Bỏ phố về rừng

BVR&MT – Giữa không gian chỉ có cây rừng, tiếng chim hót, tiếng gió xào xạc, tiếng nước chảy tí tách, tiếng gà kêu, chó sủa, nhưng tôi không ngạc nhiên khi biết Nịnh Văn Sàu có thể sống một mình tại đây trong nhiều tháng qua.

Anh Nịnh Văn Sàu bên vườn rau được trồng trong rừng.

Phần vì những hoạt động thường ngày luôn được anh ghi lại để phát trên YouTube nhưng cái chính là công việc của một nông dân như làm vườn, trồng rau, nuôi cá và nhất là những kỹ năng sử dụng công cụ thủ công cơ bản, hạn chế để sinh tồn trong môi trường tự nhiên dễ làm người ta quên đi thời gian và không gian.

Và nghe Sàu nói anh ở Bắc Sơn, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), tôi đã hình dung quãng đường hơn 300 km xa xôi mà tôi phải đi từ Hà Nội tới đó.

Một mình trong rừng vắng

Mặc dù chỉ nằm cách trung tâm thành phố Móng Cái có 12 km nhưng Bắc Sơn là xã vùng cao biên giới với địa hình chủ yếu là đồi núi. Và Thán Phún nơi Sàu ở là một trong bốn thôn của Bắc Sơn, bên cạnh các thôn Lục Phủ, Pẹc Nả và Phình Hồ. Tại đây có bốn dân tộc anh em sinh sống là Kinh, Dao, Tày và Sán Chỉ nhưng dân cư thưa thớt. Vì thế, tôi đã mất khá nhiều thời gian để hỏi tìm được nhà Sàu, trước khi anh dẫn tôi đi thêm 3 km nữa để vào khu vực nơi anh đang sinh sống một mình tại đó.

So với tám tháng trước, đây chỉ là một bãi đất hoang giữa rừng, rộng khoảng hơn 500 m2. Khi đó, Sàu đã xin chính quyền địa phương được phép khai thác khu vực này để phát triển kinh tế. Ðường từ đây về Thán Phún thuận lợi nhờ thôn đã và đang thay đổi mạnh mẽ trong quá trình xây dựng nông thôn mới, và cũng để nói rằng việc rời nhà ra sống riêng của Sàu cũng giống như chuyện “bỏ phố về rừng”. Tuy vậy, việc dựng nhà, đào ao, làm vườn và hoàn thiện nhiều phần việc khác thật không dễ dàng cho chàng trai sinh năm 1994. Liệu anh sẽ tiếp tục dựng nhà, làm vườn chỉ để phục vụ cho việc làm YouTube rồi lại chuyển đi nơi khác như trước hay sẽ gắn bó lâu dài với mảnh đất này? Nói thế bởi sau quãng thời gian làm đủ thứ nghề như bảo vệ, bán hàng, nhân viên kỹ thuật tại Viettel Store hay công nhân điện tử ở Trung Quốc, Sàu đã nhận ra rằng, chỉ có cố gắng phát triển một nghề cho chính bản thân mới giúp anh tự làm chủ cuộc sống và ổn định lâu dài. Vì vậy, dù bị gia đình, người thân phản đối rất nhiều, anh vẫn quyết tâm trở thành người sáng tạo nội dung trên YouTube vào năm 2019 sau khi từ Trung Quốc trở về do đại dịch Covid-19, với các video chuyên về kỹ năng sinh tồn trong rừng.

Nghe Sàu kể thì anh có niềm đam mê với công nghệ, với cuộc sống trong thiên nhiên hoang dã, đến mức anh từ chối cơ hội làm trong cơ quan nhà nước, nhưng điều làm tôi bất ngờ nhất là kỹ năng bushcraft, gọi nôm na là du lịch bụi, cắm trại bụi, để sinh tồn trong môi trường tự nhiên của anh. Chủ đề mà Sàu đang làm ở những video phát trên YouTube khá giống với các chủ đề trước đây được anh thực hiện trong một năm bám rừng nhưng điểm khác là hiện tại, anh không muốn làm xong một nơi rồi lại rời đi ngay mà muốn tái hiện nghiêm túc hình ảnh một chàng nông dân làm vườn, trồng rau, nuôi cá…, sống cuộc sống đồng quê, giản dị, gần gũi với thiên nhiên núi rừng. Nghĩa là anh đã làm hơn những gì các bushcrafter (tạm gọi là người đi du lịch bụi, cắm trại bụi) hay làm vốn chỉ để thể hiện kỹ năng sinh tồn, bởi anh còn nhằm phục vụ cho cuộc sống riêng của bản thân và mọi ý tưởng, do vậy đều mang tính lâu dài. Thế nên, nếu không biết chặt tre dựng nhà, đào ao thả cá, đan lát, xây bếp, đưa nước suối về sử dụng hay câu cá, bắt tôm cua ở suối, thật khó để Sàu có thể trụ lại một mình giữa vùng rừng núi hoang vắng và thu hút người xem qua những nội dung sáng tạo trên kênh Trai vùng cao.

Nên nói thêm là trong tám tháng qua, hai phần việc lấy đi của Sàu nhiều thời gian và công sức hơn cả là đào ao và nhất là dựng nhà. Vẫn biết sống ở một xã biên giới mà đời sống kinh tế của người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, trồng rừng và phát triển chăn nuôi, ai cũng thành thạo một số kỹ năng nhưng sau khi đã xem hết các video của Sàu rồi tận mắt chứng kiến, quả thực tôi đã thấy chàng trai người Sán Chỉ ấy có thể làm được mọi thứ. Như anh nói, anh đã học được kỹ năng này ở cha mẹ và những người lớn tuổi ở trong thôn.

Và để diễn tả chi tiết công việc hằng ngày đó mà không cần lời thoại nhằm dẫn dắt người xem, ban đầu Sàu chỉ có một chiếc điện thoại, tự quay, tự dựng video, mất khá nhiều thời gian, chưa kể mạng 4G lúc có lúc không, ảnh hưởng việc đăng lên YouTube. Ðổi lại, nhật ký cuộc sống của Sàu, như cho gà, ngan ăn, trồng rau, trang trí, cải tạo khu vườn dù lặp đi lặp lại vẫn được người xem đón nhận với tỷ lệ người đăng ký (sub) và lượng người xem (view) tăng dần. Nhờ đó, thu nhập của anh từ YouTube đã nhiều hơn và ổn định, để anh có thể nhờ người anh trai phụ quay và bay flycam, còn mình tập trung hoàn toàn vào việc hoàn thiện ngôi nhà.

Sàu cũng tiết lộ thêm, xen kẽ những phần việc liên quan đến kỹ năng bushcraft, thời gian tới, anh sẽ thực hiện các nội dung về ẩm thực để giúp người xem cảm thấy không nhàm chán và đơn điệu. Như tôi nhận thấy thì xem ra, Sàu cũng rất biết cách đón đầu xu hướng hiện nay của những người sáng tạo nội dung trên YouTube là thực hiện các chủ đề hot về ẩm thực và ở đây là bushcraft.

Khu nhà vườn do một mình Nịnh Văn Sàu xây dựng nên.

Thích nghi với biến đổi khí hậu và dịch bệnh

Giữa những không gian chật chội, ngột ngạt và khói bụi chốn đô thị, nỗi lo đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, chúng ta đều thèm có được một nơi có nhiều cỏ cây hoa lá và tiếng chim ríu rít đầu cành. Bởi thế, xu hướng tìm về với thiên nhiên thông qua các hình thức như du lịch, cắm trại, sinh tồn trong tự nhiên… đang ngày càng được ưa chuộng, để tất cả có thể được tận hưởng trọn vẹn không khí trong lành và tìm lại sự bình yên trong tâm hồn. Cũng vì vậy mà từ bushcraft được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Gọi nôm na là du lịch bụi, cắm trại bụi nhưng một trong những phần định nghĩa theo tiếng Anh là: Survivalism – The ability to adapt and improvise in the wilderness, có nghĩa: Chủ nghĩa sinh tồn – Khả năng thích nghi và ứng biến nơi hoang dã. Hay chỉ đơn giản là kỹ năng sinh tồn.

Không khó để bắt gặp nhiều người sáng tạo nội dung trên YouTube chuyên về chủ đề bushcraft của Việt Nam với nội dung khá giống nhau như một mình một ba-lô vào rừng, tìm chỗ dựng lán, lều hoặc nhà, tìm nguồn nước, tìm thức ăn như Hieu TV, Ana’s Bushcraft, Lý Thị Ca, Building Life, Người con núi rừng, Trai núi… Ðiểm chung ở họ, như tôi đã thấy ở Sàu, là tất cả đều biết sử dụng các nguồn tài nguyên có sẵn trong môi trường tự nhiên để tồn tại và phát triển trong môi trường tự nhiên ấy. Họ biết kết hợp kiến thức tổng hợp về thực vật, động vật, địa hình, thời tiết… với một số công cụ thủ công cơ bản và hạn chế để giúp việc sinh tồn trong môi trường tự nhiên trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Chẳng hạn như Sàu chỉ cần dao rựa, cưa, đục, búa, dây là có thể dựng được một căn nhà bằng tre, mái cọ làm nơi trú ngụ. Nghĩa là các bushcrafter phải có những kỹ năng cơ bản như: tìm kiếm thức ăn, săn bắt, tìm kiếm nguồn nước, dựng nơi trú ẩn và nhóm lửa. Mỗi kỹ năng này sẽ có những kỹ năng nhỏ, chẳng hạn như trong tìm kiếm thức ăn bao gồm kiến thức về thực vật, động vật; nấu ăn; tránh cây độc; cách thu hoạch hiệu quả hay dựng nơi trú ẩn gồm việc đốn cây, thu thập vật liệu, sử dụng các nút buộc…

Ðó sẽ là những thử thách mà bất cứ ai yêu thích khám phá cuộc sống thiên nhiên đều muốn được trải nghiệm, giúp họ hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận và chiêm ngưỡng thiên nhiên. Ðồng thời giúp họ tự lập, tự tin, kiên nhẫn và bền bỉ hơn, gia tăng khả năng thích ứng những khó khăn và thách thức cũng như cải thiện khả năng sinh tồn nhằm hạn chế các rủi ro nhiều nhất có thể. Thế nên, dù bushcraft tập trung vào sinh tồn nơi hoang dã nhưng nếu chúng ta biết một hoặc nhiều kỹ năng, chúng ta sẽ có sự chuẩn bị và áp dụng vào trong cuộc sống thành thị và nông thôn trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.

Dĩ nhiên, nói vậy không phải để tất cả chúng ta đều muốn trở thành Alex McCandless – một chàng thanh niên xuất thân từ tầng lớp trí thức đã một mình tiến vào miền hoang vu không người ở Alaska (Mỹ) với ý định sống cùng thiên nhiên vài tháng trong cuốn Vào trong hoang dã của Jon Krakauer. McCandless đã bỏ mạng nơi chuyến đi đơn độc cuối cùng vào miền hoang dã nhất của Alaska. Năm ấy anh 20 tuổi. Người ta nói rằng anh ngu ngốc, liều lĩnh và dại dột: Cố tình đi vào nơi hoang dã không người, thời tiết khắc nghiệt mà không chuẩn bị kỹ càng hay từ bỏ gia tài, từ bỏ một gia đình yêu thương rồi đi thơ thẩn vào chốn hoang dã mà chẳng vì cái gì. Tuy vậy, cũng có người nói thế này: Sống 20 năm mà được sống đúng với con người mình, được thực hiện ước mơ và đam mê của mình chẳng phải là hơn sống 60 năm mà vu vơ bất định?

Có lẽ mỗi người cần phải tự tìm thấy “Alaska” của mình và sống thật hết mình, thật sống động, để cuộc đời này không hoài phí. Như với Sàu chẳng hạn. Những kỹ năng mà tôi nêu trên đã được anh sử dụng hiệu quả trong việc xây dựng khu nhà vườn rộng rãi, đầy đủ trong rừng mà không cần đến quá nhiều thiết bị và dụng cụ mà một bushcraft thường mang theo trong ba-lô. Dĩ nhiên, không ai có thể mang theo tất cả những đèn pin, võng, túi ngủ, xẻng, rìu, dao, dây, áo quần, ấm đun nước… mà cần tùy theo nhu cầu, mục đích, nhiệm vụ, địa thế, khí hậu, và với Sàu, vào rừng không phải là để anh đi du lịch hay cắm trại chơi qua một hay hai ngày mà anh cần dựng nhà, làm vườn, trồng rau, nuôi gà, thả cá để sinh sống như một người bình thường.

Sàu cho biết thêm, có thể anh sẽ gắn bó với nơi này lâu dài, thậm chí lấy vợ sinh con ở đây. Chẳng gì thì chàng trai người Sán Chỉ cũng đã đi hết những cánh rừng ở Bắc Sơn trước khi dừng chân gần Thán Phún và nhận ra rằng, “bỏ phố về rừng” hóa ra đang giúp anh có một cuộc sống ổn định, yên bình hơn so với thành thị.