BVR&MT – Trong khi thời tiết trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang bước vào cao điểm mùa khô hạn, nhiều ngày không mưa, nắng nóng, khô hanh, thảm thực bì ở các khu rừng hầu hết đã khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng tại đây rất cao. Trước tình hình này, Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chủ động phòng chống cháy rừng mức cao nhất.
Tại Ban quản lý Rừng phòng hộ Lê Hồng Phong thuộc huyện Bắc Bình, nơi đang có mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), dù đang giờ nghỉ trưa và dưới cái nắng oi bức, nhưng lực lượng vẫn túc trực theo dõi chỉ đạo.
Ông Lê Châu Thành, Trưởng Ban quản lý Rừng phòng hộ Lê Hồng Phong cho biết, đơn vị đang quản lý sử dụng diện tích rừng và đất lâm nghiệp với tổng diện tích hơn 15.300 ha, trên địa bàn 4 xã Hòa Thắng, Hồng Phong, Hồng Thái, Bình Tân và thị trấn Chợ Lầu. Với tình hình nắng nóng kéo dài như hiện nay, nguy cơ cháy rừng có thể diễn ra bất cứ lúc nào.
Theo ông Lê Châu Thành, Ban quản lý Rừng phòng hộ Lê Hồng Phong có 1 tổ cơ động và 4 trạm bảo vệ rừng phân công lực lượng ứng trực canh phòng 24/24 giờ thường xuyên tại các khu vực trọng điểm cháy, nhất là vào giờ cao điểm; phát hiện kịp thời điểm cháy, báo động và huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay…
Đơn vị đã triển khai cày băng trắng phòng chống cháy rừng với diện tích 248 ha, với tổng chiều dài băng cày 73 km để bảo vệ toàn bộ diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên tiếp giáp với đất sản xuất nông nghiệp của người dân, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan cháy rừng có thể xảy ra.
Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, hiện rừng tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam được cảnh báo cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Do đó, Chi cục Kiểm lâm đã yêu cầu các đơn vị chủ rừng và các xã có rừng tăng cường kiểm tra công tác ứng trực phòng cháy, chữa cháy rừng tại các khu vực trọng điểm cháy. Lực lượng canh phòng trực phải đảm bảo thời gian quy định; dừng thực hiện biện pháp đốt giảm vật liệu cháy. Song song, các xã tuyên truyền trên loa phóng thanh của địa phương về việc nghiêm cấm người dân đốt dọn nương rẫy tại các khu vực ven rừng và khu vực trọng điểm.
Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng cũng chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng trực để hỗ trợ chữa cháy rừng khi xảy ra ở các địa phương và đơn vị chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh theo lệnh điều động. Các ban quản lý rừng tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực canh phòng 24/24 giờ thường xuyên tại các khu vực trọng điểm cháy, chòi canh và ngoài hiện trường rừng, nhất là vào giờ cao điểm…
Ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo khẩn liên quan đến phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các ngành chức năng có liên quan phải xác định cụ thể các vùng trọng điểm theo cấp dự báo cháy rừng; triển khai kịp thời các giải pháp phòng chống cháy rừng với mục tiêu phòng là chính. Cùng với đó, thường xuyên tuần tra, kiểm soát các khu vực có nguy cơ cháy cao, theo dõi và thông báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn huyện.
Các đơn vị phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong thời kỳ cao điểm mùa khô; kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn…
Tỉnh Bình Thuận hiện có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là hơn 340.000 ha; trong đó, rừng tự nhiên 290.000 ha; rừng trồng 48.000 ha, còn lại là rừng trồng chưa thành rừng. Từ đầu năm 2024 đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện trên 1.000 km đường băng cản lửa, xây dựng chòi canh lửa kiên cố. Lực lượng chức năng cũng trang bị máy móc thiết bị và hàng nghìn công cụ thủ công hỗ trợ dập lửa.
Tỉnh cũng thành lập các ban chỉ huy phòng chống cháy rừng các cấp để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống cháy khẩn cấp xảy ra. Ngoài ra các hộ dân sống trong khu vực có rừng đã được giao khoán rừng và ký cam kết bảo vệ rừng, đặc biệt là phòng chống cháy rừng.