Biến đổi khí hậu làm tăng 25% nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm

BVR&MT – Các nhà nghiên cứu cho biết hiện tượng ấm lên toàn cầu do con người gây ra đã làm gia tăng trung bình 25% số vụ cháy rừng ở cấp độ cực kỳ nguy hiểm so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Khói lửa bốc lên từ đám cháy rừng tại Los Angeles, phía Bắc Azusa, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Biến đổi khí hậu đã làm gia tăng mạnh mẽ nguy cơ xảy ra các vụ cháy rừng có khả năng lan rộng nhanh chóng. Đây là một kết luận của nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature ngày 30/8.

Theo các nhà khoa học tại trung tâm nghiên cứu môi trường mang tên Breakthrough Institute có trụ sở ở bang California (Mỹ), hiện tượng ấm lên toàn cầu do con người gây ra đã làm gia tăng trung bình 25% số vụ cháy rừng ở cấp độ cực kỳ nguy hiểm so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Để có được kết quả trên, các nhà khoa học đã nghiên cứu hàng loạt vụ cháy rừng trong giai đoạn 2003-2020. Sau đó, họ sử dụng các thuật toán của học máy (machine learning) để phân tích mối liên hệ giữa nhiệt độ trung bình cao hơn, thời tiết khí hậu khô hơn với những vụ cháy rừng lan rộng nhanh nhất (là những vụ có thể thiêu rụi hơn 4.000ha đất rừng trong vòng 24 giờ).

Kết quả phân tích cho thấy biến đổi khí hậu gây ra những đám cháy rừng có mức độ nghiêm trọng khác nhau.

Dự báo về mùa cháy rừng dữ dội, các nhà nghiên cứu cho biết nguy cơ này có thể tăng trung bình 59% vào cuối thế kỷ này nếu sự ấm lên toàn cầu được giới hạn ở mức 1,8 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp.

Nguy cơ này sẽ tăng lên tới 172% trong trường hợp phát thải khí nhà kính ở mức cao và không thể kiểm soát được. Hiện, nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất đã tăng thêm 1,2 độ C.

Phân tích số liệu từ các đám cháy rừng được thống kê trước đây, các nhà khoa học đã tính toán được nguy cơ một đám cháy bùng phát thành đám cháy ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Sau đó, họ sử dụng các mô hình máy tính để tính toán mức độ tăng nhiệt độ thời hậu công nghiệp đã làm tăng nguy cơ đó đến mức nào.

Dựa trên các biến số như lượng mưa, gió và độ ẩm tuyệt đối, các nhà nghiên cứu cảnh báo những thay đổi của các yếu tố này có thể khiến nguy cơ nóng lên toàn cầu trở nên tồi tệ hơn.

Nghiên cứu cũng đề xuất những bài học kinh nghiệm sau các thảm họa cháy rừng xảy ra gần đây ở Canada, Hy Lạp và Hawaii (Mỹ).

Ông Patrick Brown, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng những kết quả nghiên cứu nói trên có thể là cơ sở để cơ quan chức năng nghiên cứu các biện pháp phòng ngừa đối với hệ thống đường dây điện trên cao.

Ngoài ra, giới chức cũng có thể lên kế hoạch để triển khai các chiến dịch giám sát và nâng cao nhận thức cũng như triển khai các nguồn lực chữa cháy khi cần.

Các kết quả nghiên cứu trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới hiện đang “oằn mình” chống “giặc lửa.”

Cháy rừng ở bang Hawaii (Mỹ) trong mùa Hè này đã khiến ít nhất 115 người thiệt mạng. Còn Hy Lạp đang đối phó với đám cháy rừng mà giới chức Liên minh châu Âu đánh giá có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, trải dài trên phạm vi lên tới 10km.

Cháy rừng ở Canada đã buộc 200.000 người phải đi sơ tán. Trong những năm gần đây, bang California của Mỹ đã hứng chịu hàng loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng.

Năm 2022, một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc nhận định cháy rừng đang xảy ra với tần suất và mức độ cực kỳ nguy hiểm hơn do biến đổi khí hậu gây ra các hình thái thời tiết khô nóng hơn.