Biến đổi khí hậu chưa phải là mối quan tâm của Trung Quốc hậu Covid-19

BVR&MT – Để tái khởi động nền kinh tế suy trầm sau lệnh phong tỏa và gián đoạn liên quan đến đại dịch, các chính phủ trên thế giới đang lên kế hoạch cho những gói phục hồi đầy tham vọng. Nhiều nhóm môi trường muốn những kế hoạch này bao gồm các điều kiện khí hậu chứ không chỉ hỗ trợ thất nghiệp, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, cứu trợ theo ngành và cứu trợ theo quy định. Đề xuất trị giá 825 triệu đô la của Liên minh châu Âu có các điều kiện này trong khi gói của Hoa Kỳ dường như ưu tiên các ngành công nghiệp dầu khí hơn năng lượng tái tạo.

Gói phục hồi covid-19 của Trung Quốc thân thiện với khí hậu đến mức nào? Một phân tích của Nhóm 20 quốc gia cam kết tài chính công đã xếp Trung Quốc ở vị trí gần như đứng đầu về rót vốn cho năng lượng sạch so với nhiên liệu hóa thạch. Điều này phù hợp với thuyết minh rằng Trung Quốc đi đầu trong các lĩnh vực quang điện, năng lượng gió và xe điện.

Nhà máy điện Trung Hưng ở Bồng Lai (tỉnh Sơn Đông). Các nhà máy điện mới đều nằm trong kế hoạch hồi phục kinh tế hậu Covid-19, dù trước đây Trung Quốc tập trung vào năng lượng tái tạo. (Ảnh: Gerry Shih/The Washington Post)

Nhưng gói hồi phục của Bắc Kinh không có vẻ gì nhằm biến Trung Quốc thành người đi đầu về kích thích tăng trưởng xanh. Lý do như sau.

Trung Quốc sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh nhưng cũng tích trữ dầu giá rẻ

Để đưa nền kinh tế Trung Quốc đi đúng hướng, Bắc Kinh tập trung rất nhiều vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng để nguồn vốn có thể nhanh chóng tạo ra tác động kinh tế và việc làm. Mặc dù không gắn các điều kiện khí hậu kiểu EU vào các dự án này, Bắc Kinh được cho là sẽ dành 205 tỷ USD cho “các công trình cơ sở hạ tầng mới” như đường sắt cao tốc, lưới điện thông minh và bộ sạc xe điện.

Song song với đó, chính phủ Trung Quốc cũng tiếp tục hỗ trợ ngành nhiên liệu hóa thạch, nhất là can thiệp điều tiết. Trung Quốc nhập khẩu 127 triệu tấn dầu thô trong quý đầu tiên năm 2020, hơn 5% cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 3, nước này nhập khẩu tới 41 triệu tấn dầu thô, cao hơn 4,5% so với tháng 3/2019.

Chắc chắn, tăng trưởng nhập khẩu dầu hàng năm còn cao hơn nếu không có sự suy giảm kinh tế đột ngột do Covid-19 năm nay. Tuy nhiên, với việc nhập khẩu chiếm tới 72% nhu cầu dầu thô của đất nước và việc chính phủ Trung Quốc sẵn sàng công bố hạn ngạch nhập khẩu dầu sớm hơn bình thường cũng phản ánh rõ mong muốn tăng dự trữ dầu nước này. Nếu giá dầu vẫn ở mức thấp – điều mà Shell và BP cho thấy là có thể xảy ra – thì Trung Quốc dường như sẽ không mạnh tay cai nghiện dầu mỏ cho nền kinh tế của mình.

Trung Quốc vẫn dựa vào điện than

Bất chấp những bước tiến trong năng lượng tái tạo, than vẫn là trụ cột trong sản xuất điện của Trung Quốc, chiếm 42% công suất lắp đặt. Năm 2016, chính phủ Trung Quốc hạn chế các nhà máy điện than mới bằng cách liệt kê các tỉnh dư thừa công suất điện than, đồng nghĩa với việc không cấp phép cho các nhà máy mới ở các tỉnh đó. Tuy nhiên, chính phủ bắt đầu nới lỏng kiểm soát xây dựng nhà máy điện vào năm 2018. Hậu Covid-19, chính phủ Trung Quốc rút ngắn danh sách này từ 8 tỉnh xuống chỉ còn 3 tỉnh, giảm bớt trở ngại cho việc xây dựng thêm nhà máy điện.

Trung Quốc đang khuyến khích các chính phủ trong khu vực tăng sản lượng than khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau suy thoái Covid-19. Tổ chức Hòa bình xanh cho biết Trung Quốc bổ sung khoảng 30 GW điện than năm 2019, và khoảng 46 GW công suất đang được xây dựng vào tháng 5/2020, với thêm 48 GW đang trong giai đoạn phát triển dự án. Ở quy mô toàn quốc, nhiều nhà máy điện than được phê duyệt. Đến tháng 4, ít nhất 15 nhà máy đang trong giai đoạn lập kế hoạch và 14 dự án điện than đang được xây dựng. Tính đến 15/6, Trung Quốc phê duyệt công suất 17 GW điện than, nhiều hơn tổng công suất lắp đặt mới của năm 2018 và 2019.

Tại sao Trung Quốc tiếp tục bổ sung công suất mới trong khi các nhà máy điện than hiện tại mới được tận dụng dưới 50% công suất? Với quy mô khổng lồ, các nhà máy điện than mới cần rất nhiều lao động và sẽ thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Sự tăng trưởng này rất quan trọng đối với lãnh đạo địa phương – hiệu quả hoạt động của họ được đánh giá trên cơ sở tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Riêng tỉnh Quảng Tây trong tháng 3 đã công bố khoản đầu tư 4,7 tỷ USD vào 5 nhà máy điện than mới từ năm 2020 đến 2022.

Như phần lớn các quốc gia trên toàn cầu, Trung Quốc cũng xây dựng chính sách năng lượng theo vận động hành lang chính trị – ngay cả những định chế đi đầu về khí hậu như Liên minh châu Âu cũng không tránh khỏi áp lực từ các nước thành viên phụ thuộc vào than như Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc. Ở Trung Quốc, các tỉnh có ngành than chiếm tỷ trọng lớn đều hỗ trợ ngành này. Mặc dù lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng tạo ra việc làm nhưng nhiều chính quyền địa phương lại ủng hộ các dự án điện than vì quy mô lớn hơn và có tác động ngay lập tức đến việc làm.

Tuy nhiên, năng lượng tái tạo được địa phương hỗ trợ tập trung như vậy. Một nghiên cứu gần đây cho thấy khi trung ương giao quyền cho địa phương vào năm 2014, tỷ lệ phê duyệt cho các dự án điện than tăng gấp 3 lần và các tỉnh có ngành than chiếm tỷ trọng lớn (như Sơn Tây, Thiểm Tây và Nội Mông) phê duyệt nhiều hơn hẳn các tỉnh khác.

Bắc Kinh sẽ không ưu tiên vấn đề khí hậu

Trong Báo cáo Công việc vào tháng 5/2020, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh chính phủ đang nỗ lực giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, từ quan điểm khí hậu, ưu tiên sản xuất than sẽ tạo ra ít động lực chính trị hơn để giảm bớt carbon trong tương lai.

Một số nhà phân tích chỉ ra đà suy giảm về các vấn đề khí hậu ở Trung Quốc bắt đầu từ năm 2018, khi việc thay đổi Bộ Môi trường – Sinh thái Trung Quốc đã chuyển khâu hoạch định chính sách khí hậu từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đầy quyền lực sang một Bộ Môi trường có cấp bậc thấp hơn. Hậu đại dịch, ổn định trong nước và nhu cầu đưa nền kinh tế đi đúng hướng có lẽ là những ưu tiên cao hơn đối với Bắc Kinh hoặc chính quyền địa phương hơn là danh hiệu đi đầu về khí hậu.

Chính sách môi trường nội địa của Trung Quốc có xu hướng tập trung vào các vấn đề mà người dân nhìn thấy được. Những năm gần đây, lo ngại về ô nhiễm không khí (hậu quả trực tiếp từ đốt than) thúc đẩy các cuộc biểu tình của người dân. Dù chất lượng không khí ở nhiều vùng của Trung Quốc cải thiện đáng kể trong thời gian đóng cửa, ô nhiễm dường như đang tăng trở lại. Tuy nhiên cho đến nay, không xảy ra cuộc biểu tình lớn nào của người dân. Điều này có nghĩa là phục hồi kinh tế và tập trung vào chế tài buôn bán động vật hoang dã – vốn được nhiều nhà khoa học cảnh báo là nguyên nhân bùng phát dịch bệnh như SARS và Covid-19 – có khả năng trở thành các ưu tiên chính sách cao hơn, bất chấp tiềm năng về lợi ích sức khỏe lâu dài của năng lượng tái tạo.

Trong trường hợp nhu cầu trong nước về hành động khí hậu không tăng lên, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tập trung vào các chính sách với tạo ra hiệu quả chính trị ngay lập tức và giải quyết các mối quan tâm hàng đầu như thất nghiệp và ổn định xã hội. Mặc cho những lời bàn tán về sự hỗ trợ của chính phủ đối với các công trình cơ sở hạ tầng mới, Bắc Kinh có thể ít chú ý hơn đến các vấn đề khí hậu nói chung và bỏ qua cơ hội trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về các giải pháp cho biến đổi khí hậu.

Nhật Anh (Theo Washington Post)