Biến những cành cây trơ trụi từ vụ cháy rừng Hà Tĩnh thành tác phẩm nghệ thuật đương đại

BVR&MT – 5 nghệ sĩ Hùng Dingo, Yến Năng, Hà Huy Mười, Phạm Thị Hồng Sâm và Nguyễn Mạnh Hùng đã hợp tác tổ chức triển lãm sắp đặt “Côn trùng” với những chất liệu đặc biệt như que than từ vụ cháy rừng mới đây ở Hà Tĩnh cùng với rác thải nhựa, sắt vụn… để cùng cất lên tiếng nói: Hãy làm gì đó để môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của chúng ta không như vậy!

Triển lãm sắp đặt “Côn trùng” do Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật thương đại (VICAS Art Studio) – Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tổ chức, hội tụ 24 tác phẩm của 5 nghệ sĩ: Hùng Dingo, Yến Năng, Hà Huy Mười, Phạm Thị Hồng Sâm và Nguyễn Mạnh Hùng đã mang đến cho người xem một góc nhìn mới lạ về thế giới trực quan.

Không gian triển lãm Côn Trùng.

Với cách sắp xếp lạ mắt, phóng túng và tự do “Côn trùng” gây ấn tượng mạnh cho thị giác người xem triển lãm. Mỗi tác phẩm đều mang nét riêng của cá nhân mỗi nghệ sỹ nhưng cùng cất lên thông điệp chung để bảo vệ môi trường, tôn trọng hệ sinh thái đa dạng xung quanh con người.

Yến Năng là một nghệ sỹ thị giác, chuyên làm những tác phẩm có tính phù du. Trong tác phẩm này anh kết hợp chất liệu sắt sợi và than. Sở dĩ như vậy là do vụ cháy rừng khủng khiếp ở Hà Tĩnh, anh bị xúc động mạnh nên đã đến khu rừng cháy và nhặt từ đống tro tàn những que than để làm tác phẩm của mình. Được tác giả Yên Năng sử dụng để vẽ nên những “con đường côn trùng”, để nhấn mạnh, côn trùng không chỉ là côn trùng, mà nó là đường sống của chính chúng ta.

Những cành cây cháy rụi được kết thành tác phẩm độc đáo.

“Tất cả đã là than… Hãy làm gì đó để môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của chúng ta không như vậy! Côn trùng không chỉ là côn trùng, nó đại diện cho thiên nhiên. Con đường côn trùng không chỉ là đường sống của chính chúng ta. Với tôi, quá trình theo dõi thông tin, đến tận nơi hỏa hoạn nhặt than đem về,… đó mới là tác phẩm thực sự. Những hiện hữu mà chúng ta nhìn thấy trong triển lãm “Côn trùng”, chỉ là minh họa hời hợt cho tác phẩm thực tại ấy” – nghệ sĩ Yến Năng bộc lộ.

Tác phẩm “Phận kiến” của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng.

Tác phẩm “Phận kiến” của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, được đúc kết bằng chất liệu sắt mụn”. Từng vẩy sắt, từng mối hàn, cũng như con kiến vê từng hạt bụi xây thành tổ. Phận kiến mô tả sinh hoạt của xã hội loài kiến. Từ kiến chúa, đến kiến thợ đều có chức năng khác nhau. Mỗi người chúng ta, đừng chỉ như kiến thợ, hãy có trách nhiệm với xã hội, chủ động tạo nên “chúa” của chính mình.

Tác phẩm “Nối mi” được tạo từ vải lông phủ, túi nilon gây ấn tượng mạnh cho người xem.

Nghệ sỹ Phạm Thị Hồng Sâm khiến người xem giật mình với tác phẩm có tên “Nối mi” lấy cảm hứng từ chính thói quen gắn mi giả của phụ nữ, được tạo hình từ vải lông phủ lên các túi nilon đã qua sử dụng, nhựa, mút, xốp vụn,… Sự tương phản giữa 2 lớp chất liệu thể hiện ý tưởng của tác giả Phạm Thị Hồng Sâm, rằng sự hào nhoáng bên ngoài chỉ đôi khi để che đi rác thải bên trong.

Tác phẩm “Bộ não” của nghệ sĩ Lê Đức Hùng (Hùng Dingo), mô phỏng sự bội thực khó kiểm soát của những luồng thông tin ảo vào đời sống hiện đại thông qua hình tượng những loài côn trùng lạ tấn công vào bộ não con người. Là họa sĩ biếm họa, nên cái nhìn về côn trùng của anh cũng bộc lộ quan điểm xã hội: lo ngại về những loài sâu bọ phá hoại tinh thần của con người.

Tác phẩm “Bộ não” của nghệ sĩ Lê Đức Hùng.

Đồng thời, thông qua hình tượng nửa bộ não bị teo do côn trùng gặm nhấm, tác giả muốn hướng đến thông điệp cảnh báo mọi người hãy thận trọng trước lượng thông tin khổng lồ đang tràn ngập trên mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Tác phẩm “Kén” của Hà Huy Mười, phương pháp của anh là phóng đại và lạ hóa khiến các con côn trùng của anh vừa quen, vừa lạ. Đôi khi những con côn trùng bé li ti nhưng lại có sức công phá còn khủng hơn cả tê giác. Hà Huy Mười sáng tạo các tác phẩm dựa trên sự phóng đại và lạ hóa.

Tác phẩm mang tên “Kén” của tác giả Hà Huy Mười.

Bạn Lê Phương Dung – sinh viên Học viện báo chí và tuyên truyền tham gia buổi triển lãm cho hay: “Không chỉ những người hoạt động nói riêng mà tất cả chúng ta nói chung đều có mối liên hệ với cuộc sống. Bằng một cách nào đó, chúng ta hãy thể hiện sự quan tâm đến môi trường sống hiện tại. Sau buổi triển lãm có thể thấy, nghệ thuật không phải những gì quá trừu tượng mà đôi khi chỉ là việc cảm nhận cái đẹp, những điều giá trị dù rất đơn giản nhưng lại dễ dàng, thực tế trong chính cuộc sống của chúng ta”.

Tuy quy mô không lớn, nhưng triển lãm “Côn trùng” đã chạm tới trái tim mọi người về những khát khao và nỗ lực mà xã hội cần chung tay giải quyết, như cháy rừng, rác thải, khí thải,… Triển lãm mở cửa đến hết ngày 11/9/2019, tại VICAS Art Studio (Trung tâm Hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại) 32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội.

Hà Linh