Biến đổi khí hậu tạo ra “nguy cơ kép” đối với các nước dựa vào nghề cá

BVR&MT – Các nước ở Đông Nam Á, Ấn Độ – Thái Bình Dương và châu Phi, vốn chủ yếu dựa vào ngành thuỷ sản để duy trì sinh kế và phát triển kinh tế, đang đối mặt với “nguy cơ kép” do biến đổi khí hậu tác động tiêu cực lên một ngành kinh tế quan trọng của họ.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống nhiều người dân Việt Nam (Ảnh minh họa: moitruong.net.vn)

Hàng triệu người ở các nước đang phát triển có thể phải đối mặt với sự bất ổn gia tăng về lương thực và kinh tế do sự đe doạ của biến đổi khí hậu đối với các hệ thống thực phẩm thuỷ sản, biến đổi khí hậu tạo ra “nguy cơ kép” đối với các nước dựa vào nghề cá. Đây là một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Food (Thực phẩm tự nhiên) mang tên “Những rủi ro kép về khí hậu đe doạ các lợi ích hệ thống thực phẩm thuỷ sản”, là một trong năm nghiên cứu được thực hiện bởi sáng kiến Đánh giá Thực phẩm Xanh (BFA)-một trong những đánh giá toàn diện nhất về lĩnh vực này cho đến nay.

Các tác giả của nghiên cứu cảnh báo rằng nếu không hạn chế tác động của biến đổi khí hậu bằng cách giảm phát thải khí nhà kính, các quốc gia dựa vào ngành thuỷ sản sẽ có nguy cơ mất đi nhiều nguồn lợi chính làm ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, nền kinh tế, văn hoá, sức khoẻ và dinh dưỡng cho con người. Nghiên cứu lần đầu tiên tiết lộ nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra đối với lợi ích mà thực phẩm thủy sản mang lại cho cuộc sống và sự phát triển của con người trên thế giới.

Nếu không tiến hành những hành động khẩn cấp, ngành khai thác thuỷ sản – nhất là ở những khu vực như vùng nhiệt đới châu Phi, Nam Mỹ và Ấn Độ-Thái Bình Dương, sẽ đối diện với những thảm hoạ tồi tệ nhất. Mặt khác, những hệ thống nuôi trồng thuỷ sản ở các vùng biển ngoài khơi và ven bờ sẽ ít bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu hơn mặc dù lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt có nguy cơ gặp rủi ro cao hơn.

“Đây là nghiên cứu đầu tiên trong lĩnh vực này đánh giá rủi ro của biến đổi khí hậu đối với tất cả thực phẩm thuỷ sản, bao gồm cả sản lượng thuỷ sản nước ngọt và biển, nuôi trồng và đánh bắt-những lĩnh vực tạo công ăn việc làm cho hơn 100 triệu lao động và cung cấp thực phẩm cho trên 3 tỷ người trên toàn thế giới,” theo Michelle Tigchelaar, đồng tác giả chính của báo cáo và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Giải pháp Đại dương, Đại học Standford University.

Các nước ở Đông Nam Á, Ấn Độ – Thái Bình Dương và châu Phi, vốn chủ yếu dựa vào ngành thuỷ sản để duy trì sinh kế và phát triển kinh tế, đang đối mặt với “nguy cơ kép” do biến đổi khí hậu tác động tiêu cực lên một ngành kinh tế quan trọng của họ.

Theo một kịch bản phát thải cao vào năm 2050, nghiên cứu cho biết có hơn 50 quốc gia đối mặt với đồng thời ba nguy cơ cao bao gồm những thảm hoạ khí hậu, nguy cơ bị tác động và tính dễ bị tổn thương.

“Giảm thiểu phát thải carbon và thích ứng với những tác động không thể tránh được là vô cùng cần thiết. Chúng ta cần tập trung vào bối cảnh xã hội-sinh thái lớn hơn của mỗi quốc gia để đảm bảo rằng các giải pháp về khí hậu có thể xây dựng khả năng phục hồi và tăng cường phát triển bền vững,” theo William W.L.Cheung, đồng tác giả chính của báo cáo và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Đại dương và Nghề cá, Đại học British Columbia.

“Các hệ thống cảnh báo sớm, các kế hoạch ứng phó với thiên tai, các kế hoạch bảo hiểm và các mạng lưới an toàn sẽ là những nhân tố cơ bản trong việc xây dựng khả năng phục hồi trong quá trình đối phó với những nguy cơ ngày càng gia tăng này”.

Ngoài việc đề xuất các giải pháp tăng cường khả năng phục hồi cho các hệ thống thực phẩm thủy sản, báo cáo cũng nêu bật nhu cầu thực hiện những hành động chuyển đổi nhằm giảm một cách tổng thể tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, bao gồm tăng cường bình đẳng giới, giảm nghèo và tăng cường các hệ thống quản trị.

BFA là một sáng kiến quốc tế có sự hợp tác của hơn 100 nhà khoa học đến từ 25 tổ chức nghiên cứu. Được lãnh đạo bởi Trung tâm Phục hồi Stockholm tại Đại học Stockholm, Đại học Standford và nền tảng toàn cầu EAT, BFA hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách đánh giá những vấn đề được và mất và thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng các hệ thống thực phẩm lành mạnh, công bằng và bền vững.