Bẫy – mối đe dọa lớn nhất đối với động vật hoang dã ở Đông Nam Á

BVR&MT – Bẫy được làm bằng dây trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với động vật trên cạn ở Đông Nam Á, đe dọa sự tồn tại của nhiều loài.

Những chiếc bẫy rẻ tiền và đơn giản, được làm từ dây phanh xe đạp và xe máy, được các thợ săn ở Đông Nam Á sử dụng để bắt những loài động vật mọi người mua làm thức ăn như lợn rừng, hươu, cầy và nhím.

Thomas Gray, giám đốc khoa học thuộc Wildlife Alliance, chỉ ra các vấn đề từ bẫy gây nguy hiểm cho mọi động vật dù chúng không phải là mục tiêu. Những con thú bị dính bẫy nhưng không có giá trị buôn bán thường bị bỏ mặc cho thối rữa.

Ngày nay, nhiều loài từng hiện diện đông đảo khắp các khu rừng ở Đông Nam Á như gấu chó, thỏ vằn, mèo gấm, lửng lợn và khỉ quý hiếm khi được nhìn thấy – hiện tượng này được các nhà bảo tồn gọi là “hội chứng rừng rỗng”.

“Ở một số khu vực, không có loài động vật có vú nào lớn hơn một loài gặm nhấm còn lại”.

Từ 2010 đến 2015, các nhóm tuần tra gỡ bỏ hơn 200.000 cái bẫy tại các khu bảo tồn ở Campuchia, Việt Nam và Lào, tuy nhiên, họ vẫn không thể theo kịp những kẻ săn trộm.

Ban đầu, bẫy được làm từ các sản phẩm tự nhiên trong rừng nên không mấy chắc chắn và có thể phân hủy được. Tuy nhiên, bẫy dây có thể tồn tại trong nhiều năm và không cần nhiều kỹ năng để sản xuất, gây nguy hiểm lớn cho bất kỳ động vật nào tiếp xúc với nó.

Theo Gray, mặc dù hành động đặt bẫy là bất hợp pháp tại các khu bảo tồn nhưng không mấy rủi ro vì đến nay chưa ai bị bắt trong khi đặt bẫy.

Niềm yêu thích thịt rừng – thứ được coi là thực phẩm sành điệu trong giới tinh hoa đô thị, mặc dù là bất hợp pháp – là một lý do khác cho số lượng ngày càng nhiều bẫy được đặt để bắt động vật hoang dã. Thợ săn, những người từng đặt bẫy bắt thú để phục vụ nhu cầu bản thân, giờ đây phải vào sâu hơn trong rừng để tìm con mồi.

“Nếu ai đó đang đi trong rừng mà mang theo vật liệu làm bẫy – chẳng hạn như 50 dây cáp phanh xe máy – rõ ràng họ đang có kế hoạch đặt bẫy”, ông cho rằng ngay cả ý định đặt bẫy cũng nên được coi là một tội nghiêm trọng.

Theo Regine Weckauf, cố vấn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp thuộc FFI, khiến mọi người hiểu và ngừng tiêu thụ thịt rừng cũng sẽ góp phần ngăn chặn nạn săn trộm đang diễn ra.

“Ở nông thôn, mọi người thường ăn thịt rừng vì họ thích mùi vị. Thông thường, họ không ý thức rằng thịt được bán bất hợp pháp. Ở thành phố, nhiều người tiêu dùng biết rằng thịt hoang dã là bất hợp pháp, do đó, việc cung cấp nó cũng gửi ra thông điệp ‘không ai làm gì được tôi’. Chúng ta cần hiểu lý do tại sao mọi người tiêu thụ thịt rừng và cách tốt nhất là thuyết phục họ dừng lại”.

Mặc dù Wildlife Alliance đã có thể kiềm chế các hoạt động của những kẻ săn trộm bằng cách hợp tác với Chính phủ Campuchia, Gray tin rằng điều đó là không đủ, để giải quyết thỏa đáng vấn đề họ đang gặp phải thì cần nhiều nhân sự hơn, nhiều thiết bị hơn và cần thực hiện nhiều khóa đào tạo hơn nữa.

Liên minh Động vật hoang dã, hiện có 110 thành viên, đã tịch thu 20.000 chiếc bẫy và phá hủy 779 trại bất hợp pháp trong năm 2018.

Nhật Anh (Theo IBT)