Bệnh đậu mùa khỉ: WHO vẫn không khuyến cáo “tiêm chủng đại trà”

BVR&MT – Ở giai đoạn này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa khuyến cáo “tiêm chủng đại trà” chống lại bệnh đậu khỉ.

ệnh đậu mùa khỉ là một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp nhưng nguy hiểm. (Ảnh: UN)

Tuyên bố với giới báo chí tại Geneva (Thụy Sỹ) ngày 26/7, Tiến sĩ Rosamund Lewis, chuyên gia kỹ thuật của WHO về bệnh đậu khỉ, cho biết: “Hiện tại, việc tiêm phòng đại trà là không cần thiết”. WHO hiện cho rằng việc tiêm chủng phải được duy trì “mục tiêu” hướng tới những người bị nhiễm bệnh, những người có nguy cơ và nhân viên y tế có thể phải chăm sóc họ.

Về vấn đề này, Tổ chức Y tế Thế giới đã xây dựng hướng dẫn tiêm chủng tạm thời cho những người đã bị phơi nhiễm, cách điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cũng như cho những người có thể có nguy cơ, do đó phải tiêm phòng vaccine phòng bệnh trước khi phơi nhiễm. WHO nhấn mạnh: “Điều rất quan trọng cần ghi nhớ là khi một người được tiêm chủng, cơ thể phải mất vài tuần để tạo ra phản ứng miễn dịch”.
Tiến sĩ Lewis giải thích rằng trong lịch sử, vaccine đậu mùa và đậu mùa khỉ rất hiệu quả. Nhưng những loại vaccine này bây giờ có thể nhẹ bớt và kém hiệu quả hơn một chút. Theo Tiến sĩ Lewis, khoảng 16,4 triệu liều vaccine đậu mùa đã có sẵn với số lượng lớn nhưng WHO lo ngại rằng số lượng dự trữ này sẽ cạn kiệt.
Dịch đậu mùa khỉ có thể được ngăn chặn
Các quốc gia sản xuất vaccine là: Đan Mạch, Nhật Bản và Mỹ. “Chúng tôi cũng làm việc với các quốc gia thành viên như với Liên minh châu Âu… Tại thời điểm này, Mỹ đã phát hành một lượng đáng kể vaccine để sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của các quốc gia khác” – Tiến sĩ Lewis nói.
Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới cũng thể hiện sự lạc quan đối với kết quả của bệnh nhân. Theo WHO, dịch đậu mùa khỉ lây lan nhanh song có thể được ngăn chặn. Tiến sĩ Lewis tuyên bố khẳng định: “Chúng tôi vẫn tin rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa này có thể được ngăn chặn bằng các chiến lược phù hợp và các nhóm phù hợp, nhưng thời gian không còn nhiều và tất cả chúng ta cần phải hành động cùng nhau để đạt được điều đó”.
Để đạt được điều này, WHO vẫn đang làm việc trên một cơ chế điều phối toàn cầu. Tiến sĩ Lewis nhấn mạnh: “Hiện tại, đó là điều vẫn đang được thảo luận. Cho đến năm nay, bệnh virus hiếm khi lây lan ra ngoài châu Phi, nơi nó lưu hành”.
WHO lý giải về mức cảnh báo cao nhất vừa đưa ra
Tuy vậy, thông báo về một số ít trường hợp mắc đậu mùa khỉ ở Anh vào đầu tháng 5 cho thấy virus đã di chuyển đến châu Âu. Trong bối cảnh đó, WHO đã đánh giá rủi ro là cao ở khu vực châu Âu và vừa phải trên toàn cầu, vì các khu vực khác không bị ảnh hưởng nghiêm trọng vào thời điểm này. Nhưng lý do cảnh báo quốc tế đã được nâng lên là WHO muốn bảo đảm rằng chúng ta sẽ ngăn chặn sự bùng phát càng sớm càng tốt.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 23/7 vừa qua đã quyết định nâng mức cảnh báo cao nhất trong nỗ lực kiềm chế sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tiến sĩ Tedros cho biết: “Tôi đã quyết định tuyên bố Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của mối quan tâm quốc tế đối với bệnh phát ban đậu mùa ở khỉ”, đồng thời lưu ý rằng nguy cơ trên toàn thế giới là tương đối vừa phải, ngoại trừ ở châu Âu, nơi nguy cơ được đánh giá là cao.
Ông giải thích rằng Ủy ban Khẩn cấp đã không đạt được sự đồng thuận, vẫn còn chia rẽ về sự cần thiết phải kích hoạt mức cảnh báo cao nhất. Tại cuộc họp đầu tiên vào ngày 23/6, đa số các chuyên gia đã khuyến nghị với Tổng giám đốc WHO không công bố tình trạng khẩn cấp quốc tế.
Số ca bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu tăng 48% trong một tuần
Hơn 16.700 trường hợp được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo tại hơn 75 quốc gia. Nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới, con số thực sự có thể cao hơn. 5 trường hợp tử vong, tất cả đều ở châu Phi, đã được báo cáo.
Cho đến nay, khoảng 81 trẻ em dưới 17 tuổi đã bị nhiễm bệnh trên toàn thế giới. Theo thống kê mới nhất từ WHO, số ca mắc mới được báo cáo mỗi tuần trên toàn thế giới tăng 48% trong khoảng thời gian từ ngày 18 – 24/7 (4.045 ca), so với 2.740 ca từ ngày 11 – 17/7.
Phần lớn các trường hợp được báo cáo cho WHO trong 4 tuần qua là từ khu vực châu Âu và châu Mỹ. Châu Phi, nơi dịch bệnh lưu hành, có hơn 300 trường hợp được xác nhận, trong đó có hơn 160 trường hợp ở Cộng hòa Dân chủ Congo và 100 trường hợp ở Nigeria.
Trên toàn thế giới, Tây Ban Nha vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất (3.150). Theo sau là Mỹ (2.582), Đức (2.352), Anh (2.2208) và Pháp (1.567).
WHO cảnh báo chống lại sự kỳ thị
Nhìn chung, phần lớn các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở thanh niên, nam giới trẻ tuổi. Nhưng nó thực sự là một phạm vi khá rộng và WHO cho rằng độ tuổi trung bình là 37. “Chúng tôi đã thấy trong dữ liệu của mình một vài trường hợp trên 50 tuổi, nhưng không nhiều” – Tiến sĩ Lewis cho biết.
Chuyên gia kỹ thuật của WHO về bệnh đậu khỉ cũng đồng thời kêu gọi không “kỳ thị” những người đã bị nhiễm bệnh “bởi vì hiện tại dịch vẫn đang tập trung ở các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới ở một số quốc gia, nhưng không phải ở đâu cũng vậy, điều quan trọng là phải thấy rằng sự kỳ thị và phân biệt đối xử có thể rất nguy hiểm và nguy hiểm như bất kỳ loại virus nào”.
Bệnh đậu mùa khỉ thường biểu hiện bằng sốt, phát ban và sưng hạch bạch huyết và có thể dẫn đến một loạt các biến chứng y tế. Virus đậu mùa khỉ được truyền sang người khi tiếp xúc gần với người hoặc động vật bị nhiễm bệnh, hoặc với các vật liệu bị nhiễm virus này.
Bệnh thường tự khỏi và các triệu chứng kéo dài từ 2 – 4 tuần. Theo WHO, một số trường hợp có thể nghiêm trọng. Trong thời gian gần đây, tỷ lệ tử vong theo ca dao động trong khoảng 3 – 6%.