Bình Dương phát triển nông nghiệp công nghệ cao

BVR&MT – Phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Bình Dương đã có những chủ trương, giải pháp hỗ trợ cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học-công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh luôn phát triển ổn định, hiệu quả.

Thu hoạch dưa lưới tại Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái của Unifarm.

Tỉnh đã chủ động hợp tác chặt chẽ, linh hoạt giữa hai ngành khoa học-công nghệ và nông nghiệp, tích cực triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển khoa học-công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, cho ra đời nhiều mô hình hay, cách làm mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Lan tỏa mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Năm 2009, Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm), thuộc U&I Group, bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. với Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái, quy mô 411ha tại huyện Phú Giáo. Hơn 12 năm hoạt động, Unifarm đã phủ xanh toàn bộ diện tích khu nông nghiệp với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường phù hợp, có khả năng nhân rộng cho nông dân. Tại đây, hai mô hình chủ yếu là trồng dưa lưới trong nhà kính công nghệ Israel điều khiển tự động bằng máy tính theo tiêu chuẩn GlobalGAP cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng/ha/năm; mô hình trồng chuối già hương xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản cho doanh thu từ 500 triệu đồng/ha/năm. Unifarm đã tạo việc làm ổn định cho hơn 500 lao động trong, ngoài tỉnh. Sau Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. An Thái, Unifarm đã mở rộng sang một dự án trồng chuối xuất khẩu khác có quy mô hơn 1.300ha tại huyện Dầu Tiếng. Unifarm cũng đã, đang tư vấn, chuyển giao công nghệ, liên kết bao tiêu cho nhiều đối tượng, từ những nông dân sản xuất quy mô nhỏ đến những công ty lớn với quy mô trang trại lên đến vài nghìn héc-ta tại Việt Nam. Hiện gần 30 cá nhân, đơn vị, trang trại liên kết hợp tác với Unifarm. Mới đây, giữa tháng 6/2022, Unifarm đã khởi công xây dựng trang trại nông nghiệp công nghệ cao. tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Các sản phẩm mang thương hiệu Unifarm đã được thị trường trong nước, quốc tế đón nhận và càng ngày càng trở nên phổ biến với người tiêu dùng, đặc biệt là sản phẩm dưa lưới do Unifarm trồng đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2010, bắt đầu xuất khẩu sang Singapore từ năm 2018. Các sản phẩm chuối của Unifarm cũng được xuất khẩu thành công sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngoài thương hiệu Unifarm, công ty còn được Dole, thương hiệu chuối số 1 thế giới, chọn cấp phép sử dụng độc quyền thương hiệu này tại Việt Nam.

Cũng tại huyện Phú Giáo, trang trại của Công ty cổ phần Anova Agri Bình Dương với diện tích 471ha ở hai xã Phước Sang, Tân Hiệp đi vào hoạt động từ năm 2011. Ðến nay, công ty đã đưa vào ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa bằng phần mềm quản lý đàn tiên tiến của châu Âu, nuôi 1.500 con bò sữa cao sản với đàn bò giống được bảo đảm dòng gien thuần chủng, chất lượng cao từ con giống của các nước có nền chăn nuôi bò sữa phát triển tiên tiến như Thái Lan, Australia và New Zealand. Ứng dụng công nghệ cao từ khâu cho ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý đàn, khai thác vắt sữa, vệ sinh môi trường, chăn nuôi bò sữa công nghệ cao đã giúp cải thiện việc quản lý chi phí thừa, giảm chi phí không cần thiết, bảo đảm an toàn môi trường, giúp nâng cao sản lượng cũng như chất lượng dòng sữa nguyên liệu khai thác tại trại. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Anova Agri Bình Dương Nguyễn Thanh Trung cho biết: Chăn nuôi bò sữa theo hướng công nghệ cao, kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến thì chi phí sản xuất sẽ thấp hơn, chất lượng sữa khai thác luôn ổn định ở mức cao hơn vì có sự quản lý chặt chẽ về dinh dưỡng, khai thác sữa, bảo quản sữa tươi nguyên liệu sau khi vắt và vệ sinh an toàn dịch bệnh. Từ đó, giá thu mua sữa tươi nguyên liệu tại trại chăn nuôi công nghệ cao luôn cao hơn giá thu mua từ các hộ chăn nuôi thông thường. Theo đó, trang trại 200ha của Công ty cổ phần Vinamit đã đi tiên phong theo tiêu chuẩn organic (nông nghiệp hữu cơ), đạt chứng chỉ theo tiêu chuẩn Organic USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) và Organic EU (Liên minh châu Âu) chứng nhận thực phẩm hữu cơ cao nhất hiện nay về thực phẩm sạch, chế biến sạch và môi trường trồng sạch từ năm 2016. Hiện sản phẩm organic của Vinamit gồm các loại rau, củ, quả được tiêu thụ rất mạnh ở thị trường trong nước và nước ngoài. Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinamit chia sẻ: Sản phẩm Organic của công ty trong quá trình chế biến và xử lý không được sử dụng các chất bảo quản thực phẩm, các chất phụ gia thực phẩm, không thêm các chế phẩm thực phẩm bổ sung, chất tạo vị hay chất tạo mầu. Sản phẩm hữu cơ phải được sản xuất hoàn toàn hữu cơ, không trộn lẫn với các sản phẩm không hữu cơ khác nhằm bảo đảm tính hữu cơ từ nuôi trồng, xử lý, chế biến, đóng gói, lưu trữ và đến tay người tiêu dùng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, nhằm thu hút, khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao phát triển, tỉnh đã có chính sách cho vay vốn nông nghiệp công nghệ cao được ưu đãi với mức khoảng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Ðầu tư phát triển tỉnh Bình Dương, hạn mức vay ưu đãi từ 80-90% tùy theo quy mô của phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhờ vậy, đến nay Bình Dương có diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt khoảng 6.370ha; 189 trang trại chăn nuôi gà, vịt và 251 trang trại chăn nuôi lợn. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương Phạm Văn Bông cho biết: Cùng chính sách cho vay ưu đãi, từ năm 2008, Bình Dương đã kêu gọi thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao làm hạt nhân để phát triển, đến nay tỉnh đã có bốn Khu nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn hoạt động rất hiệu quả, như: Khu nông nghiệp công nghệ cao Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên); Khu nông nghiệp công nghệ cao (huyện Phú Giáo) của Công ty cổ phần Anova Agri Bình Dương; Khu nông nghiệp công nghệ cao tại thị xã Tân Uyên và Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái. Các khu nông nghiệp công nghệ cao này được quy hoạch khu vực sản xuất theo quy mô lớn, tạo điều kiện tập trung các nguồn lực, tư liệu sản xuất góp phần thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Vườn cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả cao của ông Lâm Thành Thương ở huyện Bắc Tân Uyên.

“Đòn bẩy” phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Tiến sĩ Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị U&I Group cho biết: Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái của Unifarm đã ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp để có chất lượng và năng suất vượt trội, có thương hiệu uy tín, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao. Khu nông nghiệp còn giữ vai trò là trung tâm chuyển giao kỹ thuật, xây dựng, phát triển thị trường, giúp trang trại, nông hộ chung quanh trở thành các vệ tinh sản xuất theo kỹ thuật và hợp đồng bao tiêu của khu theo cách mà các nước tiên tiến đã làm thành công. Chủ tịch Hội đồng quản trị U&I Group Mai Hữu Tín cũng cho rằng, tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do quy định khắt khe về tài sản bảo đảm, trong khi đầu tư lớn nhất lại nằm trên đồng ruộng. Vì vậy, cần có những quy định thoáng hơn. Vấn đề kiểm soát giá thành vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón, là hết sức quan trọng nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Vì thế, những nước phát triển vẫn hạn chế xuất khẩu phân bón khi cần thiết. Do vậy, Việt Nam cần có cơ chế tương tự nhằm tránh tình trạng phân bón khan hiếm, tăng giá trong nước, nhưng các nhà máy sản xuất đạm tại Việt Nam vẫn xuất khẩu và thu lãi lớn…

Theo PGS, TS Ngô Thị Phương Lan, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Ðại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), thời gian tới, tỉnh Bình Dương cần tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với kinh tế tuần hoàn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị nông nghiệp và du lịch nông nghiệp. PGS, TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường đại học An Giang (Ðại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Dương đã phát triển từ rất sớm nhưng đang gặp không ít khó khăn trong mở rộng sản xuất và đa dạng hóa loại hình. Nông nghiệp công nghệ cao cũng bị ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường tiêu dùng, chi phí đầu tư cao, cho nên còn thiếu tính đa dạng, dễ bị tổn thương. Ðể khắc phục hạn chế này, nông nghiệp công nghệ cao Bình Dương cần phải xem xét áp dụng mô hình một cách linh hoạt; trong đó, áp dụng công nghệ cao từng phần và dựa trên nền tảng canh tác truyền thống mở. Phương án này không đòi hỏi nhiều vốn, trong khi vẫn bảo đảm được các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm theo nhu cầu thị trường.