BVR&MT – Trong thời gian gần đây, phân khúc nhà ở xã hội đã “tạo sóng” mới khi nhiều “ông lớn” trong ngành địa ốc, bất động sản liên tục công bố tham gia thị trường này.
Từ cuối năm 2022 đến nay, với sự nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, nhất là việc thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP về “Một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững,” thị trường này đã có những tín hiệu chuyển biến tích cực.
Đáng chú ý, sau một thời gian dài “ngủ đông,” một số dự án nhà ở xã hội đã và đang được triển khai. Đây cũng là phân khúc nhà ở được dự báo sẽ “chiếm sóng” trong thời gian tới khi có thêm nhiều doanh nghiệp lớn tham gia vào “đường đua” này.
Quyết liệt gỡ khó
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, công điện chỉ đạo, với các giải pháp rất quyết liệt.
Về thể chế chính sách, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội khóa XV các dự thảo luật quan trọng như: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Đấu thầu.
Đi kèm với đó là hàng loạt các nghị quyết, nổi bật là Nghị quyết 33/NQ-CP. Kể từ khi nghị quyết được ban hành, các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu ban hành, sửa đổi nhiều thông tư hướng dẫn như: Thông tư 03/2023/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Về phía Bộ Xây dựng, cơ quan này cũng đã tháo gỡ nhiều vướng mắc liên quan đến các Nghị định 100/NĐ-CP/2015; Nghị định 49/NĐ-CP/2021; đề xuất các chính sách về nhà ở có hiệu lực sớm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án nhà ở xã hội.
Đặc biệt, các tỉnh, thành phố đã thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác đặc biệt để chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; qua đó phân loại dự án, đánh giá lý do, nguyên nhân chậm triển khai và tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc.
“Đến nay, cơ bản các khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, pháp luật liên quan đến việc đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành, đã được tháo gỡ,” ông Sính nhấn mạnh.
Góp sức vực dậy thị trường bất động sản, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã 4 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động. Nhiều ngân hàng thương mại theo đó đã giảm từ 0,5-2% lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn, tạo đà giảm cho lãi suất vay trong thời gian tới, hỗ trợ tích cực cho thị trường bất động sản.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, những động thái trên đã giúp kích thích dòng tiền đổ vào thị trường bất động sản. Hạ lãi suất sẽ khiến chi phí vay thấp, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lớn, nhỏ lẻ và cả người dân có nhu cầu mua nhà ở có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cũng nhận định thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất về tài chính, nhất là trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, giao dịch bất động sản. Hiện thị trường này đang vào giai đoạn phát triển mới.
“Thực tế cho thấy thị trường bất động sản dần phục hồi từ tháng 5/2023 đến nay; quý II tốt hơn quý I (tăng 7 điểm % về lượng giao dịch bất động sản nhà ở). Các khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy hiện nay khoảng 76%,” ông Lực nhấn mạnh.
Nhà ở xã hội dự báo “chiếm sóng”
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, phân khúc nhà ở xã hội đã “tạo sóng” mới khi nhiều “ông lớn” trong ngành địa ốc, bất động sản liên tục công bố tham gia thị trường này.
Thậm chí, một tập đoàn đã đặt ra mục tiêu xây dựng khoảng 500.000 căn nhà ở xã hội trong 5 năm tới với kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, khắc phục tình trạng mất cân bằng giữa các phân khúc bất động sản.
Mới đây, đại diện Kim Oanh Group cho biết trong giai đoạn 2023 – 2028, doanh nghiệp này đặt mục tiêu phát triển 26 dự án bất động sản, trong đó có tới 23 dự án nhà ở xã hội và 3 dự án nhà ở thu nhập thấp với tổng cộng khoảng 40.000 sản phẩm.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, trong 7 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 10 dự án với tổng số khoảng 19.853 căn. Trong đó, nhà ở xã hội là 7 dự án có quy mô 8.815 căn, còn nhà ở cho công nhân là 3 dự án quy mô 11.038 căn.
Đã có 11 ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Nhiều địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai thực hiện hàng loạt các giải pháp liên quan đến nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người mua nhà tiếp cận vốn vay.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, việc phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà cho thuê, nhà ở công nhân là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng.
“Vì vậy, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, sửa chữa chung cư, việc triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng,” ông Sinh nói.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp các vướng mắc của địa phương phản ánh, cũng như tổng hợp, báo cáo các nội dung đánh giá về diễn biến giá vật liệu xây dựng, giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội để kịp thời có phương án xử lý./.