Bình Phước: Gắn du lịch với những phần việc thiện nguyện

BVR&MT – Hành trình “Hoa nhân ái” 2022 vừa diễn ra sôi nổi được xem là mô hình du lịch thiện nguyện đang được tỉnh Bình Phước thí điểm. Hành trình thu hút hơn 50 giáo viên Sài thành đặt chân đến những vùng khó khăn của Bình Phước không những thăm quan, trải nghiệm mà còn là một dịp để cùng nhau chung tay trồng được nhiều hoa nhân ái.

Hơn 1.200 người dân, đoàn viên thanh thiếu nhi và thiện nguyện viên đã tham gia Hành trình “Hoa nhân ái” năm 2022. Qua đó, những cảnh đẹp và di tích lịch sử – văn hóa của tỉnh Bình Phước đã được quảng bá đến hàng chục thiện nguyện viên và nhiều phần việc tử tế đã được thực hiện ở những vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Theo ông Bùi Chí Thiện Trưởng Nhóm thiện nguyện Thiện Chí, Hành trình do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch (TT XTĐT, TM&DL) tỉnh Bình Phước cùng Nhóm thiện nguyện Thiện Chí gồm 52 thầy, cô giáo ở Quận 11 và các nhà hảo tâm đến từ TP. Hồ Chí Minh phối hợp với một số đơn vị tại tỉnh Bình Phước tổ chức.

Theo đó, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, Viettel Bình Phước, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, CLB Âm nhạc tỉnh, Đoàn Thanh niên (ĐTN) Cụm thi đua Khối cảnh sát 1 thuộc ĐTN Công an tỉnh, ĐTN Bộ đội Biên phòng tỉnh, ĐTN Bộ CHQS tỉnh, huyện Đoàn Hớn Quản, thị Đoàn Bình Long, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lộc Thịnh – H.Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) đã cùng góp sức cho Hành trình đầy ý nghĩa này.

Ấm lòng hoạt động trao quà cho các hộ chính sách, có hoàn cảnh khó khăn tại TX. Bình Long và thăm hỏi, động viên các gia đình bệnh binh tại huyện Lộc Ninh.

“Đi qua huyện Hớn Quản, huyện Lộc Ninh, TX. Bình Long và TP. Đồng Xoài, Hành trình đã kết nối những trái tim thiện nguyện, lan tỏa yêu thương và nhiều điều tử tế để tri ân các thế hệ cha anh. Dịp này, các thiện nguyện viên đã cùng nhau tìm hiểu về một Bình Phước xinh đẹp, mến khách. Hành trình đã góp sức phát triển du lịch thiện nguyện – sản phẩm mới của du lịch tỉnh nhà”, ông Trần Quốc Duy – Giám đốc TT XTĐT, TM&DL tỉnh Bình Phước – Trưởng Ban tổ chức Hành trình Hoa nhân ái cho biết.

Đoàn thiện nguyện đã tham quan Cơ sở dệt – trưng bày thổ cẩm và di sản đồng bào dân tộc S’tiêng (xã An Khương, huyện Hớn Quản). Nơi đây là địa điểm sinh hoạt thường xuyên của 10 thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã An Khương; trong đó, bà Nguyễn Thị Chanh ở ấp 5 được chọn làm “đầu tàu” vì am hiểu nghề dệt thổ cẩm. Tiếp đó, đoàn đã đến thăm Cơ sở sản xuất Nhâm Nhung (xã Thanh An, H.Hớn Quản) chuyên về cà phê nguyên chất, hạt điều và bột ngũ cốc. Đoàn tiếp tục thăm viếng chùa Lập Quốc Vạn Thành (P.Hưng Chiến, TX. Bình Long) – nơi có tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cao 73m, được xem là cao nhất Đông Nam Á hiện nay.

Đoàn thiện nguyện say mê tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm qua sự hướng dẫn của bà Thị Chanh (áo đen) và Giám đốc TT XTĐT,TM&DL tỉnh Trần Quốc Duy (áo dài).

Bên cạnh đó, Đoàn thiện nguyện đã cùng khám phá kiến trúc độc đáo của chùa Sóc Lớn (ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, H.Lộc Ninh) – ngôi chùa Khmer lâu đời nhất ở Bình Phước được
xây dựng vào năm 1931 và khánh thành vào năm 1937. Đây là ngôi chùa theo phái Phật giáo Nam Tông nên tượng thờ hầu hết là tượng Thích Ca. Được biết, hằng năm, 10 lễ hội lớn của người Khmer ở Bình Phước đã diễn ra tại chùa, thu hút đông đảo Phật tử địa phương đến chiêm bái và sinh hoạt tôn giáo. Trong thời kỳ kháng chiến, nơi đây từng là nơi nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng.

Trong hành trình lần này, vẻ đẹp của Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Tà Thiết (xã Lộc Thành, H.Lộc Ninh) đã cuốn hút các thành viên trong đoàn thiện nguyện. Tại Căn cứ Tà Thiết, đoàn thiện nguyện đã dâng hương tại Đài tưởng niệm để tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ; dâng hương, hoa tại Đền thờ tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy – Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam qua các thời kỳ; thăm di tích Hội trường Bộ Chỉ huy miền, nhà nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Thị Định…

Căn cứ Tà Thiết được xây dựng từ năm 1973. Tại đây, dưới những tán cây lớn được bao bọc bằng rừng le đan xen chằng chịt là những nhà làm việc của các đồng chí chỉ huy cao cấp trong Bộ Tư lệnh Miền thời bấy giờ. Tất cả đều được xây dựng theo lối nhà bán âm (nửa chìm nửa nổi), bên trên được lợp bằng lá trung quân, bốn bề xung quanh mỗi công trình đều có hệ thống giao thông hào để thoát hiểm. Từng được mệnh danh là “Rừng chính phủ”, Tà Thiết là căn cứ đại bản doanh của Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam để chỉ đạo cách mạng miền Nam làm nên những chiến công hiển hách, đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp này, Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (H.Lộc Ninh) đã trở thành điểm check-in thú vị. Qua đó, đoàn thiện nguyện đã được giới thiệu về sự ra đời và hoàn thành cột mốc 69 – một dấu son trong công tác phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia trên thực địa tỉnh Bình Phước.

Trong khuôn khổ của Hành trình, Viettel Bình Phước đã phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để tri ân các anh hùng liệt sỹ, phối hợp với một số đơn vị thay hoa và lọ hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và các huyện Lộc Ninh, Bù Đăng, Hớn Quản, TX. Phước Long. Tổng kinh phí thay hoa năm nay lên đến 255 triệu đồng.

Viettel Bình Phước tích cực phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong Tháng 7 – Tháng tri ân.

Nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình, đến thăm và giao lưu với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lộc Thịnh, Nhóm thiện nguyện Thiện Chí đã tặng 1 bộ máy vi tính và máy in trị giá 12 triệu đồng cùng 55 đôi giày thể thao Hừng Sáng trị giá 8 triệu đồng. Trong đó, 45 đôi dành cho các cán bộ, chiến sĩ của đồn và 10 đôi cho các đoàn viên Cụm thi đua Khối cảnh sát 1.

Hành trình đã mang đến niềm vui cho 50 gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại 2 phường Phú Đức, Phú Thịnh (TX. Bình Long) với 50 suất quà (450 nghìn đồng/suất) gồm gạo, các loại nhu yếu phẩm, áo, dầu nóng và tiền mặt do Nhóm thiện nguyện Thiện Chí hỗ trợ. Đồng thời, 1 bình oxy trị giá 15 triệu đồng đã được Nhóm này tặng cho Trạm Y tế phường Phú Đức.

Buổi giao lưu, trao quà cho các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lộc Thịnh sẽ mãi là một kỷ niệm khó quên đối với đoàn thiện nguyện.

Ngoài ra, đoàn thiện nguyện đã đến thăm, động viên, tặng các suất quà và tiền mặt, (500 nghìn đồng/suất) cho gia đình 3 bệnh binh ngụ tại xã biên giới Lộc Thịnh (huyện Lộc Ninh), gồm: ông Phạm Xuân Khê (ấp Hưng Thủy), ông Trần Ngọc Đường và ông Nguyễn Văn Thảo (ấp Đồng Tâm). Khi đoàn thiện nguyện đến thăm hỏi, bệnh binh Phạm Xuân Khê (SN 1942) đã kể lại những kỷ niệm khi tham gia kháng chiến và xúc động bày tỏ: “Không biết nói gì
hơn, tôi rất vui mừng và cảm ơn đoàn thiện nguyện đã dành nhiều tình cảm, san sẻ những khó khăn trong cuộc sống cùng gia đình tôi”.

Điểm nhấn của Hành trình “Hoa nhân ái” 2022 là chương trình “Lung linh những vì sao bất tử” tại Bộ CHQS tỉnh. Tại đây, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã hỗ trợ 50 triệu đồng để thực hiện album “Khúc nhạc trầm tháng Bảy” với 12 MV, trong đó đa số hát về người lính và tri ân anh hùng liệt sĩ.

Chương trình “Lung linh những vì sao bất tử” góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc.

“ Những tiết mục biểu diễn được chuẩn bị một cách công phu và buổi tọa đàm đầy cảm xúc, chương trình nói trên đã lan tỏa truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào đối với những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha ông đi trước”, anh Vũ Tuấn Anh – Bí thư Chi đoàn Phòng PC10, cụm trưởng Cụm thi đua Khối cảnh sát 1 cho biết.

Bên cạnh đó, 200 phần quà (350 nghìn đồng/phần) gồm bánh, nhu yếu phẩm, dụng cụ học tập, thú nhồi bông, truyện tranh, tiền mặt… cũng được gửi tới 200 học sinh đồng bào dân tộc thiểu số của Trường TH Thanh An (huyện Hớn Quản). Trong đó, Nhóm thiện nguyện Thiện Chí hỗ trợ 150 phần và 50 phần do ĐTN Cụm thi đua Khối cảnh sát 1 góp vào; Tiệm cắt tóc Út Hiền (Q.Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) đã cử thợ đến cắt tóc miễn phí cho hàng chục thiếu nhi tại đây.

Các thiện nguyện viên trao quà và cắt tóc miễn phí cho thiếu nhi huyện Hớn Quản.

Thắng Trân