Biển châu Âu bị “đầu độc” bởi kim loại và hóa chất

BVR&MT – Theo một báo cáo của Cơ quan Môi trường châu Âu, kim loại nặng và một hỗn hợp hóa chất nguy hiểm tiếp tục đầu độc biển châu Âu với hơn 3/4 diện tích được đánh giá bị ô nhiễm.

Vùng biển bị ảnh hưởng nặng nhất là Baltic – nơi 96% các khu vực được đánh giá cho thấy mức độ đáng lo ngại của một số chất có hại. Các vấn đề tương tự cũng được phát hiện ở 91% Biển Đen và 87% Địa Trung Hải.

Cá voi hoa tiêu mắc cạn trên bãi biển Fife, Scotland. Các nhà khoa học phát hiện nồng độ cao kim loại độc hại ở trong cá voi (Ảnh: Andrew Milligan/PA).

Ở phía đông bắc Đại Tây Dương, mức độ không an toàn của hóa chất hoặc kim loại được phát hiện ở 75% các khu vực được đánh giá.

Tuy nhiên, ở hầu hết các khu vực, tình hình đã được cải thiện vì nhiều chất độc hại trôi ra biển – như thuốc trừ sâu DDT và các kim loại nặng như cadmium và thủy ngân – hiện bị cấm hoặc giới hạn nghiêm ngặt. Chẳng hạn, sự sinh sản của đại bàng đuôi trắng ở biển Baltic được cải thiện được cho là do sự suy giảm DDT.

Một vấn đề đang diễn tiến là các hóa chất chống cháy vẫn được sử dụng và tìm thấy ở các tuyến đường thủy, còn DDT từ châu Phi vẫn đang tràn vào Địa Trung Hải.

Cơ quan giám sát môi trường châu Âu kêu gọi kiểm soát chặt hơn về cách sử dụng hóa chất và giám sát sức khỏe biển kỹ hơn. Các chất độc tìm thấy ở biển châu Âu đang ảnh hưởng đến động vật biển cũng như gây thiệt hại đối với sức khỏe con người.

Johnny Reker, tác giả chính của báo cáo EEA nói rằng điều quan trọng là phải cảnh giác với các chất ô nhiễm mới cũng như với những chất hiện có.

“Sau mỗi hai phút rưỡi, một hóa chất mới được tạo ra và chúng ta không hiểu ảnh hưởng của nó. Các loại dược phẩm mới xuất hiện mọi lúc và lẫn vào nước thải. Đây là một vấn đề mới nổi nhưng chúng ta không biết ảnh hưởng sẽ thế nào”.

Trích dẫn ví dụ về nước Đức, nơi nam giới trẻ tuổi được phát hiện chỉ sản xuất ra 1/3 lượng tinh trùng của đàn ông Đức cách đây 30 năm, ông nói: “Chứng minh mối liên hệ nhân quả giữa các chất gây ô nhiễm cụ thể và giảm khả năng sinh sản hiện rất khó khăn. Tuy nhiên, kết quả từ các thí nghiệm trên động vật và các chương trình theo dõi sức khỏe con người chỉ ra sự hiện diện của các chất gây rối loạn nội tiết trong môi trường, như PCB, có thể phải chịu trách nhiệm một phần cho tình trạng giảm khả năng sinh sản này”.

Reker cho biết thủy ngân từ các nhà máy nhiệt điện than tiếp tục gây ô nhiễm biển châu Âu dù đã đóng cửa nhiều nhà máy và ứng dụng công nghệ để giảm lượng phát thải thủy ngân.

“Những thứ này không biến mất khi chúng đổ xuống biển”.

Dioxin cũng đã được tìm thấy ở biển Baltic, nơi nó tích tụ trong thịt của các loại cá béo như cá hồi và cá trích. Phụ nữ mang thai được khuyên là không nên ăn hoặc cắt giảm lượng ăn vào các loại cá này vì điôxin có thể hạn chế sự phát triển, gây ung thư và ảnh hưởng xấu đến hệ thống miễn dịch.

Phthalates, một loại hóa chất công nghiệp được sử dụng trong nhựa có thể hoạt động như chất gây rối loạn nội tiết đã được tìm thấy ở biển Baltic và Đại Tây Dương.

Nhật Anh (Theo The Guardian)