Bí quyết nâng tầm thương hiệu ‘Gà đồi Phú Bình’

BVR&MT – Trong khi không ít người chăn nuôi trong cả nước luôn thấp thỏm vì giá thành sản phẩm bấp bênh thì những xã viên chăn gà của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên vẫn tự tin duy trì đàn gà lên tới hơn 150.000 con với giá bán và thị trường tiêu thụ ổn định.

Xã viên Hợp tác xã chăm sóc đàn gà thả đồi áp dụng phương thức chăn nuôi an toàn sinh học.

Năm 2014, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh được thành lập cùng thời điểm sản phẩm “Gà đồi Phú Bình” được Cục Sở hữu Trí tuệ – Bộ Khoa học và công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu số 235100 cho UBND huyện Phú Bình, mở ra cơ hội lớn đối với những hộ chăn nuôi gà ở Phú Bình.

Với 20 hộ xã viên, hiện nay Hợp tác xã Đông Thịnh là một trong những hợp tác xã chăn nuôi hiệu quả nhất tỉnh Thái Nguyên với tổng doanh thu trên 15 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Hợp tác xã Đông Thịnh cho biết, với lợi thế diện tích đất đồi lớn phù hợp với nuôi bà thả vườn, ban đầu, ông cùng một số hộ chăn nuôi gà lớn tự bỏ ra hàng chục triệu đồng để vào các tỉnh phía Nam học hỏi kinh nghiệm bán hàng và cách thức quản lý của Hợp tác xã kiểu mới.

Từ đó, Ban quản trị Hợp tác xã đã tìm ra hướng đi mới để nâng tầm thương hiệu “Gà đồi Phú Bình” đó là áp dụng quy trình chăn nuôi khoa học theo tiêu chuẩn Vietgap, có sổ theo dõi từ việc tiêm phòng, sử dụng loại thức ăn, trọng lượng gà từng giai đoạn… chặt chẽ, đảm bảo chất lượng gà thành phẩm ổn định.

Các hộ xã viên được bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định trong cả năm, dù giá thị trường có liên tục bấp bênh, giúp các xã viên cũng như người chăn nuôi trên địa bàn hình thành thói quen làm việc theo chuỗi liên kết, có trách nhiệm trước cộng đồng về những sản phẩm mà mình làm ra…

Đặc biệt, các hộ chăn nuôi phải cùng nhau bán chung một giá nhằm mục đích hạn chế rủi ro do giá bấp bênh, ngăn chặn tình trạng bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, chủ nhiệm Hợp tác xã chăm sóc đàn gà của gia đình.

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Kiểm sát viên Hợp tác xã Đông Thịnh cho biết thêm, các hộ xã viên Hợp tác xã cùng chăn nuôi gà với giống gà ta bản địa, giống Vạn Phúc và J – Dabaco, nguồn cung ứng giống cũng được kiểm định chặt chẽ mới được chăn nuôi.

Gọi là gà đồi nên người chăn nuôi trước hết phải có diện tích chăn thả lớn, trung bình mỗi trang trại chăn nuôi gà rộng từ 1 đến 5 ha, việc làm chuồng chỉ đơn thuần là cho gà tập trung về ngủ.

Quá trình chăm sóc vật nuôi được ghi chép kỹ lưỡng, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng trừ dịch bệnh đồng bộ. Ngoài ra, các hộ đã dùng men sinh học hoạt tính được làm từ các loại thảo dược để ủ thức ăn sử dụng cho gà, giúp kích thích tiêu hóa, ổn định vi sinh vật và hạn chế một số bệnh về đường ruột và hô hấp nên gà hấp thụ chất dinh dưỡng tốt, đồng thời cũng hạn chế mùi hôi của phân gà…

Chỉ sau gần 3 năm tạo dựng, thương hiệu “Gà đồi Phú Bình” do Hợp tác xã Đông Thịnh sản xuất đã có thị trường tiêu thụ ổn định ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn…

Gần đây, một siêu thị lớn ở Hà Nội đã tìm về tận Tân Khánh để đặt vấn đề với Hợp tác xã mỗi ngày sẽ mua 300 con gà thịt sẵn, hợp đồng được ký kết theo năm nhưng Hợp tác xã phải tạm gác lại hợp đồng này do chưa xây dựng được cơ sở giết mổ gia cầm tập trung.

Thời điểm hiện tại, trong khi giá gà mía, gà lai ở thị trường Thái Nguyên đang ở mức trên dưới 40.000 đồng/kg thì giá bán ngay tại chuồng của các các thành viên Hợp tác xã Đông Thịnh vẫn đạt trên 50.000 đồng/kg. Giá gà ta cũng cao hơn mức giá thị trường từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, phổ biến từ 75.000 đồng đến 85.000 đồng/kg.

Theo đánh giá của Trung tâm khuyến nông Thái Nguyên, phương thức vận hành sản xuất của Hợp tác xã Đông Thịnh không chỉ giúp các thành viên HTX ổn định và phát triển sản xuất bền vững mà còn giúp gìn giữ, phát huy được thương hiệu “Gà đồi Phú Bình”, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng bán sơn địa.