Bình Định: Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất

BVR&MT – Những ngày này, nông dân các địa phương ở huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) đang khẩn trương xuống đồng thu hoạch lúa vụ 3. Để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch bà con nông dân đã đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch để giảm công lao động, tiết kiệm được tối đa chi phí sản xuất.

Chưa đến 25 phút, 2 sào lúa của gia đình ông Nguyễn Bình, ỏ thôn Xuân Quang, xã Cát Tường đã được thu hoạch xong và đóng bao, gia đình chỉ việc đem về nhà. Nếu như trước đây để thu hoạch được 1 sào lúa gia đình ông Bình phải thuê 2-3 lao động với giá 200 nghìn đồng/người/ngày, cộng với thuê công tuốt lúa 15.000đ/bao, với tổng chi phí cho 1 sào lúa gia đình ông mất khoảng 700- 800 nghìn đồng thì bây giờ thuê máy gặt đập liên hợp 1 sào chỉ mất 250 nghìn đồng; ông Bình đã tiết kiệm được ít nhất là 500 nghìn đồng.

Thêm vào đó, thời gian thu hoạch cũng nhanh hơn, trong vòng 25 phút là thu hoạch xong mấy sào lúa thay vì cả ngày như trước đây. Điều đó giúp việc thu hoạch của gia đình ông tránh được những bất lợi do thời tiết, chủ động thời gian cho sản xuất vụ sau.

100% các thửa ruộng trên cánh đồng địa bàn huyện Phù Cát được áp dụng cơ giới hóa sản xuất.

Ông Nguyễn Bình, thôn Xuân Quang, xã Cát Tường cho biết thêm: “Trước đây, vào vụ thu hoạch, người nông dân phải tập trung hết nhân lực, nhiều gia đình phải đi thuê thêm người thực hiện các công đoạn như: cắt lúa, gom lúa, tuốt lúa…. để thu hoạch cho kịp thời vụ. Đến nay, máy móc đã thay thế sức người, vào vụ thu hoạch mỗi gia đình chỉ cần 2 người đứng chờ để chở lúa về nhà, giúp cho người nông dân giảm được nhân công lao động, nhất là đối với những gia đình có nhiều lao động đi làm việc tại các cụm công nghiệp thì việc đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa đã khắc phục được việc thiếu lao động trong lúc mùa vụ cao điểm, giúp bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ, kịp thời giải phóng đất để sản xuất vụ tiếp theo”.

Cũng theo ông Bình,  đây là năm thứ 15 bà con nông dân huyện Phù Cát áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa. Điều này đã mang lại nhiều ưu điểm, lợi thế cho người nông dân, đó là đẩy nhanh tiến độ sản xuất, tăng năng suất và giải phóng sức lao động. Đặc biệt, nhờ đưa cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa đã xử lý triệt để nguồn rơm rạ, lúa sau khi được tuốt ra đóng bao, thân rạ được máy cắt nhỏ và cuộn tròn để trên bờ, rất thuận tiện cho nông dân khi làm đất chuẩn bị cho vụ tiếp theo. Hạn chế được tình trạng rơm chất đống tràn làn trên đường, cũng như việc đốt rơm ra gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Văn Lê- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát cho biết: “Việc đưa các loại máy móc hiện đại vào thu hoạch là một bước tiến quan trọng trong chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang cơ giới hóa của người nông dân. Qua đó góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để việc đưa máy móc hiện đại vào thu hoạch lúa được nhanh chóng và thuận lợi, thì nông dân cần thực hiện tốt 3 cùng: “cùng 1 loại giống lúa, cùng 1 thời gian và cùng 1 cánh đồng”.

Thế Hà