Bơm tạp chất vào tôm có thể bị xử lý hình sự

BVR&MT – Câu chuyện tôm bơm tạp chất đã tồn tại từ nhiều năm qua nhưng thực tế vẫn chưa thể kiểm soát được. Vì thế, phải xử lý mạnh hơn để dứt điểm tình trạng này.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), khi giá tôm nguyên liệu trên thị trường tăng cao cũng là thời điểm số lượng tôm bơm tạp chất càng tăng lên.

Tạp chất để bơm vào tôm thường là agar hay còn gọi là rau câu. Đây là một hình thức gian lận thương mại, làm cho con tôm nặng lên khi bán cho doanh nghiệp chế biến chứ không ảnh hưởng đến chất lượng thịt tôm. Tuy nhiên, việc làm này đã nhiều lần gây thiệt hại về thương mại xuất khẩu cũng như làm mất lòng tin của nhiều khách hàng lớn không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

Để xử lý tình trạng bơm tạp chất vào tôm, Bộ NN&PTNT đã phối hợp cùng một số bộ liên quan nghiên cứu để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét bổ sung hành vi vi phạm bơm tạp chất vào tôm là tội danh mới trong Bộ luật Hình sự.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ NN&PTNT, hiện nay đã có cơ chế xử phạt hành chính về hành vi bơm tạp chất vào tôm và mức phạt khá nghiêm khắc. Theo đó, tại khoản 5, điều 16 Nghị định 178 về xử lý vi phạm hành chính an toàn thực phẩm quy định các khung hình phạt từ cá nhân vi phạm tới tổ chức sơ chế, chế biến đưa tạp chất vào tôm và thủy sản.

Mức xử phạt với cá nhân đơn lẻ thấp nhất là 300.000 đồng; nếu là tổ chức bơm tạp chất vào tôm có thể lên 100 triệu đồng và cao nhất tới 3,5 lần giá trị lô hàng. Vừa rồi ở Cà Mau, liên ngành đã xử phạt một trường hợp hơn 50 triệu đồng.

Tuy nhiên để xử lý triệt để hành vi này thì cần phải có chế tài mạnh hơn. Theo đó, ngày 13/12/2016 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 2419 phê duyệt Đề án Kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất.

Trong quyết định này, Chính phủ giao cho Bộ Công an cùng các bộ liên quan xác định tội danh đối với hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất và ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn theo Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp không xác định được tội danh tương ứng trong Bộ luật Hình sự, Bộ Công an phối hợp với các bên để có phương án báo cáo Chính phủ trình Quốc hộ xem xét, bổ sung vào tội hình sự.

“Chúng tôi đang làm việc tích cực với các bên liên quan để giải quyết vấn đề này”, ông Tiệp nói.

Theo Quyết định 2419, đến hết năm 2017, 100% các cơ sở nuôi tôm tại 4 tỉnh trọng điểm Càu Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ. 100% cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tại 4 địa bàn trên ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm, không mua tạp chất. Đến năm 2018 cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm trên phạm vi cả nước.