BVR&MT – Bát Xát là huyện nghèo, biên giới miền núi của tỉnh Lào Cai, toàn huyện có 17 xã thuộc diện 135. Theo đánh giá của BCH Đảng bộ huyện Bát Xát khóa XXII (nhiệm kỳ 2015-2020), 3 năm qua, bình quân mỗi năm Bát Xát giảm 8,39% hộ nghèo, đạt 167% mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 45,1 %, đến năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 28,33%. Có được kết quả trên là do công tác giảm nghèo đã được Bát Xát tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền triển khai đồng bộ các giải pháp về: Giúp hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình thông qua vay vốn, tạo việc làm, hỗ trợ cây giống, con giống… Đặc biệt, các Đề án số 01, 02, 07 của BCH Đảng bộ huyện về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững được triển khai đồng bộ đã tạo chuyển biến tích cực trong chủ trương xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên theo đánh giá, tỷ lệ giảm nghèo của Bát Xát không đều do có độ vênh khá lớn giữa các xã vùng thấp và vùng cao.
Hiện Bát Xát vẫn còn 5 xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo chiếm từ 60 đến trên 70%, gồm: Trung Lèng Hồ trên 60%; Tòng Sành trên 62%, Y Tý trên 65%, Pa Cheo gần 69% và Dền Thàng là trên 70%. Đây được xem là thách thức lớn đối với tác công giảm nghèo ở Bát Xát trong giai đoạn tới bởi đặc thù địa hình và tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã này chiếm trên từ 90% trở lên, nhận thức của nhiều bà con về phát triển kinh tế còn chưa cao.
Năm 2018, UBND huyện Bát Xát đã chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 theo đúng kế hoạch đề ra. Các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã chủ động triển khai các giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch được giao. Kinh tế của huyện tiếp tục duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng tồng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân năm 2018 đạt 14,77%, tăng 1,86% so với cùng kỳ (CK). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các ngành đều đạt và vượt chỉ tiêu so với cùng kỳ.
Sản xuất nông, lâm nghiệp có nhiều bước tiến mới, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển theo hướng quy mô và chất lượng, có sự liên kết giữa doanh nghiệp và Nhân dân bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao; Cụ thể: toàn huyện triển khai sản xuất được 99 ha diện tích trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao và một phần công nghệ cao, trong đó mở rộng 40 ha tại các xã Trịnh Tường, Y Tý, Quang Kim, Pa Cheo… đạt 116,5% KH, bằng 144,53% so CK. Tổng diện tích cây vụ đông thực hiện được 1.790ha, đạt 100 %KH, bằng 103,2% so với cùng kỳ. Vụ đông năm 2018 – 2019, toàn huyện thực hiện 1.800 ha, tiếp tục duy trì một số cây trồng thế mạnh như: Khoai lang Nhật, cây dược liệu, rau các loại, đậu hà lan… Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2018 ước đạt 46.926 tấn, đạt 104,9% KH và 106,7 % so CK; Tổng diện tích lúa cả năm đạt 5.009 ha; một số cây trồng khác như: Ngô, đậu tương, lạc, Lê VH 6, chè, cây chuối…đều được tập chung thực hiện và đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Bát Xát cũng chỉ ra những khó khăn hạn chế ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xóa đói giảm nghèo như: Thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai bão lũ thường xuyên xảy ra ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của Nhân dân và hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện. Các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao còn ít và quy mô nhỏ; Chi tiêu xây dựng thôn NTM đạt thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao….
Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, năm 2019 Bát Xát sẽ chủ động xây dựng kế hoạch hành động, phát triển nội lực địa phương, tiếp tục đẩy mạnh phát triển KT – XH thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bát Xát khóa XXII.
Phượng Long