rừng nhiều nhất với trên 424 ha, tiếp theo là Lộc Ninh 314 ha, Bù Gia Mập 112 ha, Đồng Phú trên 75 ha, Bù Đốp 7.9 ha.Trong đó có thể thấy rõ Bù Đốp là huyện có diện tích rừng bị mất đi ít nhất.

Tổng diện tích rừng trên địa bàn huyện Bù Đốp là 11.215 ha, trong đó có khoảng 7.200 ha rừng tự nhiên, diện tích còn lại là rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Dù được đánh giá là mang lại hiệu quả thiết thực cả về mặt kinh tế lẫn xã hội nhưng chính sách giao đất giao rừng ở Bù Đốp vẫn còn chậm, chưa phù hợp với thực tế của nhiều địa phương, đòi hỏi phải có những thay đổi toàn diện, nhất là trong bối cảnh ngành Lâm nghiệp đang đẩy mạnh tái cơ cấu. Chính vì vậy đề tài này được thực hiện nhằm phân tích rõ hơn tính bền vững của mô hình giao đất rừng ở huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.

2. Nội dung và phương pháp nghiên cứu

a. Nội dung

Điều tra về thực trạng giao đất giao rừng cho cộng đồng quản lý tại huyện Bù Đốp tỉnh Bình Phước, phân tích các kết quả mà mô hình này mang lại về mặt kinh tế, xã hội, môi trường.

b. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp chung: Sử dụng phương pháp tiếp cận hệ thống và thu thập tài liệu.
Phương pháp cụ thể: Điều tra, khảo sát thực tế tại khu vực nghiên cứu.
Phương pháp phỏng vấn: Phỏng vấn 65/65 hộ nhận khoán đất rừng.
Phương pháp tham gia: Sử dụng phương pháp PRA dựa trên kinh nghiệm địa phương, nơi các cộng đồng quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên của họ một cách có hiệu quả.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

a. Sơ đồ mối quan hệ tổ chức trong chương trình GĐGR của huyện Bù Đốp

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ cho UBND tỉnh thông qua cơ quan trực thuộc là Tổng cục Lâm nghiệp.

Sở Nông nghiệp & PTNT hỗ trợ cho UBND huyện Bù Đốp thông qua các cơ quan trực thuộc: Chi cục kiểm lâm: Hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp; Lâm trường huyện Bù Đốp; Khuyến nông các cấp huyện, xã.

b. Ảnh hưởng của mô hình giao đất giao rừng đến kinh tế xã hội và môi trường tại huyện Bù Đốp

Về môi trường

Hướng đến phát triển bền vững tài nguyên rừng, trong đó bao gồm: Thực vật, động vật, nguồn đất, nguồn nước, không khí.

Trong mô hình giao đất giao rừng cho cộng đồng quản lý, cụ thể là giao khoán đất rừng tại huyện Bù Đốp, người dân được nhận khoán diện tích đất rừng nhằm mục đích phát triển kinh tế hộ gia đình song song đó cũng tạo được các hiệu quả tích cực về mặt môi trường.

Trồng cây công nghiệp đặc biệt là cây cao su giúp tạo mảng xanh, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, làm tăng diện tích rừng có trồng cây, góp phần vào sự phát triển rừng tại địa phương nói riêng và của cả nước nói chung. Tăng diện tích cây trồng giúp bảo vệ môi trường không khí trong lành, giảm thiểu được sự ô nhiễm do khói, bụi, tiếng ồn… Đồng thời giảm thiểu hậu quả do thiên tai gây ra. Bình Phước thuộc Đông Nam bộ thời tiết có 6 tháng mưa và 6 tháng nắng, tăng diện tích trồng cây giúp rể cây giữ đất, chống xói mòn trong mùa mưa đồng thời dự trữ nguồn nước ngầm trong đất, phục vụ nhu cầu sinh trưởng của cây trồng trong mùa nắng hạn. Qua giao đất giao rừng cho người dân giúp giảm thiểu tình trạng xâm chiếm đất rừng để sản xuất, săn bắt, phá rừng trái phép nhờ người dân đã có đất sản xuất, đồng thời người dân đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ và phát triển rừng.

Qua những mặt tích cực mà hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp đã mang lại, cho thấy rõ được những lợi ích mà tài nguyên rừng mang lại cho con người, đồng thời con người cũng có tác động tích cực trở lại.

Nguồn nhân lực

Trong chương trình giao đất giao rừng thực hiện tại địa phương, qua khảo sát, cho thấy, độ tuổi tham gia chương trình của 65 hộ thấp nhất là 33 tuổi và cao nhất là 63 tuổi, phân thành 3 nhóm. Trong đó nhóm tuổi từ 44-53 chiếm số lượng cao nhất 52,3%, tiếp đến là nhóm 33-43 tuổi và sau cùng là nhóm cao tuổi nhất 54-63 tuổi, cũng là nhóm chiếm tỉ lệ thấp nhất 12.3%. Như vậy, nếu xét vào thời điểm bắt đầu được giao khoán, nhóm tuổi 44-53 là nhóm tuổi đang trong độ tuổi lao động và có sức khỏe tốt, có khả năng lao động và nhu cầu kinh tế cao để có điều phát triển trong gia đình.

Trình độ học vấn: Riêng tiểu khu 82, do đồng bào dân tộc Stiêng chiếm số lượng cao, họ chưa có nhận thức tốt về giáo dục, chưa có điều kiện kinh tế cũng như ảnh hưởng từ văn hóa thuần nông con trai ở nhà gánh vác việc gia đình, con gái cũng không cần đi học nhiều nên trình độ văn hóa của các hộ này đa số chỉ dừng lại ở cấp 1, tuy nhiêu đến nay người dân đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề học vấn của con em sau khi kinh tế đã tốt hơn, bằng chứng là trong các hộ gia đình được phỏng vấn, đã có những em nhỏ đang được đi học, được giáo dục tốt.

Trong tiểu khu 63 thuộc huyện Bù Đốp, được sự hỗ trợ của nhà nước nên cán bộ công nhân viên chức của lâm trường được ưu tiên nhận khoán, kéo theo trình độ văn hóa của người được phỏng vấn trong tiểu khu này cũng cao hơn, chủ yếu là trình độ cao đẳng đại học, số còn lại đa số trình độ ở cấp 2.

Vấn đề về trình độ học vấn có ảnh hưởng lớn đến việc nhận khoán của người dân, trước tiên là về thủ tục pháp lý, sau đó là vấn đề trồng và chăm sóc cây trồng trên đất nhận khoán, nó ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị kinh tế của người dân, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng lâm nghiệp của địa phương

Thứ nhất, khi trình độ văn hóa đủ để nhận thức được các điều khoản trong hợp đồng giao nhận khoán, người dân sẽ biết được rõ hơn những quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trên phần đất được nhận khoán đối với bên cho giao khoán và ngược lại; từ đó có thể thắc mắc những điều chưa rõ để tiếp thu tốt chủ trương, tránh những sai phạm không đáng có và thực hiện tốt chương trình này.

Thứ hai, đối với kỹ thuật trồng cây trên đất được nhận khoán, khi có trình độ cao, có sẵn kiến thức, được cán bộ lâm trường hướng dẫn, tiếp thu học hỏi tốt, năng suất cây trồng sẽ cao hơn,từ đó thu nhập cũng cao hơn và ngược lại.

Thứ ba, khi được nhận khoán rừng, các hộ chỉ được sử dụng trên chính diện tích đất đã được giao khoán, không được sử dụng diện tích ngoài khu vực đã có trong hợp đồng, các hộ dân phải nhận thức rõ điều này, không được khai thác trái phép hoặc có các hành vi bất hợp pháp như chặt phá cây rừng, săn bắn thú rừng,… gây ảnh hưởng chung đến cánh rừng của địa phương.

Kinh tế

Kết quả điều tra nghiên cứu cho thấy, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Bình Phước năm 2017 là 53,07 triệu đồng/người/năm, riêng thu nhập bình quân huyện Bù Đốp là 23,1 triệu đồng/người/năm, thấp hơn 2,3 lần so với thu nhập bình quân của tỉnh và của cả nước (53.5 triệu đồng/người/năm). Chỉ riêng thu nhập từ đất được nhận khoán, tất cả các hộ tham gia chương trình tham gia nhận khoán đều có thu nhập bình quân năm cao hơn thu nhập bình quân đầu người của huyện Bù Đốp. Điều đó cho thấy hiệu quả kinh tế mà mô hình này mang lại cho người dân rất lớn.

Tham gia chương trình giao đất, giao rừng, các hộ đều được nâng cao thu nhập, đời sống vật chất được cải thiện đáng kể. Chương trình góp phần giúp người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc Stiêng ổn định được kinh tế, giảm thiểu tình trạng đói nghèo. Chương trình này đã giúp các hộ dân nói trên có thêm đất sản xuất nhằm nâng cao đời sống, giúp đồng bào dân tộc người Stiêng nói riêng có đất để canh tác trồng trọt, giảm thiểu tình trạng thiếu đất sản xuất nghiêm trọng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng như tiết kiệm được khoản tiền thuê đất sản xuất hàng năm.

Xã hội

Đầu năm 2014, Bù Đốp có 771 hộ nghèo, chiếm 5,6% số hộ toàn huyện, trong đó có 248 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn cao do ba nguyên nhân chủ yếu: Di dân tự do từ nơi khác đến, trông chờ ỷ lại vào chính sách của nhà nước, phong tục tập quán còn lạc hậu.

Cùng với phát triển về kinh tế và môi trường, phát triển xã hội cũng là yếu tố không thể thiếu để Bù Đốp có thể hướng đến phát triển bền vững. Phát triển bền vững về mặt xã hội thường được đánh giá thông qua các chỉ số như: Chỉ số phát triển con người, hệ số bất bình đẳng thu nhập, các chi tiêu về giáo dục, dịch vụ y tế, hoạt động văn hóa.

Tham gia mô hình giao đất, giao rừng từ những hộ dân đặc biệt khó khăn, có những hộ hoàn toàn không có đất canh tác, đến nay các hộ đã có thu nhập ổn định, chú trọng hơn đến sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã dần dần tin tưởng vào dịch vụ y tế tại trạm y tế xã, bệnh viện thay vì tự mình chữa bệnh bằng những phương pháp dân gian, truyền miệng và theo phong tục tập quán lạc hậu trước đây. Bình Phước nói chung và huyện Bù Đốp, nói riêng là địa bàn có dân số trẻ, trong độ tuổi lao động, người có việc làm chiếm 81% còn lại là chưa có việc làm ổn định. Tuy nhiên chủ yếu là lao động giản đơn chưa qua đào tạo, chỉ có 11% trong số này đạt trình độ sơ cấp trở lên.

Khi thu nhập trong gia đình được cải thiện, vấn đề giáo dục của con em trong gia đình cũng được quan tâm đáng kể, các hộ đồng bào người Stiêng có suy nghĩ tiên tiến hơn, các em nhỏ được đến trường học tập, nhờ vậy trình độ dân trí tăng lên đáng kể.

Trước khi tham gia giao đất giao rừng, giáo dục không nằm trong sự ưu tiên của người dân, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu thốn về kinh tế, nên văn hóa và tư tưởng còn lạc hâu. Hiện nay các hộ dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho con em đến trường, cùng với sự quan tâm của nhà nước thông qua các chương trình như miễn, giảm học phí cho học sinh thuộc hộ nghèo; là đồng bào dân tộc thiểu số, các chương trình trao học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi,… đã tạo điều kiện để nâng cao trình độ văn hóa của người dân tham gia chương trình nói riêng và của toàn huyện.

Như vậy, từ những thay đổi về sức khỏe, giáo dục của người dân sau khi tham gia mô hình giao đất, giao rừng đã giúp họ tiến gần hơn đến sự tăng trưởng chỉ số HDI- chỉ số quan trọng trong sự phát triển bền vững về xã hội.

Ngoài những hiệu quả trên, giao đất giao rừng đã giúp cho khoản 130 nhân công mỗi năm có việc làm, giảm đi số ngày công lao động nhàn rỗi tại địa phương cũng như lao động nhập cư tự do, đặc biệt là theo thời vụ, giúp họ có việc làm, thu nhập ổn định, tránh xa các thú vui không lành mạnh, ảnh hưởng đến bản thân và gây mất trật tự xã hội. Đóng góp từ thu nhập của người dân trên phần đất được giao khoán theo quy định của nhà nước góp phần tăng cường ngân sách, đóng góp vào sự tăng trưởng xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương.

4. Kết luận

Đến nay, đã có hơn 167 ha đất rừng được giao khoán cho 65 hộ dân thuộc khu vực huyện Bù Đốp và khu vực huyện Lộc Ninh tiến hành sản xuất, trồng cây nông-lâm nghiệp, kết quả đạt được như sau:

Về kinh tế: Góp phần làm tăng thu nhập của các hộ tham gia chương trình bình quân năm ít nhất là 35 triệu đồng và cao nhất là 1 tỷ 723 triệu đồng; tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương và lao động di cư theo mùa vụ.

Về xã hội: Ngân sách từ việc trích nộp thuế trong thu nhập từ đất giao khoán hằng năm đã góp phần vào thực hiện chương trình nông thôn mới, làm đường bê tông ở vùng sâu vùng xa trên địa bàn huyện.

Về môi trường, độ che phủ từ đất giao khoán khoản 23% từ cây lâm nghiệp, và từ cây cao su chiếm 30% diện tích trong cơ cấu cây trồng lâu năm. Tạo được mảng xanh, độ che phủ tốt, chống xói mòn và giữ nước cho hoạt động nông nghiệp, đồng thời góp phần điều hòa khí hậu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ NN&PTNT, Cẩm nang lâm nghiệp 2006. Chương trình quản lý rừng bền vững.
2. Bộ NN&PTNT, Giao đất lâm nghiệp. Chính sách và thực trạng tại Việt Nam tháng 8/2012. TBI Vietnam, Viện điều tra quy hoạch rừng.
3. Bảo Huy. Báo cáo Quản lý rừng và hưởng lợi trong giao đất giao rừng, nghiên cứu điểm tại Tây Nguyên.
4. Đàm Trọng Tuấn (2012). Báo cáo Giao đất giao rừng tại cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi, nghiên cứu điểm tại thôn Lùng Sáng, xã Lùng Sui, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.
5. Lê Bá Toàn, Báo cáo Phân tích chủ trương, chính sách thực hiện giao khoán, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp ở Việt Nam; Tiến trình chung và bài học kinh nghiệm trong giao đất, khoán rừng ở một số địa phương (Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước, Đồng Nai).
6. Lê Đức Tuấn và cộng sự (2012). Báo cáo nghiệm thu Đánh giá về kinh tế – xã hội và môi trường của kiểu canh tác lâm ngư kết hợp ở rừng đước Cần Giờ.
7. Lê Thị Kim Quyên, Lê Thị Phương Trúc (2016). Báo cáo Khảo sát hiện trạng các nguồn vốn sinh kế của cộng đồng thủy sản tại vườn quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
8. Tô Xuân Phúc, Trần Hữu Nghị (2014). Báo cáo Giao đất giao rừng trong bối cảnh tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, cơ hội phát triển rừng và cải thiện sinh kế vùng cao.
9. Trung tâm Tư vấn và thiết kế nông lâm nghiệp tỉnh Đắc Nông (2018). Báo cáo Đề án giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2017-2020.
10. Viện nghiên cứu sinh thái chính sách xã hội (SPERI) và viện tư vấn phát triển (CODE), Báo cáo Vai trò của luật tục trong phát triển cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam tại xã Lùng Sui năm 2010.


Lê Đức Tuấn – Nguyễn Thị Quỳnh Như
(Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM)