Bổ sung 10 di sản mới vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

BVR&MT – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa quyết định bổ sung 10 di sản vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, riêng tỉnh Thanh Hóa có thêm 3 di sản được công nhận.

Theo công bố, Thanh Hóa sẽ có thêm các di sản được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian hát sắc bùa của người Mường, huyện Ngọc Lặc; Lễ hội truyền thống Lễ hội Mường Xia, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn; Lễ hội truyền thống Lễ hội Đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc.

Hai tỉnh Tuyên Quang và Đắk Lắk có thêm 2 di sản, trong khi đó các tỉnh Vĩnh Long, Bình Định và Bình Phước, mỗi tỉnh cũng được bổ sung thêm di sản phi vật thể quốc gia.

Thiếu nữ Mông xã Kiến Thiết (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) học thêu thùa. Ảnh: Quang Minh

Tại các quyết định này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL giao Chủ tịch UBND các tỉnh nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Việc bổ sung các di sản vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Bộ VHTTDL, nhằm lưu giữ được công sức và nét đẹp văn hóa truyền thống của các thế hệ trước; tạo tiền đề để các thế hệ sau tái tạo và phát triển; góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc nói riêng và di sản văn hóa thế giới nói chung; phát huy giá trị di sản nhằm tạo cơ hội phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh, dấu ấn riêng của đất nước với bạn bè quốc tế.

Đồng thời, quyết định này giúp người dân ở các địa phương có các di sản nâng cao ý thức duy trì, gìn giữ và bảo vệ văn hóa, nghệ thuật của dân tộc cũng như phát triển các sản phẩm mang tính chất tinh thần gắn liền với cộng đồng hoặc cá nhân vật thể và không gian văn hóa liên quan.

10 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm:

1- Nghề thủ công truyền thống nghề làm tàu hũ ky, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long;

2- Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa huyện Lâm Bình, huyện Hàm Yên, huyện Chiêm Hoá, huyện Na Hang, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang;

3- Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ Đại Phan của người Sán Dìu, tỉnh Tuyên Quang;

4- Nghệ thuật trình diễn dân gian hát sắc bùa của người Mường, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa;

5- Lễ hội truyền thống Lễ hội Mường Xia, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa;

6- Lễ hội truyền thống Lễ hội Đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa;

7- Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người M’nông, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk;

8- Ngữ văn dân gian Lời nói vần của người Ê đê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk;

9- Lễ hội truyền thống Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị nước mặn, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định;

10- Nghề thủ công truyền thống Nghề dệt thổ cẩm của người M’nông, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, xã Đăk Nhau, xã Đồng Nai, xã Thọ Sơn, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Sơn Tinh