Biến đổi khí hậu đe dọa khu vực bất động sản giá trị nhất thế giới

BVR&MT – Cho đến gần đây, những ngôi nhà cao cấp ở Bán đảo Redhill vẫn là ốc đảo dành cho những người Hong Kong giàu có đang khao khát cuộc sống yên tĩnh tại một đô thị nổi tiếng chật chội với 7,5 triệu dân.

Những ngôi nhà sang trọng trên Bán đảo Redhill ở Hong Kong rơi vào tình trạng bất ổn sau vụ sụt lở đất hôm 8/9. Ảnh: Reuters

Vị trí bên vách đá và tầm nhìn không bị cản trở nhìn ra Biển Đông đã tạo nên thế phong thủy tuyệt vời và mang đến liều thuốc giải độc hoàn hảo cho cuộc sống hối hả, bận rộn của thành phố đối với cộng đồng các ông chủ, người nước ngoài và người nổi tiếng.

Nhưng chính vị trí nguyên sơ đó đã chống lại thế đắc địa của Redhill vào ngày 8/9 vừa qua, khi một cơn bão mang đến lượng mưa lớn nhất trong gần 140 năm, tàn phá khắp Hong Kong.

Không đâu an toàn trước biến đổi khí hậu

Hai người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương khi lượng mưa hơn 600mm trút xuống thành phố ven biển, làm ngập các ga tàu điện ngầm và biến đường phố thành sông.

Sự hỗn loạn không chỉ giới hạn ở vùng đất thấp ngập lụt. Ở rìa vách đá ngăn cách Bán đảo Redhill với biển bên dưới, đất bị sụt lở, khiến ba ngôi nhà của các triệu phú nằm sát rìa một cách nguy hiểm và buộc phải sơ tán.

Tại một thành phố vừa trải qua mùa hè nóng kỷ lục, lượng mưa chưa từng có – hậu quả của cơn bão thứ hai đổ bộ trong vòng một tuần – là một minh chứng mạnh mẽ cho mối đe dọa do biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt liên quan tới nó gây ra.

Nhưng đối với cư dân của Bán đảo Redhill, đó cũng là một lời nhắc nhở rằng biến đổi khí hậu đang viết lại các quy tắc về những gì có thể được coi là xây dựng “an toàn”, và ngay cả những ngôi nhà đắt tiền nhất, được xây dựng tốt nhất cũng có thể bị tổn hại.

Chính quyền thành phố cho biết họ đang điều tra xem liệu việc vi phạm quy tắc xây dựng ở một số ngôi nhà có góp phần gây ra vấn đề này hay không. Nhưng dù các cuộc điều tra đó có phát hiện ra điều gì, các chuyên gia cho rằng các sự kiện thời tiết khắc nghiệt như ngày 8/9 sẽ trở nên thường xuyên hơn và khi đó người giàu cũng như người nghèo đều sẽ gánh chịu hậu quả, bất kể họ tuân theo quy tắc nào.

Ông Benny Chan, Chủ tịch Viện Kiến trúc sư Hong Kong, đã chỉ ra Hong Kong từ lâu đã phải hứng chịu bão, mưa lớn, và có “rất nhiều kinh nghiệm xây dựng những loại nhà bên vách đá này”. Ông cho biết, đã có các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt được thiết kế, tính đến các vụ lở đất. Vì vậy, sẽ là hợp lý – ít nhất là cho đến vài tuần trước – nếu kỳ vọng một nơi như Bán đảo Redhill là chốn an toàn để tránh bão.

Những ngôi nhà sang trọng trên Bán đảo Redhill ở Hong Kong rơi vào tình trạng bất ổn sau vụ sụt lở đất hôm 8/9. Ảnh: Reuters

Những quy tắc không còn phù hợp

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các quy tắc cũ có thể không còn được áp dụng nữa. Đó có thể là một nhận thức khó chịu đối với bất kỳ ai đã rót tiền vào bán đảo Redhill – một trong những khu dân cư đắt đỏ nhất tại thị trường bất động sản đắt đỏ hàng đầu thế giới này.

Bất động sản ở đây có sức hấp dẫn và dấu ấn đặc trưng của bờ biển Malibu ở Los Angeles. Chúng mang phong cách Địa Trung Hải đặc biệt, với màu sắc xen kẽ kem và hồng, với những căn phòng hướng cửa sổ kiểu Pháp nhìn ra vịnh Tài Tâm – nơi trú ẩn rộng rãi cho những du thuyền sang trọng.

Giới nhà giàu có thể chi từ 10 triệu đến 20 triệu USD cho một ngôi nhà rộng 700-1000 mét vuông (và giá thuê lên tới 20.000 USD một tháng). Hoặc ít nhất, họ có thể làm được như vậy trước trận mưa như trút nước gần đây. Các đại lý bất động sản địa phương cho biết ảnh hưởng của cơn bão đến giá bất động sản là một vấn đề “nhạy cảm”.

Khi phóng viên CNN đến thăm Redhill vào tuần trước, những chiếc xe thể thao và SUV mang logo của Porsche, Land Rover và Ferrari là những phương tiện phổ biến đi qua lối vào rợp bóng cây cọ.

Những ngôi nhà ở Bán đảo Redhill, khu dân cư sang trọng ở khu Tài Tâm, Hong Kong, vào ngày 13/9. Ảnh: CNN

Theo một đại lý bất động sản có hơn hai thập kỷ kinh nghiệm bán bất động sản ở đây, điểm thu hút thực sự của quận là cộng đồng gắn bó chặt chẽ với nhau.

Người đại lý cho biết: “Nơi này có một trường học quốc tế và trẻ em có thể sang nhà nhau chơi sau giờ học”, người đại diện cho biết với điều kiện giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề. Cô đang nói đến Trường Quốc tế Hong Kong, một trong những trường danh tiếng nhất thành phố.

Ba ngôi nhà bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vụ lở đất có diện tích từ 700-1000 m2, mỗi ngôi nhà trị giá lên tới 11,5 triệu USD.

Mưa lớn không phải là điều bất thường ở Hong Kong, đặc biệt là trong những tháng hè. Mặc dù vậy, các kiểu thời tiết gần đây vẫn khiến nhiều người lo lắng, với hai cơn bão liên tiếp quét qua khu vực trong vòng chưa đầy hai tuần.

Bão Sao La đổ bộ vào Hong Kong vào ngày 1/9, là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào thành phố này trong 5 năm. Một tuần sau, tàn dư của cơn bão Haikui gây ra những cơn mưa ở Redhill, hàng chục vụ lở đất và khiến nhiều khu vực rộng lớn của thành phố chìm trong nước.

Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu sẽ khiến những hiện tượng thời tiết như vậy xảy ra thường xuyên hơn và một số người đang thúc giục chính quyền Hong Kong xem xét lại chiến lược đối phó của mình.

Leung Wing-mo, cựu trợ lý giám đốc đài quan sát thời tiết của thành phố, nói với đài truyền hình công cộng RTHK rằng mưa bão đang trở nên khó dự đoán hơn do biến đổi khí hậu. “Trong vài thập kỷ qua, các sự kiện phá kỷ lục đã xảy ra ngày càng thường xuyên hơn… Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy biến đổi khí hậu có vai trò nhất định. Trên thực tế, biến đổi khí hậu đang khiến thời tiết khắc nghiệt trở nên khắc nghiệt hơn”, ông Leung nói.

Trước thách thức đó, các kiến ​​trúc sư và kỹ sư xây dựng cũng đang kêu gọi thành phố xem xét lại các tiêu chuẩn được đặt ra từ nhiều thập kỷ trước đối với các tòa nhà trên sườn đồi, trong đó có nhiều biệt thự sang trọng.

Hong Kong đã trải qua một số vụ lở đất tồi tệ nhất trong những năm 1970, trong đó có vụ sập hàng loạt tòa nhà dân cư ở quận Mid-Levels cao cấp của thành phố, khiến 67 người thiệt mạng. Trận mưa mạnh tương tự gây ra vụ lở đất ở khu vực Mid-Levels năm 1972 cũng khiến một ngọn đồi ở bán đảo Cửu Long bị sụp lở, làm 71 người thiệt mạng.

Giáo sư kỹ thuật kết cấu Ray Su, thuộc Đại học Hong Kong, cho biết hàng loạt sự cố thảm khốc đã khiến chính phủ thời đó phải gia cố các sườn dốc khắp thành phố, biến Hong Kong trở thành một trong những nơi chống chọi tốt nhất trước tình trạng lở đất và lũ lụt trong thế kỷ 20.

Nhưng một số kỹ sư lo ngại các quy tắc an toàn trước đây có thể không còn đủ hiệu quả nữa. Và một vấn đề phức tạp là nghi vấn cho rằng một số tài sản gặp nguy hiểm ở Redhill thậm chí còn không tuân theo các quy tắc cũ.

Sau cơn bão, các cơ quan chính phủ đã phát hiện ra những gì họ nghi ngờ có thể là những thay đổi bất hợp pháp được thực hiện đối với ba khu nhà ở Redhill, có thể đã góp phần gây ra thảm họa.

Vấn đề gây tranh cãi đến mức ngay cả lãnh đạo thành phố John Lee cũng phải vào cuộc, thề rằng chính phủ sẽ điều tra và truy tố bất kỳ ai bị phát hiện vi phạm quy định xây dựng.