Bộ Y tế đề xuất 2 phương án chi trả với trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến

BVR&MT – Đề xuất được đưa ra trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về phạm vi được hưởng, mức hưởng bảo hiểm y tế và điều chỉnh tỷ lệ chi trả bảo hiểm y tế đối với một số trường hợp không đúng cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Theo dự thảo, Bộ Y tế đề xuất phương án điều chỉnh đối với trường hợp người bệnh tự đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT không đúng cấp chuyên môn kỹ thuật tại cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu và một số cơ sở thuộc cấp chăm sóc cơ bản.

Cụ thể, trong trường hợp người dân khám chữa bệnh trái tuyến cấp cơ bản (bệnh viện tỉnh hạng 2 và hạng 1 – không được phân loại tuyến cuối), Bộ Y tế đề xuất hai phương án.

-Phương án 1: người tham gia BHYT sẽ được chi trả 60% chi phí nội trú và 40% chi phí ngoại trú (trừ các cơ sở thuộc huyện là 100% nội và ngoại trú).

-Phương án 2: giữ nguyên theo quy định hiện hành, 100% chi phí điều trị nội trú và không thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú (trừ các cơ sở thuộc huyện là 100% nội và ngoại trú).

Tại Dự thảo này, Bộ Y tế cũng đề xuất danh mục điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp người dưới 18 tuổi sẽ được chi trả BHYT (nghĩa là nâng phạm vi tuổi được hưởng BHYT lên).

Ngoài ra, Bộ Y tế đề xuất không chi trả BHYT cho việc sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm mắt giả, răng giả, kính mắt, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.

Trước đó, danh mục không chi trả bao gồm sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám chữa bệnh và phục hồi chức năng không được BHYT chi trả.

Như vậy, người tham gia BHYT chỉ được chi trả vật tư y tế là chân tay giả, máy trợ thính.