Bi thảm nghề mót ngọc ở Myanmar

BVR&MT – Si Thu Phyo đang nhặt những viên đá quý còn sót lại khi cảm nhận thấy trái đất rung chuyển quanh mình.

Gần 200 người mất mạng trong vụ lở đất tồi tệ nhất lịch sử Myanmar mới xảy ra. (Ảnh: Phyo Hein Kyaw/BBC)

Chàng trai 21 tuổi cần mẫn làm việc tại một trong những mỏ ngọc lớn nhất thế giới ở bang Kachin thuộc miền bắc Myanmar. Anh chỉ là một trong hàng trăm người mót ngọc trong các mỏ lộ thiên ngày hôm đó, và đã cố chạy đi khi đất lở sụp nhưng bị một làn sóng gồm nước, bùn và đá nhấn chìm trước khi kịp thoát ra.

Si Thu lăn xuống nước. “Miệng tôi đầy bùn, đá đập vào tôi và sóng đẩy tôi xuống hết lần này đến lần khác. Tôi nghĩ rằng mình sẽ chết”.

Nhưng Si Thu đã thoát được, còn 7 người bạn thân của anh thì không. Họ nằm trong số khoảng 200 người thiệt mạng trong vụ sạt lở mỏ tồi tệ nhất Myanmar.

“Chúng tôi coi nhau như anh em, thường ngủ chung giường”, Si Thu nói khẽ, hồi tưởng những người bạn.

Từ ngôi nhà chật chội – nơi anh sống cùng chín thành viên trong gia đình, Si Thu có thể nhìn thấy ngọn núi nơi anh mót đá ngày hôm đó.

“Tôi cảm thấy tội lỗi vì là người sống sót. Tôi ước bi kịch này chỉ là một cơn ác mộng và khi tôi thức dậy sẽ không có trận lở đất và bạn bè trở lại”.

Các vụ lở đất chết chóc xảy ra gần như hàng năm vào mùa mưa tại các mỏ lớn ở bang Kachin – nơi sản xuất ra khoảng 70% ngọc bích của thế giới, một loại đá quý được người Trung Quốc ưa chuộng và đạt giao dịch trị giá hàng tỷ đô la/năm.

Vụ sạt lở tháng 7/2020 là vụ thảm khốc nhất từ trước tới nay và được ghi lại bằng video điện thoại di động. “Truyền thông xã hội đã khiến mọi người biết tới. Khi không có kết nối internet và điện thoại ở đây, chính quyền và các công ty có thể nhắm mắt làm ngơ”, Si Thu nói.

Dưới áp lực, chính phủ Myanmar chỉ định một cơ quan điều tra do Bộ trưởng Bộ Bảo tồn Tài nguyên và Môi trường Ohn Win đứng đầu để xác định trách nhiệm và dàn xếp bồi thường cho các gia đình.

Báo cáo của nhóm hiện nằm trên bàn tổng thống nhưng những phát hiện chưa được công bố, tuy nhiên Bộ trưởng Ohn Win đã thổi bùng cơn giận của nhiều người mót ngọc khi cho rằng những người chết là “tham lam”.

Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo thực tế của Myanmar cho rằng nguyên nhân là do nạn thất nghiệp.

Nhà cửa sụp xuống mỏ. (Ảnh: Phyo Hein Kyaw/BBC)

Yan Naing Myo cũng ở trong mỏ ngày hôm đó và sống sót do bám vào một thùng dầu rỗng. Ông bị tổn thương sâu sắc trước những lời nói của Bộ trưởng môi trường.

“Chính phủ cử họ đi điều tra nhưng họ chỉ đổ lỗi cho những người mót nhặt là chúng tôi. Những lời nói đó càng làm cho chúng tôi cay đắng ngay trong lúc chúng tôi đang đau buồn”.

Yan Naing, 23 tuổi, phải khâu 14 mũi khâu trên đầu và cơ thể đầy những vết bầm tím. Anh có bằng Cử nhân về văn học Miến Điện, ban đầu đi mót ngọc trong các mỏ chỉ để “kiếm tiền tiêu vặt” trong những ngày nghỉ. Sau khi tốt nghiệp, anh cảm thấy không có động lực và trở về mỏ trong khi hiện tại đó là công việc duy nhất anh có thể làm.

Si Thu không trong hoàn cảnh đó, anh buộc phải bỏ học khi lên 10, sau khi Bão Nargis phá hủy ruộng lúa và sinh kế của gia đình anh vào năm 2008. Bây giờ, 10 thành viên của gia đình sống nhờ các khu mỏ. Si Thu thường thức dậy vào khoảng 5 giờ sáng và đôi khi làm việc cả ngày để tìm kiếm các mẩu đá quý.

Vùng đất vô luật

Những người đến mót ngọc phần lớn thất nghiệp và nghèo đói. Theo các nhà vận động, những người này có thể vào các khu vực nguy hiểm xung quanh mỏ vì chính phủ Myanmar đã không kiểm soát chặt các khu vực.

“Đổ lỗi cho các nạn nhân không giải quyết được vấn đề. Nguyên nhân họ đến những nơi đó vì có xung đột, thiếu luật pháp và có các nhóm vũ trang”, Paul Donowitz, nhà vận động chính thuộc cơ quan giám sát khai thác tài nguyên thiên nhiên Global Witness chỉ rõ.

Hiện các công ty liên kết với quân đội Myanmar để kiểm soát phần lớn ngành khai mỏ và hoạt động gần như bí mật. Các nhóm phiến quân vũ trang đang tìm cách tự trị trong khu vực cũng dựa vào khai mỏ để có nguồn thu, các ông trùm ma túy cũng vậy.

“Chúng tôi có bằng chứng cho thấy các nhóm vũ trang sắc tộc và quân đội thậm chí đang hợp tác ở các mỏ trong khi vẫn xung đột vũ trang trên chiến trường”, Donowitz nói.

Trẻ em cũng tham gia đội ngũ mót ngọc. (Ảnh: Phyo Hein Kyaw/BBC)

Thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc mà chính phủ trung ương đang cố gắng đạt được “có thể làm hỏng mọi lợi ích kinh tế của họ trong mỏ”.

Một phân tích do Viện Quản trị Tài nguyên thiên nhiên công bố năm 2019 ước tính giá trị ngọc được khai thác hàng năm ở Myanmar khoảng 15 tỷ đô la nhưng phần lớn là bất hợp pháp. Dữ liệu chính thức của chính phủ cho thấy giá trị khai thác hàng năm chỉ ở con số hàng triệu.

“Nhà nước đang mất 80-90% doanh thu từ ngọc”, theo Donowitz.

Hầu hết ngọc khai thác ở bang Kachin được cho là sẽ “vượt biên” sang Trung Quốc. Khi Trung Quốc trở nên giàu có hơn, cơn thèm muốn của nước này với ngọc lục bảo lấp lánh tăng vọt và loại ngọc đầu bảng có thể còn giá trị hơn cả vàng.

Khi Si Thu tìm thấy một viên đá ngọc bích lớn, công ty khai mỏ hoặc các nhóm vũ trang sẽ lấy một phần. Trong một số trường hợp, họ sẽ thu giữ viên ngọc. “Một người bạn của tôi tìm thấy một viên đá quý lớn trong mỏ này. Nhưng anh ấy ném nó xuống nước vì chán ngấy với cách chúng tôi bị đối xử. Chúng tôi đang sống cầm hơi qua ngày và không bao giờ có cơ hội”.

Một trong bốn công ty hoạt động trong khu vực xảy ra vụ lở đất là Kyauk Myat Shwe Pyi được người địa phương gọi là công ty khai khoáng Triple One.

U Min Thu, quan chức cấp cao của Bộ khai thác mỏ và là thư ký của nhóm điều tra xác nhận rằng công ty này là liên doanh giữa Trung Quốc-Myanmar có liên hệ với nhóm vũ trang sắc tộc Wa.

“Các nhóm vũ trang đã ký thỏa thuận hòa bình với chính phủ được phép đầu tư vào Myanmar”.

Trong khi một luật ban hành năm 2019 cấm người nước ngoài đầu tư vào khai thác ngọc, các công ty khai khoáng của Trung Quốc chỉ cần lập ra các liên doanh, U Min Thu nói. Cổ phiếu sau đó được chia chác theo tỷ lệ “chính phủ sở hữu 25% còn công ty 75%”.

Trong nỗ lực nâng cao tính minh bạch, chính phủ Myanmar đã công bố thông tin vào cuối năm 2019 về quyền sở hữu các công ty khai khoáng và xung đột lợi ích tiềm tàng. Nhưng theo một báo cáo phân tích dữ liệu mới đây, Global Witness chỉ thấy 8/163 công ty cho biết chủ sở hữu có quan hệ chặt chẽ với các quan chức quân sự cấp cao (trước kia hoặc hiện tại) hoặc lãnh đạo các nhóm vũ trang sắc tộc.

Theo báo cáo của Global Witness, dữ liệu nhập vào của công ty MEHL thuộc sở hữu của quân đội Myanmar là “không đầy đủ và không chính xác”, còn công ty Triple One hoàn toàn không hiện diện trong danh sách.

Hy vọng nhạt dần

Tại nơi xảy ra vụ lở đất khủng khiếp, hương hoa được đặt lên nền đất đen xám trong một buổi lễ tưởng niệm những người chết và mất tích do một trong những nhà sư nổi tiếng nhất Myanmar Sitagu Sayadaw khởi xướng.

Hơn 200 nhà sư cùng hàng trăm người khác tụng kinh Phật cầu cho người chết luân hồi sang một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Những người mót ngọc. (Ảnh: Phyo Hein Kyaw/BBC)

Trong đám đông có Daw Mu Mu. Bà đã đi 20 tiếng từ Mandalay để cố gắng tìm Ko Yarzar – người con trai 37 tuổi mất tích trong vụ lở đất.

“Mỗi khi tôi nghe tin tìm thấy một thi thể khác là lại chạy xuống mỏ để xem”. Đầu gối bà sưng vù vì leo lên leo xuống.

Bà cần tìm xác con trai để lấy khoản bồi thường 2.500 đô la Mỹ từ chính phủ và các cơ quan viện trợ cho các gia đình bị nạn.

“Tôi biết rằng mình đã mất nó, hy vọng tìm thấy thi thể nó đang mờ dần. Bây giờ, tôi chỉ đang ngủ trong căn phòng nhuốm đầy đau buồn của con, cố hồi tưởng lại những ký ức tốt đẹp và an ủi bản thân với bộ quần áo nó mặc khi còn sống”.

Một tháng sau thảm họa, người ta bắt đầu quay lại các khu mỏ. Trong số những người trở lại làm việc có những đứa trẻ đi bên cha mẹ, tìm kiếm đá quý trên vách đá mỏng manh, dù các vách đá có thể sụp xuống bất cứ lúc nào.

Một ngày mưa tháng Bảy, 10 ngày sau trận lở đất, Si Thu đi bộ trở lại mỏ. Anh đang chờ vết thương lành lại. Anh nói sẽ trở lại làm việc. Đứng ở rìa hố nơi bạn bè mất mạng, anh nhìn chằm chằm vào xa xăm: “Lần sau, tôi sẽ chạy đi trước khi những điều tồi tệ xảy ra”.

Nhật Anh (Theo BBC)