Bờ Biển Ngà bỏ rừng chọn sô cô la

BVR&MT – Làm thế nào bạn có thể cứu những khu rừng mưa nhiệt đới cuối cùng khỏi nạn phá rừng tràn lan ở một trong những quốc gia đa dạng sinh học nhất châu Phi? Trừng phạt những người chịu trách nhiệm – trong trường hợp này là người trồng ca cao và buôn bán sô cô la? Ở Bờ Biển Ngà, chính phủ lại nghĩ khác. Nước này hé lộ kế hoạch chấm dứt việc bảo vệ hầu hết những khu rừng còn lại và giao rừng cho các thương nhân sô cô la tầm cỡ thế giới. Đó là sự điên rồ, chiếm đất một cách tàn bạo, hay là lối thoát duy nhất?

Cây trong khu bảo tồn rừng ở phía tây Bờ Biển Ngà bị chặt để trồng ca cao (Ảnh: MIGHTY EARTH).

Trong 50 năm qua, rất ít quốc gia mất rừng mưa nhiệt đới nhanh như Bờ Biển Ngà. Hơn 80% rừng của nước này đã biến mất mà lý do chủ chốt nhất là sau đợt hàng triệu người không có đất đai xâm lấn bất hợp pháp vào các vườn quốc gia và khu bảo tồn. Chỉ riêng Vườn quốc gia Marahoue đã có tới 30.000 dân ngụ cư bất hợp pháp. Những người này trồng ca cao để cung cấp cho ngành kinh doanh sô cô la toàn cầu.

Bờ Biển Ngà, một quốc gia Tây Phi có diện tích bằng với bang New Mexico, sản xuất hơn 1/3 lượng ca cao của thế giới. Ca cao đóng góp khoảng 1/10 GDP nước này nhưng khoảng 40% diện tích cây ca cao – sản xuất ra hơn 1/10 số thanh sô cô la trên thế giới – được trồng bất hợp pháp tại các vườn quốc gia và 230 khu bảo tồn thuộc sở hữu chính phủ, thường gọi là forée classée, theo lời chuyên gia Etelle Higonnet thuộc tổ chức Mighty Earth, một nhóm môi trường có trụ sở tại Mỹ hoạt động tích cực trong việc ghi lại dấu chân của các mặt hàng toàn cầu quan trọng.

Hầu hết ca cao được trồng độc canh ở nơi nhiều ánh mặt trời nên phải loại bỏ tất cả các cây xung quanh. Chuyên gia Eloi Anderson Bitty thuộc Đại học Felix Houphouet-Boigny ở Abidjan cho biết nhiều khu bảo tồn “bị chuyển đổi hoàn toàn thành đất trồng trọt” nhằm đáp ứng nhu cầu vô độ của thế giới về loại hạt để sản xuất sô cô la.

Động vật hoang dã, đặc biệt là voi rừng và tinh tinh, đã bị ảnh hưởng nặng nề. Các khu rừng tạo thành một phần của hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới Guinea Tây Phi, nổi tiếng với các loài linh trưởng nhưng Bitty phát hiện 13/23 khu rừng bảo tồn mà ông khảo sát không còn loài linh trưởng nào nữa.

Áp lực ngày càng gia tăng buộc chính phủ phải hành động. Tuy nhiên, thay vì nỗ lực ngăn người trồng ca cao xâm lấn rừng thì chính phủ lại có kế hoạch chấm dứt bảo vệ pháp lý vốn không mấy hiệu quả để chuyển hàng ngàn dặm vuông rừng mưa nhiệt đới vốn bị tàn phá thành diện tích dự trữ nông lâm nghiệp, nằm dưới sự vận hành của các công ty sản xuất sô cô la quốc tế.

Mục đích được nêu rõ là bảo vệ các khu rừng khác bằng cách cải thiện năng suất ca cao ở những khu vực rừng đã bị phá. Nhưng trên thực tế, kế hoạch này sẽ vô tình thúc đẩy hợp pháp hóa nạn phá rừng quy mô lớn và dường như đang hỗ trợ cho các thủ phạm phá rừng.

Theo World Cocoa Foundation, tổ chức thương mại đứng sau kế hoạch trên, sáng kiến ​​đã được các bộ trưởng Bờ Biển Ngà thông qua đầu tháng 3, dự kiến ​​sẽ được Quốc hội phê duyệt vào tháng 4.

Các nhà vận động quyền đất đai cho biết những thay đổi này ​​sẽ trao cho các công ty như Mars, Nestle và Hershey quyền kiểm soát nhiều cộng đồng trồng ca cao trong rừng, bằng cách vận dụng ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động kinh tế duy nhất của họ và có thể tạo cho các công ty ưu thế độc quyền mua nông sản của nông dân.

Hầu hết ca cao ở Bờ Biển Ngà thường do các nông hộ nhỏ lẻ trồng trên diện tích chừng ​​3-4 ha. Nhiều nông dân là di dân dạt vào rừng tìm nơi trú ẩn trong những đợt hạn hán phía bắc xảy ra ở Mali và Burkina Faso trong những năm 1970 và 1980, và trong cuộc nội chiến Bờ Biển Ngà từ năm 2002 đến 2004.

Higonnet cho biết nông dân bị cuốn vào một hệ thống buôn bán ca cao và chiếm dụng đất đầy tham nhũng và bóc lột, hầu hết chỉ kiếm được dưới 1 USD mỗi ngày. Trong khi đó, các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm bảo vệ rừng lại quan tâm đến việc nhận hối lộ hơn là bảo vệ rừng.

Một cố vấn cấp cao trong văn phòng Tổng thống Bờ Biển Ngà đã không trả lời các câu hỏi của báo chí về tham nhũng và hối lộ trong các dịch vụ bảo vệ rừng, cũng không xác nhận chính phủ đã không tham vấn ​​cộng đồng về việc thay đổi tình trạng của khu rừng mà họ sống.

Vũng lầy bất hợp pháp này tiếp tay cho nền thương mại ca cao toàn cầu tập trung cao độ. Richard Scobey, chủ tịch World Cocoa Foundation cho biết chỉ một số công ty thu mua đến 85% lượng thu hoạch ca cao, 2/3 trong số này đến từ hai quốc gia: Bờ Biển Ngà và nước láng giềng Ghana. “Rất ít công ty quốc tế mua trực tiếp từ các khu bảo tồn”. Nhưng họ mua từ cò.

Khi các nhà môi trường nhấn mạnh quy mô phá rừng để sản xuất sô cô la cho thế giới trong những năm gần đây, các công ty ca cao đã phản hồi rất hùng hồn.

Tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc cuối năm 2017, các công ty hàng đầu công khai ký kết “khung hành động chung” cam kết sẽ hợp tác với các chính phủ để loại bỏ nạn phá rừng khỏi chuỗi cung ứng của mình. Scobey nói rằng 32 công ty đã ký.

Ghana, Bờ Biển Ngà và các chính phủ của các nước trồng ca cao khác cũng ký vào khung hành động, hứa sẽ “cấm và ngăn chặn” hơn nữa nạn phá rừng, “tôn trọng quyền của người nông dân trồng ca cao”, và “tăng cường lập bản đồ chuỗi cung ứng, với mục tiêu cuối cùng là hoàn thành truy xuất nguồn gốc ở cấp độ trang trại”.

Bộ trưởng về nước và rừng của Bờ Biển Ngà Alain-Richard Donwahi cam kết trả lại ít nhất 1/5 diện tích rừng cho đất nước vào năm 2030 bằng cách khôi phục lại số ít các khu rừng bảo tồn chưa giao cho các thương nhân ca cao.

Nhưng theo Higonnet, người gần đây đã đi thăm cả khu vực, 15 tháng trôi qua mà nạn phá rừng vẫn chưa dừng. Các lời hứa hẹn cải cách cũng vẫn bị gác lại.

“Nông dân phá rừng trồng ca cao vẫn có thể bán ca cao một cách công khai mà không hề hấn gì”, cô nêu rõ trong một báo cáo vào tháng 11/2018.

Scobey nói rằng các công ty đã cố gắng hết mức. Nhưng còn những trở ngại. Không công ty nào muốn phá vỡ hệ thống canh tác nông hộ nhỏ hiện có để phát triển trang trại quy mô lớn. Tương ứng, chính phủ không có nguồn lực để bảo vệ rừng và tái định cư hàng trăm ngàn người ngụ cư trái phép.

Theo Scobey, giải pháp là “quan hệ đối tác công-tư”. Các công ty quốc tế mua ca cao sẽ quản lý các khu dự trữ rừng bị suy thoái với điều kiện chính phủ hợp pháp hóa sản xuất ca cao trong đó.

Sau cùng, chính phủ Bờ Biển Ngà hứa sẽ nhóm các khu rừng bảo tồn có diện tích hơn 7.700 dặm vuông thành ba loại. Những khu vực rừng vẫn còn và tất cả các vườn quốc gia sẽ được bảo vệ hoàn toàn và di dời hết dân ngụ cư. Khu vực rừng chưa suy thoái nhiều sẽ được hồi phục dần. Các khu vực bị suy thoái nặng hơn – phần lớn diện tích từng là rừng – sẽ được tái phân loại từ được bảo vệ thành nhượng địa quản lý nông lâm bền vững.

Những thay đổi đang được ban hành theo luật lâm nghiệp mới đã được các bộ trưởng chấp thuận vào đầu tháng 3. Chính phủ sau đó sẽ ban hành các hướng dẫn hoạt động để “giải thích rõ những gì các công ty có thể thực hiện” trên phạm vi được giao, theo lời Scobey.

Không ai biết bộ luật sau cùng sẽ thế nào nhưng chính phủ nói rằng các nhượng địa nông lâm kết hợp sẽ thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp “thân thiện với môi trường” như “nông nghiệp bóng râm” cũng như chăn thả, khai thác và du lịch sinh thái.

Nông nghiệp bóng râm liên quan đến việc trồng cây ca cao có thể phát triển tốt dưới tán rừng, một kỹ thuật rất được ưa chuộng ở Cameroon nhưng có thể tạo áp lực để các công ty không tập trung đầu tư vào thâm canh ở những khu vực nhiều ánh mặt trời như hiện tại.

Một số nhà nghiên cứu chỉ rõ sản lượng cực kỳ thấp của nhiều trang trại ca cao nhỏ khiến nông dân nghèo đói. Một nghiên cứu cho thấy 25% số hộ nghèo nhất chỉ thu hoạch bắng 1/4 những hộ giàu nhất, phần lớn sự chênh lệch này do sâu bệnh gây ra.

Scobey luôn nói ngành công nghiệp ca cao hy vọng hầu hết nông dân tại những vùng bị suy thoái nặng nề “sẽ ở lại đó và tham gia vào nông lâm kết hợp”, và rằng những người mua ca cao sẽ phát triển quan hệ đối tác với cộng đồng địa phương.

Nhưng bên ngoài các khu vực nông lâm kết hợp, kế hoạch của chính phủ là trục xuất hàng loạt để bảo vệ các khu rừng còn lại. Các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp sô cô la thừa nhận rằng sẽ vô nghĩa nếu chỉ đưa nông dân trồng ca cao khỏi các khu rừng mà không cung cấp cho họ sinh kế thay thế. Hầu hết sẽ quay trở lại.

Một nhóm làm việc dự kiến ​​sẽ tư vấn cho chính phủ về các thông lệ quốc tế hợp lý về tái định cư, Scobey nói thêm, “chúng tôi đang nói chuyện với Ngân hàng Thế giới và những định chế tài chính khác”.

Higonnet và các nhóm như Human Rights Watch đã tư liệu hóa nhiều ví dụ về những vụ chính quyền trục xuất thô bạo các cộng đồng từ các vườn quốc gia của Bờ Biển Ngà. Thông thường, mọi người bị ném khỏi nhà mà không được thông báo, giải thích, hoặc có bất cứ nơi nào khác để đi.

“Những cuộc đàn áp như thế thường xảy ra sau khi mọi người phàn nàn về những khoản hối lộ mà họ buộc phải trả để canh tác trong vườn quốc gia. Không liên quan gì đến việc bảo vệ rừng”. Cô lo sợ mô hình sẽ được lặp lại, bất kể luật chơi mà ngành công nghiệp sô cô la hoặc chính phủ chấp thuận.

Scobey thừa nhận tình hình rất phức tạp và chậm hơn thời hạn. Kế hoạch của các công ty phụ thuộc vào việc chính phủ lập bản đồ các khu bảo tồn và vào dữ liệu về diện tích rừng cũng như ai đang sống ở đó. Hạn chót để hoàn thành việc đó là tháng 12 năm 2018 đã qua mà không có kết quả gì. Tương tự như vậy, không công ty nào công bố kế hoạch hành động dù hạn chót cũng cùng ngày.

Higonnet cho rằng các bên sử dụng chiến thuật trì hoãn vì quá nhiều người đang trục lợi từ sự hỗn loạn hiện tại. Nhưng cô ủng hộ sáng kiến ​​này một cách thận trọng, nói rằng quan hệ đối tác công – tư sẽ khiến các công ty có trách nhiệm giải trình hơn đối với cách sản phẩm của họ được phát triển. Không giống các chính phủ, cô nói, “ít nhất Nestle còn có điểm yếu. Họ không muốn lên trang nhất tờ New York Times”.

Vấn đề không chỉ là sự công khai mà các công ty e sợ. Tháng trước, các bộ trưởng Đức, nước tiêu dùng sô cô la lớn nhất Châu Âu, đã kêu gọi Liên minh châu Âu thiết lập “các quy định ràng buộc” về sản xuất ca cao bền vững được bán vào châu Âu, bao gồm mọi thứ từ phá rừng đến lao động trẻ em.

Nhưng các nhóm bảo tồn khác, kể cả những nhóm ở Bờ Biển Ngà, thận trọng hơn về việc các công ty tiếp quản rừng. Youssouf Doumbia, chủ tịch NGO Ivorian Observatory for the Sustainable Management of Natural Resources, tổ chức đã tham khảo các đề xuất, nói: “Một nguy cơ lớn là các công ty đặt lợi ích kinh tế của họ lên trên sự phục hồi của rừng”.

Các NGO phàn nàn rằng các cộng đồng không được tham vấn ​​xem những khu rừng bảo tồn nào nên được chuyển sang nông lâm kết hợp. Mặc dù không danh sách nào được công bố, các nhóm lo ngại rằng ngay cả những khu rừng vẫn còn đa dạng sinh học đáng kể cũng đang được lên kế hoạch chuyển đổi.

Doumbia muốn các khu bảo tồn thay vì được bàn giao thay cho những người ngụ cư dưới danh nghĩa “rừng nông nghiệp cộng đồng” thì sẽ do các hợp tác xã nông nghiệp điều hành. Mặt khác, ông lo ngại việc gom đất sẽ biến các công ty sô cô la thành người cầm trịch thật sự tại các lãnh địa trồng ca cao với hàng chục ngàn người sinh sống và làm việc.

Lo ngại sẽ tăng lên nếu hệ thống hiện hữu vốn để tiếp thị ca cao thay đổi. Hiện tại, nông dân chủ yếu bán cho các thương nhân độc lập, những người này bán lại cho các công ty đa quốc gia. Nhưng hầu hết các nhà quan sát tin rằng khi các công ty bắt đầu đầu tư vào việc cải thiện năng suất ở các khu vực nông lâm kết hợp thì đổi lại họ sẽ muốn được độc quyền mua ca cao trong khu vực của họ.

Scobey không xác nhận điều này nhưng cho biết “nếu chúng ta muốn các công ty đầu tư vào các khu vực này, họ cần phải có một động lực kinh tế. Điều đó rất quan trọng”.

Higonnet chỉ rõ hiện tại thì ý tưởng nông dân có nhiều sự lựa bán cho ai chỉ là một ảo tưởng. Lực lược cò đều lừa đảo và chỉ trả cho nông dân chút tiền còm. Bán cho một tập đoàn độc quyền chỉ để để bảo vệ uy tín quốc tế thì có thể còn tồi tệ hơn.

Nhưng điều đó không chỉ là về Bờ Biển Ngà hay ngành ca cao. Bỏ việc bảo vệ rừng, ngay cả những khu rừng bị nông dân làm cho suy thoái nặng nề vẫn “là một tiền lệ nguy hiểm. Các quốc gia khác như Indonesia sẽ quyết định hạ mức bảo vệ rừng. Tôi có thể tưởng tượng [tổng thống Jair] Bolsonaro ở Brazil cũng sẽ có một ngày xóa bỏ hết các khu bảo tồn”.

Nhật Anh (Theo e360.yale.edu)