Biến chủ trương lớn thành việc làm hiệu quả, từng bước thoát nghèo bền vững

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 - 2020)

BVR&MT – Hai năm trở lại đây đời sống, văn hóa của nhân dân tại xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên đã từng bước được cải thiện, nâng cao. Từ cách làm sáng tạo, biến chủ trương lớn thành hiện thực, Tân Long đã đưa giống cam Vinh vào trồng thử nghiệm, nhờ vào thương hiệu cam Vinh nên nhiều người dân ở xã đã thoát nghèo, trở nên khá giả với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên là một xã nghèo, miền núi thuộc diện 135. Cơ cấu dân số của xã chủ yếu là người dân tộc. Kinh tế, thu nhập chính của nhân dân trong xã vẫn tập trung chính vào 2 ngành nghề chính là nông nghiệp (cây lúa, ngô và chè) và lâm nghiệp trồng rừng.

Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử tác nghiệp tại vườn cam Vinh nhà bà Thoa.

Tiêu biểu, đi đầu cho phát triển kinh tế của xã là xóm Làng Mới, một trong những địa phương trồng cây có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn. Kể từ khi giống cam Vinh được đưa về trồng đã giúp cho nông dân miền núi nơi đây từng bước thoát nghèo và khá giả, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ cam Vinh.

Phóng viên được giới thiệu đến vườn cam của gia đình ông Hoàng Văn Việt và vợ Nguyễn Thị Thoa, một trong những gia đình đầu tiên áp dụng đưa giống cam Vinh vào trồng thử nghiệm tại xã Tân Long.

Theo chân cán bộ Trạm khuyến nông, vào thăm vườn cam của gia đình bà Thoa. Trước mắt là bạt ngàn những gốc cam được khoa học, hàng lối, đều đặn được gia đình bà dày công chăm sóc.

Niềm nở, bà Thoa đưa chúng tôi dạo vòng quanh vườn cam trĩu quả. Bà chia sẻ: “Mấy năm về trước gia đình chỉ biết tập trung vào cây lúa, cây ngô mà cuộc sống vẫn không đủ ăn. Người ta bảo muốn giàu nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt, gia đình tôi nuôi cả cá, ngựa, chó, dê, gà mà vẫn chẳng thấy tiền đâu, cái nghèo vẫn cứ đeo bám dai dẳng.

Hết mùa vụ, chồng tôi lại đi phụ vữa, tích lũy được chút tiền, gia đình lại tìm cách làm kinh tế để thoát nghèo. Chăn nuôi thất bại nên gia đình quyết định thử trồng cam Vinh và bưởi Da Xanh không ngờ lại thu được những thành quả rất tốt cho gia đình sau bao cố gắng.

Nhờ cam Vinh, nhà tôi đã thoát nghèo! Ban đầu mới đưa vào thử nghiệm lúc đó cũng gặp không ít khó khăn vì phương thức sản xuất hoàn toàn mới, giống cây trồng mới, không biết có hợp thổ nhưỡng địa phương không.

Mô hình thành công được như ngày hôm nay là nhờ vào sự động viên của chính quyền và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc của cán bộ khuyến nông huyện, gia đình đã quyết tâm theo đuổi, đưa vào trồng giống cam Vinh. Hai năm nay vườn cam đã cho thu hoạch quả, năm 2016 gia đình tôi thu được 400 triệu nhờ cam, năm nay (2017) vì mưa nhiều, quả ít nên chắc chỉ được khoảng hơn 200 triệu”.

Ông Hoàng Văn Chức, cán bộ khuyến nông huyện Đồng Hỷ giới thiệu kỹ thuật trồng cam Vinh.

Ông Hoàng Văn Chức cán bộ khuyến nông huyện cho biết: Gia đình bà Thoa đưa vào trồng mới với diện tích là 1 mẫu cam Vinh, 2 năm nay đã cho thu hoạch quả, bán tại vườn với giá từ 40.000 đồng/1 kg. Kỹ thuật trồng cam khác hoàn toàn với kỹ thuật trồng giống cây khác mà bà con đang canh tác, sản xuất.

Với việc đưa mô hình cam Vinh vào thực tiễn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, không những giúp gia đình bà Thoa thoát nghèo mà còn thúc đẩy nhiều gia đình khác đang mong muốn được tiếp cận đưa giống cam Vinh vào trồng thay một số giống cây trồng khác. Đến nay UBND xã Tân Long, Trạm khuyến nông huyện và gia đình bà Thoa đã tiếp tục đưa vào trồng thử nghiệm giống Bưởi Da Xanh, bước đầu cũng đã cho thu hoạch, năng suất chất lượng quả tốt, giá bán bình quân tại vườn giao động từ 30.000 đồng – 40.000 đồng/1 quả.

Từ kết quả thành công ban đầu ở mô hình trồng cam Vinh của gia đình bà Thoa, hiện tại UBND xã đang phối hợp với Trạm khuyến nông huyện, phát triển mô hình trồng cam Vinh ở một số xóm của xã. Một số hộ dân đã đề nghị gia đình bà Thoa trợ giúp kinh nghiệm để phát triển vườn cam, bưởi Da Xanh.

Ông Hoàng Văn Pần ở xóm làng Mới, xã Tân Long vừa mới trồng 100 gốc cam Vinh cho biết: “Với người dân trong xã, gia đình bà Thoa là một kho kinh nghiệm trồng cây ăn quả để người dân trong xã tìm hiểu, làm theo. Không chỉ là tấm gương về phát triển kinh tế mà còn là kết quả của một chương trình của xã đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo”.

Từ cách làm sáng tạo, đã hiện thực hóa được chủ trương lớn, xây dựng những mô hình thoát nghèo ở địa phương, từ đó giúp Tân Long sẽ từng bước thoát nghèo bền vững….

Phượng Long