Bộ Nội vụ sắp ‘nhường’ địa phương quản lý biên chế công chức, viên chức

BVR&MT – Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo tinh thần của Bộ Chính trị, Ban tổ chức Trung ương sẽ trực tiếp giao biên chế công chức, viên chức cho các địa phương quản lý, Bộ Nội vụ sẽ không còn đảm nhận nhiệm vụ này như lâu nay.

Tại họp báo cung cấp thông tin định kỳ và gặp mặt các phóng viên, biên tập viên nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam vào ngày 20/6, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ nhiều thông tin quan trọng liên quan đến công tác quản lý công chức, viên chức.

Quyết tâm đổi mới, đi đầu trong thực hiện phân cấp, phân quyền

Theo Bộ trưởng Nội vụ, quản lý công chức, viên chức là vấn đề rất nóng bỏng, rất nhiều vấn đề phải đổi mới. Vừa qua, Bộ Nội vụ đã phân cấp việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho các bộ ngành thực hiện. Từ đó cắt giảm các loại chứng chỉ bồi dưỡng.

“Để cắt giảm 152 chứng chỉ, trong đó có 61/63 chứng chỉ của công chức, 89 chứng chỉ của viên chức, rồi bỏ chứng chỉ về ngoại ngữ, tin học cũng không hề đơn giản. Để làm được không phải là không có khó khăn nhưng chúng tôi cũng quyết tâm thực hiện cho bằng được việc này”, bà Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì họp báo.

Bộ trưởng Nội vụ đề nghị các bộ, ngành khẩn trương ban hành thông tư thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng và triển khai nghiêm túc việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng phân cấp triệt để việc thăng hạng cho công chức, viên chức. “Hiện Bộ chỉ thực hiện một việc là tổ chức thi thăng hạng đối với chuyên viên cao cấp, còn lại phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương, để họ tập trung làm và làm cho đúng vai trò, vị trí, thẩm quyền của mình”, Bộ trưởng nói.

Tư lệnh ngành Nội vụ cũng thông tin chính thức một nội dung rất mới. Cụ thể, vừa qua Bộ Nội vụ đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, việc phân cấp quản lý và giao biên chế công chức, viên chức. Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đã báo cáo nội dung này đến Bộ Chính trị.

“Hiện chưa có kết luận chính thức, nhưng chủ trương chung là sẽ phân cấp cho Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý và giao biên chế công chức, viên chức”, bà Trà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nội vụ lý giải thêm, trước đây, theo Luật Công chức, viên chức cũng như theo các Nghị định hiện hành, Bộ Nội vụ hàng năm sẽ báo cáo để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt biên chế công chức cho các bộ, ngành địa phương và Bộ thực hiện thẩm định viên chức cho tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Nhưng tới đây, trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị và kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, Ban tổ chức Trung ương sẽ trực tiếp phân cấp triệt để vấn đề quản lý và giao biên chế công chức, viên chức cho Ban Thường vụ tỉnh uỷ, thành ủy quản lý.

Theo bà Trà, việc này nhằm đảm bảo quản lý một cách đồng bộ giữa biên chế của khối Đảng, đoàn thể cũng như khối hành chính nhà nước.

“Đây cũng là một vấn đề mới và sẽ tiến hành giao tổng thể cho cả giai đoạn 2022-2026. Từ đó giao chỉ tiêu để chúng ta thực hiện mục tiêu giảm tối thiểu khoảng 5% biên chế công chức; giảm số người, số biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước khoảng 10% để bảo đảm theo đúng tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Trung ương khóa XII”, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định.

Một lần nữa nhấn mạnh đây là điểm rất mới, bà Trà nhìn nhận bước đầu thực hiện việc này sẽ có những khó khăn, vướng mắc. Những vấn đề liên quan đến thể chế, Bộ Nội vụ sẽ phải cố gắng tham mưu để hoàn thiện để đảm bảo làm sao phân cấp triệt để theo đúng tinh thần, chủ trương của Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng là phân cấp, phân quyền trên tất cả các lĩnh vực.

“Chúng tôi cũng xin nói như vậy để các bạn thấy Bộ Nội vụ đã rất mạnh dạn trong vấn đề này, quyết tâm đổi mới và đi đầu trong vấn đề thực hiện phân cấp, phân quyền, nhất là trong việc quản lý đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của hệ thống hành chính nhà nước”, Bộ trưởng nêu quyết tâm.

Xóa bỏ một nền hành chính ‘hai chế độ công vụ’

Ngoài ra, bà Trà cũng cho hay, Bộ Nội vụ cũng đang cho đánh giá tác động đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, làm cơ sở cho việc nghiên cứu từng bước xây dựng được một nền công vụ chung.

“Đó là liên thông giữa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện trở lên. Để làm sao chúng ta chỉ xây dựng một nền công vụ không như hiện nay là “hai chế độ công vụ” – một chế độ công vụ từ cấp huyện trở lên và một chế độ công vụ cấp xã”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chính vì vậy, đối với cán bộ, công chức cấp xã, trong quá trình đưa vào trong Luật Cán bộ, công chức đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực. Các địa phương rất chú trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ này.

“Đến lúc chúng ta cũng phải tính để bảo đảm liên thông, chỉ có một chế độ công vụ. Đây cũng là vấn đề mới. Sau khi đánh giá tác động xong, chúng tôi sẽ nghiên cứu thật kỹ vấn đề này, để thực hiện theo lộ trình, nâng dần chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Từ đó có được một hệ thống chính trị ở cơ sở, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới này”, bà Trà nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý, cố gắng thực hiện việc phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, các bộ, ngành; giữa địa phương với địa phương và giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương nhưng phân cấp, phân quyền phải gắn với kiểm soát quyền lực để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu.

Đồng thời, bảo đảm cho các địa phương thực hiện được khả năng và đủ năng lực để có thể tiếp nhận được việc phân cấp, phân quyền này.

“Chúng tôi cũng đã hết sức cố gắng, quyết tâm cao, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tham mưu cho Bộ Chính trị cũng như Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, đặc biệt đó là tham mưu cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, tham mưu trực tiếp cho Chính phủ, Thủ tướng việc này”, Bộ trưởng Nội vụ chia sẻ.