BVR&MT – Bộ Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Philippines (DENR) kêu gọi các nhà lập pháp sớm thông qua việc sửa đổi luật nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho hoạt động quản lý, bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên động vật hoang dã của đất nước cùng môi trường sống của chúng.
“Chúng ta cần giải quyết quy mô ngày càng gia tăng và mức độ tinh vi của tội phạm động vật hoang dã, đồng thời phát triển một khuôn khổ pháp lý nghiêm ngặt hơn để cải thiện cơ chế thực thi cũng như tăng cường hợp tác giữa các cơ quan chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp”, Benito De Leon, Thứ trưởng DENR cho biết trong một cuộc họp báo vào tuần trước.
Các quan chức môi trường tin rằng các đạo luật cũ không thể ngăn chặn được tội phạm động vật hoang dã, vì vậy, cần phải khẩn trương sửa đổi.
Philippines là nguồn cung cấp, trung chuyển và điểm đến quan trọng cho hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, ít nhất 50 tỷ pesos (tương đương gần 23.000 tỷ đồng) bị mất hàng năm do hoạt động thương mại bất hợp pháp. Các loài bị buôn bán nhiều nhất trong nước là tê tê Palawan, yểng Palawan và tắc kè Tokay.
“Buôn bán trái phép động vật hoang dã là hoạt động tội phạm sinh lợi thứ tư trên thế giới và chúng ta đang ở tâm điểm của nó”, Thứ trưởng Edilberto Leonardo, phụ trách Cục Quản lý Đa dạng Sinh học thuộc DENR cho biết. Tuy nhiên, các đạo luật cũ không thể ngăn chặn được nhóm tội phạm nguy hiểm này. “Chúng ta cần một luật mạnh, hiệu quả và hiện đại hơn để giải quyết vấn nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã trong nước. DENR mong muốn Đạo luật Động vật Hoang dã sớm được thông qua”, Thứ trưởng Leonardo khẳng định.
Được biết, tại Thượng viện, hai dự luật 2078 và 2079 đã được đệ trình để giải quyết những lỗ hổng trong bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã và ứng phó với cuộc khủng hoảng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đang gia tăng. Các dự luật tương tự đang chờ xử lý tại Hạ viện.
Theo các biện pháp được đề xuất, tội buôn bán động vật hoang dã là một tội khác biệt và riêng biệt, trong đó các hành vi buôn lậu động vật hoang dã sẽ bị phạt từ 12 năm tù đến 20 năm tù và phạt tiền từ 200.000 peso (hơn 92 triệu đồng) đến 2 triệu peso (hơn 921 triệu đồng). Ngoài ra, dự luật cũng tăng đáng kể mức phạt tối đa đối với hành vi buôn bán, tàng trữ và vận chuyển động vật hoang dã từ 4 năm tù giam và/hoặc bị phạt tiền từ 300.000 Peso (gần 1,4 tỷ đồng) lên 8 năm tù giam và/hoặc phạt tiền 1 triệu peso (hơn 460 triệu đồng).
Các hình phạt nghiêm khắc hơn sẽ ngăn chặn các vi phạm và các hoạt động tội phạm, Thứ trưởng Leonardo cho biết.
Được biết, DENR, Bộ Nông nghiệp, Hội đồng phát triển bền vững Palawan và Chính phủ Bangsamoro sẽ được giao nhiệm vụ kiểm soát, quản lý tất cả các loài ngoại lai xâm hại và được ủy quyền để xét xử vi phạm cũng như thực thi hình phạt.
Linh Nhi (Theo philstar.com)