Bình Phước: Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

BVR&MT – Thực hiện chương trình công tác năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa tổ chức giám sát trực tiếp việc triển khai thực hiện chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2021 trên địa bàn 5 huyện: Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh, Hớn Quản, Phú Riềng; giám sát gián tiếp qua báo cáo của các huyện: Bù Đăng, Đồng Phú, thị xã Bình Long và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Qua giám sát, đoàn công tác phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế và bất cập trong việc triển khai thực hiện.

NỖ LỰC GIẢM NGHÈO

Là huyện còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện giảm nghèo bền vững, Hớn Quản đã và đang trở thành điểm sáng trong thực hiện chương trình. Năm 2021, huyện Hớn Quản được giao chỉ tiêu giảm 47 hộ DTTS nghèo. Với nguồn lực thực hiện hơn 6,629 tỷ đồng, trong đó 3,5 tỷ đồng được phân bổ từ chương trình giảm 1.000 hộ DTTS nghèo của tỉnh, cuối năm, huyện đã xây dựng 8 căn nhà đại đoàn kết, trị giá 640 triệu đồng; sửa 24 căn, trị giá 720 triệu đồng; xây dựng 36 nhà vệ sinh, trị giá 540 triệu đồng; khoan 26 giếng, trị giá 780 triệu đồng; hỗ trợ kéo điện sinh hoạt cho 10 hộ, 35 triệu đồng; hỗ trợ 42 tivi, trị giá 168 triệu đồng; hỗ trợ 13 bồn chứa nước, trị giá 19,5 triệu đồng; 2 máy bơm, trị giá 4 triệu đồng; giúp 5 hộ vay 262 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế; hỗ trợ 52 con bò giống, trị giá hơn 1,034 tỷ đồng… Hầu hết các hộ dân sau khi được hỗ trợ đã dần ổn định cuộc sống, chí thú lao động và từng bước vươn lên thoát nghèo.

Đoàn công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh giám sát thực tế việc thụ hưởng các chương trình tại hộ nghèo xã An Khương, huyện Hớn Quản.

Hộ bà Thị Hen ở xã An Khương, huyện Hớn Quản được hỗ trợ sửa nhà ở, nhà vệ sinh, khoan giếng, mua tivi, hỗ trợ bò… Sau khi nhận hỗ trợ, gia đình đã dần ổn định cuộc sống, chồng và các con bà đi làm thuê có thu nhập ổn định. Cặp bò giống được hỗ trợ đến nay đã sinh 1 con bê khỏe mạnh. Đây là những tiền đề quan trọng để gia đình bà Thị Hen vươn lên thoát nghèo bền vững.

Còn gia đình chị Thị Hết ở cùng xã An Khương được hỗ trợ nước sạch, 2 con bò giống. Sau khi được hỗ trợ, hộ chị đã mạnh dạn nhận nuôi bò thuê cho các hộ dân trong xã để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Trong niềm vui, phấn khởi, chị Thị Hết cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Đảng và Nhà nước, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo”.

Ngoài thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2019, Bình Phước thực hiện chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS. Đây là chương trình đặc thù riêng của tỉnh, với tổng nguồn vốn bố trí thực hiện trong 3 năm (2019-2021) là 277 tỷ đồng để hỗ trợ gần 10.000 nhu cầu của người dân, như: hỗ trợ đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, kéo điện, đào tạo nghề, vay vốn ưu đãi tín dụng, tiếp cận thông tin, tạo điều kiện để hộ nghèo DTTS có động lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong 3 năm (2019-2021), toàn tỉnh giảm 3.258 hộ nghèo DTTS, bình quân mỗi năm giảm 2,36%, đạt 118% kế hoạch giao. Riêng năm 2021, toàn tỉnh giảm 1.287 hộ/1.000 hộ nghèo DTTS (đạt 129% kế hoạch đề ra).

CẦN SỰ LỒNG GHÉP CỦA CÁC CHƯƠNG TRÌNH

Theo ông Đỗ Đại Đồng, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, qua giám sát việc triển khai thực hiện chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS cho thấy: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, rà soát, tổng hợp, định hướng đăng ký nhu cầu vẫn còn hạn chế, dẫn đến người dân có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc đăng ký hỗ trợ phương tiện sản xuất chưa được người dân quan tâm; chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành chuyên môn trong công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học – kỹ thuật để hướng dẫn, giúp đỡ người nghèo chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp phát triển kinh tế. Vẫn còn một số hộ dân lúng túng trong việc sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; sản phẩm sản xuất ra chưa được kết nối với thị trường, sức cạnh tranh thấp… Việc rà soát nhu cầu ở một số đơn vị cấp xã thực hiện chưa chính xác, nên khi đơn vị cấp huyện phúc tra thì có sự thay đổi về nhu cầu. Công tác kiểm tra, theo dõi, nắm thông tin các hộ sau khi hỗ trợ của các ngành chức năng chưa thường xuyên, chặt chẽ, dẫn đến cập nhật thông tin chưa đầy đủ, chính xác. Vẫn còn tình trạng bò sau khi cấp cho các hộ dân nuôi bị chết hoặc bị bán; tình trạng lấy lại đất, sang nhượng đất cho tặng, hỗ trợ hộ nghèo vẫn còn xảy ra nhưng chính quyền địa phương chưa có hướng giải quyết hiệu quả.

Để giảm nghèo bền vững, cần: Tăng kinh phí hỗ trợ đất ở, vì mức hiện nay (50 triệu đồng/hộ) không còn phù hợp và rất khó thực hiện. Hỗ trợ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ thụ hưởng từ chương trình. Hỗ trợ đơn giản hóa các điều kiện vay vốn sản xuất; hỗ trợ kéo điện lưới, điện năng lượng mặt trời, nhất là ở khu vực vùng sâu, xa… Trong đó, cần lồng ghép các chương trình với nhau nhằm nâng mức hỗ trợ cho cùng 1 đối tượng, giúp họ có điều kiện tốt nhất để thoát nghèo bền vững.

Ông Đỗ Đại Đồng, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo hiệu quả, ông Đỗ Đại Đồng, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị: Cần tổ chức tập huấn cho cán bộ giảm nghèo ở cơ sở để thực hiện tốt công tác rà soát, khảo sát, hướng dẫn hộ nghèo đăng ký nhu cầu hỗ trợ giảm nghèo phù hợp; đặc biệt là định hướng hỗ trợ nhu cầu tạo việc làm, đào tạo nghề góp phần giảm nghèo bền vững. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung chương trình, các mô hình, giải pháp giảm nghèo bền vững.