BVR&MT – Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Climate Change, tốc độ biến đổi khí hậu dưới tầng sâu các đại dương trên thế giới có thể cao gấp 7 lần mức hiện tại vào nửa sau của thế kỷ này ngay cả khi lượng khí thải nhà kính bị cắt giảm đáng kể.
Hiện tượng nóng lên toàn cầu khác nhau ở các độ sâu khác nhau tác động lớn đến động vật hoang dã ở đại dương, gây ra sự mất kết nối khi các loài dựa vào nhau để sinh tồn buộc phải di chuyển.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học xem xét một đơn vị đo lường được gọi là vận tốc khí hậu hay tốc độ các loài cần phải di chuyển để ở trong phạm vi nhiệt độ ưa thích của chúng khi các tầng đại dương ấm lên.
Nghiên cứu sử dụng các mô hình khí hậu để ước tính tốc độ hiện tại của vận tốc khí hậu ở các độ sâu khác nhau của đại dương, sau đó dự báo các tỷ lệ trong tương lai theo ba kịch bản: (i) kịch bản thứ nhất là lượng phát thải bắt đầu giảm từ bây giờ; (ii) kịch bản thứ hai là bắt đầu giảm vào giữa thế kỷ này và (iii) kịch bản thứ ba là phát thải tiếp tục tăng cho đến năm 2100.
Giáo sư Jorge García Molinos, nhà sinh thái khí hậu thuộc Đại học Hokkaido, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Kết quả của chúng tôi cho thấy đa dạng sinh học biển sâu có khả năng gặp rủi ro cao hơn vì chúng thích nghi với những môi trường nhiệt ổn định hơn nhiều”.
Hiện tại, hiện tượng thế giới nóng lên khiến các loài thay đổi với tốc độ khác nhau trong tất cả các tầng đại dương từ bề mặt xuống độ sâu hơn 4 km.
Nhưng ngay cả trong kịch bản lạc quan cao độ là phát thải giảm mạnh từ bây giờ thì ở tầng trung lưu của đại dương – có độ sâu từ 200 m xuống 1 km, tốc độ khí hậu sẽ thay đổi từ khoảng 6 km mỗi thập kỷ thành 50 km vào nửa sau của thế kỷ. Nhưng trong cùng thời gian đó, vận tốc khí hậu sẽ giảm 1/2 ở mặt biển.
Ở độ sâu từ 1.000 đến 4.000 m, tốc độ khí hậu sẽ tăng gấp ba tốc độ hiện tại, ngay cả khi khí thải giảm mạnh.
Giáo sư Anthony Richardson thuộc Đại học Queensland và CSIRO, đồng thời là một trong 10 tác giả của nghiên cứu chỉ rõ: “Điều thực sự khiến chúng ta lo lắng là khi di chuyển xuống phía dưới sâu đại dương, vận tốc khí hậu di chuyển với tốc độ khác nhau”. Điều này có thể tạo ra sự mất kết nối với những loài sống dựa vào sinh vật hữu cơ ở các tầng khác nhau. Chẳng hạn, cá ngừ sống ở tầng trung lưu với độ sâu từ 200 – 1000 m nhưng chúng cần tới các loài sinh vật phù du gần mặt biển.
Cũng theo Richardson, các đại dương trên hành tinh rất rộng lớn và lưu trữ nhiều nhiệt nên hiện tượng nóng lên đã được hấp thụ ở bề mặt đại dương sẽ hòa vào các vùng nước sâu hơn. “Điều này có nghĩa là mặc cho chúng ta có làm gì từ bây giờ thì cho đến cuối thế kỷ này, sinh vật sống dưới đáy sâu đại dương sẽ đối mặt với hiểm họa ngày càng tăng từ hiện tượng đại dương nóng lên”.
Isaac Brito-Morales, tác giả chính của nghiên cứu kiêm nhà nghiên cứu thuộc Đại học Queensland giải thích: “Vì đại dương sâu thẳm có nhiệt độ ổn định hơn, bất kỳ sự gia tăng nhỏ nào cũng sẽ ảnh hưởng đến các loài khiến chúng gặp nguy cơ cao hơn các loài trên mặt biển”.
Giáo sư Richardson nhấn mạnh kết quả nghiên cứu thật đáng quan ngại với tốc độ khí hậu khác nhau tùy vào độ sâu của đại dương và xu hướng các loài cần di chuyển cũng không đồng đều. Điều này có thể có nghĩa là những khu bảo tồn biển được thành lập để bảo vệ các loài hoặc sinh cảnh có thể không còn tác dụng khi các loài di chuyển ra khỏi khu bảo tồn để vào các khu vực không được bảo vệ.
Nhật Anh (Theo Guardian)