BVR&MT – Sáng ngày 21 tháng 2 năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đồng chủ trì tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây – Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 tại Khu quần thể sinh thái – tâm linh Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang – Địa điểm văn hóa di tích lịch sử đặc biệt gắn liền với con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông, thiền phải Trúc lâm Yên Tử.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa to lớn về lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Tết trồng cây” của Người đăng trên báo Nhân dân ngày 28/11/1959, với bút danh Trần Lực, kêu gọi mọi người, mọi nhà, mọi đoàn thể, địa phương cùng tích cực thi đua trồng, chăm sóc cây xanh và đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây” trong cả nước, trở thành một phong tục đẹp, thành một hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa mỗi dịp Tết đến, Xuân về. “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, thấm nhuần lời dạy và triết lý sống gần gũi với thiên nhiên của Bác, trong những năm qua, phong trào trồng cây trong những ngày Tết đã đạt được những kết quả hết sức to lớn. Công tác bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được triển khai sâu rộng và hiệu quả, góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, trong 65 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều quan điểm, định hướng lớn và chương trình, kế hoạch cụ thể về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Trên cả nước đã phát động hàng ngàn phong trào từ nhỏ lẻ đến các chương trình có quy mô lớn như: “Chương trình trồng 5 triệu hecta rừng”, “Chương trình phủ xanh đất đồi trọc”, “Chương trình trồng 1 triệu cây xanh”, “Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh”….
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, từ đó nước ta có hàng triệu cây xanh, hàng vạn héc ta rừng được trồng thêm mới, góp phần phủ kín đất trống, đồi núi trọc trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Việc phát triển cây xanh đã góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đóng góp tích cực vào việc giảm nhẹ thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu – một vấn đề mang tính toàn cầu.
Chương trình phát động “Tết trồng cây” năm nay được tổ chức cùng thời điểm với Lễ khai hội xuân Tây Yên Tử và Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2024 là hoạt động rất ý nghĩa, đặc biệt với sự tham gia của đông đảo du khách thập phương về tham dự lễ hội sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn, sâu rộng đến mọi tầng lớn nhân dân về ý nghĩa của “Tết trồng cây” theo lời dạy của Bác, mang lại lợi ích to lớn cho đất nước và trở thành một truyền thống, tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Trong dịp này, Ban Tổ chức sẽ tiến hành trồng 100 cây lâu năm, bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế và tạo cảnh quan môi trường cao như: lát hoa, sao đen, chò chỉ, trám, nhội và cây hoa, cây ăn quả.
Phát biểu hưởng ứng, đồng chí Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định, ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ kính yêu cùng với quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện chương trình trồng một tỷ cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh trồng 30 triệu cây phân tán và 40 nghìn ha rừng tập trung.
Đến nay, tỉnh đã trồng được gần 19 triệu cây phân tán và 30 nghìn ha rừng tập trung, tỷ lệ che phủ rừng đạt 37,8%. Công tác quản lý, phát triển, bảo vệ rừng được quan tâm thường xuyên, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm dần. Bắc Giang đã hình thành các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung phục vụ cho công nghiệp chế biến với tổng diện tích hơn 80 nghìn ha; sản lượng gỗ khai thác hằng năm đạt trên 1 triệu m3. Giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ sau chế biến hằng năm đạt trên 2 nghìn tỷ đồng. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung toàn ngành nông nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, thúc đẩy KT – XH của tỉnh ngày càng phát triển.
Hậu Thạch