Bình Định: Phù Cát có 11 sản phẩm OCOP được công nhận

BVR&MT – Sau 2 năm qua, huyện Phù Cát( Bình Định) đã triển khai thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, đa dạng các mô hình sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ và du lịch tiềm năng, nhằm giúp các địa phương phát huy tối đa các lợi thế tiềm năng, thực hiện có hiệu quả “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Mục tiêu của chương trình này là góp phần cơ cấu lại kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng và hướng đến xây dựng NTM bền vững. đã gắn kết được các hoạt động sản xuất nông nghiệp với chế biến nông sản, tạo ra nhiều công ăn, việc làm, tăng giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân nông thôn.

Con giống gà ta Cao Khanh (Công ty TNHH giống gia cầm Cao Khanh- xã Cát Tân- Phù Cát).

Kết quả tính đến nay, toàn huyện có 11 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt hạng 3 sao, 4 sao và 5 sao; trong đó hạng 3 sao gồm: Bún phở Cô Phương ( thị trấn Ngô Mây), Dầu phộng Công Chính (xã Cát Tài), Chả lụa Ngọc Nga ( xã Cát Minh), Nước mắm Thái An (xã Cát Khánh), Bánh cốm Phong Nga- Bánh gạo lứt nguyên hạt Phong Nga ( xã Cát Tường), Trà cà gai leo Bảo Khánh- Bột trái nhàu Bảo khánh- Trà bí đao Bảo Khánh ( xã Cát Tân); hạng 4 sao là sản phẩm Nón ngựa Phú gia (xã Cát Tường) và hạng 5 sao là Con giống gà ta Cao Khanh ( xã Cát Tân).

Theo ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát: Để phát triển sản phẩm OCOP bền vững; Trong thời gian tới huyện Phù Cát ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm mới, nhất là sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế, tiềm năng của địa phương; tập trung hỗ trợ hình thành các phương án kinh doanh để phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề, gắn với thị trường tiêu thụ để có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa , xã hội ở địa phương.

Thế Hà