Bất cập trong chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam

BVR&MT – Đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng bậc nhất trong sinh kế của người nông dân, chính sách đất đai giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết đói nghèo ở vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách và pháp luật về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta đang gặp rất nhiều bất cập, trở thành nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự bất ổn kéo dài. Đây cũng là một trong những nội dung chính xuyên suốt tại Hội thảo Chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam – Một số tồn tại, hạn chế và những khuyến nghị được tổ chức vào chiều 05/ 11 do Hội đồng Dân tộc và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam diễn ra tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội nghị.

Những tồn tại, bất cập chồng chéo

Chủ trì hội nghị có sự tham gia của ông Y Thanh Hà Niê Kđăm (Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội), ông Phan Xuân Dũng (Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam) và một số chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực lâm nghiệp. Mở đầu chương trình, ông Triệu Văn Bình, đại diện cho Hội đồng Dân tộc đã nhấn mạnh về vai trò của đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ông cho rằng, cộng đồng DTTS sinh sống gắn với rừng từ ngàn đời, có những bản sắc văn hóa và phong tục tập quán riêng, theo từng vùng. Đồng bào DTTS là những người sinh ra từ rừng, “rừng là cha, đất là mẹ, đất và rừng nuôi người, sống rừng nuôi, chết rừng chôn”. Với vai trò quan trọng của đất đai đối với đời sống các DTTS, Nghị quyết 24/ NQ – TW năm 2003 về công tác dân tộc đã thể hiện rõ chủ trương định hướng và những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống, phát triển kinh tế – xã hội cho khu vực miền núi, trong đó có vấn đề giải quyết đất ở, đất sản xuất… Các chính sách, điều luật, quy định đã tạo hành lang pháp lý quan trọng giải quyết chính sách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nói riêng và 25 triệu dân nông thôn miền núi nói chung, với mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở.

Theo báo cáo của Ủy ban dân tộc, trong giai đoạn từ 2003 – 2016, các chính sách về đất ở, đất sản xuất đã hỗ trợ đất cho 93.664 hộ, đất sản xuất cho 107.827 hộ (Dự thảo Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030 của Ủy ban Dân tộc). Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng, giải quyết hàng trăm ngàn hộ đồng bào dân tộc nghèo, không có đất ở, thiếu tư liệu sản xuất…

Tuy nhiên, ông Bình cũng đã đưa ra những hạn chế đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm như: Tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai còn diễn biến khá phức tạp. Hiện nay, tồn tại sự bất cập trong công tác quản lý đất rừng và tình trạng thiếu đất sản xuất của nhiều hộ gia đình nên việc lấn chiếm, tranh chấp giữa các hộ cá nhân với nhau; giữa các hộ cá nhân với nông trường, lâm trường… còn đang diễn ra. Cả nước hiện có khoảng 171. 423 ha đất rừng đang bị lấn chiếm, 57.869 ha đang có tranh chấp. 5 tỉnh Tây Nguyên còn khoảng 52.940 hộ thiếu đất sản xuất với diện tích khoảng 24.075 ha. Vấn đề di cư tự phát, nhà ở tạm bợ, thiếu đất ở, sản xuất, nước sinh hoạt… chưa được giải quyết hiệu quả, thấu đáo.

Trước những tồn tại, hạn chế về chính sách đất đai cho đồng bào DTTS, Tiến sĩ Phạm Xuân Phương, chuyên gia về lĩnh vực lâm nghiệp cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm, chỉ ra những bất cập giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp.

Ông Phạm Xuân Phương, chuyên gia lâm nghiệp trình bày tham luận.

Bất cập thứ nhất được thể hiện ở khái niệm về “đất rừng” và “đất lâm nghiệp”. Luật Đất đai sử dụng cụm từ “đất rừng” nhưng không có phần giải thích từ ngữ về “đất rừng” là gì? Cụm từ “đất lâm nghiệp” không được đề cập trong Luật Đất đai nhưng trong thông tư 28, quy định đất lâm nghiệp gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất. Tuy nhiên, theo Luật Lâm nghiệp, “đất lâm nghiệp” không những chỉ bao gồm đất rừng mà còn bao gồm cả đất xây dựng và các cơ sở chế biến lâm sản… Dẫn đến số liệu khác nhau về đất rừng (đất lâm nghiệp). Hay khái niệm về “đất tín ngưỡng”, “rừng tín ngưỡng”. Theo Luật Lâm nghiệp (Điều 4), Nhà nước đảm bảo cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được thực hành văn hóa, tín ngưỡng với rừng… trong khi đó, theo Luật Đất đai, khái niệm đất tín ngưỡng và chế độ sử dụng đất tín ngưỡng lại gắn với công trình tín ngưỡng không gắn với sinh kế của người dân và cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng…

Vấn đề bất cập thứ hai là phân loại đất, phân loại rừng. Luật Lâm nghiệp quy định rừng tín ngưỡng thuộc khu bảo vệ cảnh quan (rừng đặc dụng), trong khi đó, Luật Đất đai quy định đất tín ngưỡng thuộc đất phi nông nghiệp. Luật Lâm nghiệp quy định khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học, vườn thực vật quốc gia, rừng giống quốc gia thuộc rừng đặc dụng, trong khi đó, Luật Đất đai quy định các loại đất này cũng thuộc đất phi nông nghiệp.

Mâu thuẫn thứ ba cũng được ông Bình bày tỏ, đó là, bất cập về giao đất, giao rừng thể hiện ở 3 khía cạnh:

  • Cho thuê đất, cho thuê rừng: Luật Đất đai (Điều 135) quy định Nhà nước cho thuê đất rừng sản xuất là rừng trồng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trong khi đó Luật lâm nghiệp không có quy định cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuê rừng sản xuất. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn thực hiện dự án đầu tư trồng rừng thì phải đăng ký thành lập doanh nghiệp để được Nhà nước giao đất trồng rừng. Thứ hai, nhắc đến việc chuyển đổi giữa các loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất), Luật lâm nghiệp (Điều 18) quy định, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển loại đất rừng đối với khu rừng do TTCP thành lập; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định chuyển loại rừng còn lại sau khi được HĐND cùng cấp quyết định chủ trương chuyển loại rừng, trong khi đó, Luật đất đai không có quy định về chuyển đổi giữa các loại đất rừng.
  • Đối tượng giao đất, giao rừng: Luật Đất đai (Điều 137) quy định Nhà nước giao đất rừng đặc dụng cho tổ chức quản lý rừng đặc dụng, trong khi đó, Luật lâm nghiệp mở rộng đối tượng được giao rừng, không chỉ giao rừng cho tổ chức mà còn giao rừng tín ngưỡng cho cộng đồng dân cư. Luật đất đai (Điều 136) quy định Nhà nước giao đất rừng phòng hộ cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, Luật lâm nghiệp quy định Nhà nước chỉ giao cho tổ chức kinh tế đối với rừng phòng hộ xen kẽ trong diện tích rừng sản xuất của tổ chức đó…
  • Đối tượng cho thuê đất rừng đặc dụng, cho thuê rừng đặc dụng: Luật Đất đai (Điều 137) quy định UBND cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng đặc dụng, trong khi đó, Luật lâm nghiệp không quy định cho tổ chức kinh tế thuê rừng đặc dụng, tổ chức kinh tế có thể ký hợp đồng thuê môi trường rừng đặc dụng với ban quản lý rừng đặc dụng để kinh doanh du lịch sinh thái (không hình thành pháp nhân). Bên cạnh đó, đối tượng cho thuê đất rừng phòng hộ, cho thuê rừng phòng hộ, theo luật Đất đai (Điều 137) quy định UBND cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ, trong khi đó, Luật lâm nghiệp không quy định cho tổ chức kinh tế thuê rừng phòng hộ, tổ chức kinh tế thuê rừng phòng hộ, tổ chức kinh tế có thể ký hợp đồng thuê môi trường rừng phòng hộ với Ban quản lý rừng phòng hộ để kinh doanh du lịch sinh thái (không hình thành pháp nhân).

Bất cập thứ 4 mà ông Bình nếu lên đó vấn đề xoay quanh việc chuyển loại đất, rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng. Trong đó bao gồm việc chuyển đổi giữa các loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) và thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất, rừng…

Thêm nữa, quyền của người sử dụng đất, của chủ rừng không chưa được thể hiện rõ ràng. Theo Luật Đất đai (Điêu 174) quy định tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất rừng thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trong khi đó Luật Lâm nghiệp (Điều 79) quy định tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê rừng sản xuất không có quyền chuyển nhượng rừng đối với cả rừng tự nhiên, rừng trồng và không phân biệt trả tiền một lần cho cả thời gian thuê hay trả tiền thuê rừng hàng năm. Luật Đất đai (Điều 179) quy định hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất trong hạn mức có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất rừng, trong khi đó, Luật Lâm nghiệp quy định hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao rừng phòng hộ không được quyền cho thuê rừng, không được chuyển nhượng rừng.

Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Bá Ngãi, Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam cũng cho biết: Nhà nước không có chính sách về vay vốn hay chính sách đầu tư cho chủ rừng là cộng đồng dân tộc thiểu số đầu tư vào phát triển rừng cộng đồng, khai thác và chế biến. Nhà nước chưa xây dựng chính sách khuyến khích để cộng đồng dân tộc thiểu số nhận rừng nghèo, rừng ở nơi xa, khó khăn trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cả nước còn trên 2,9 triệu ha rừng chưa có chủ. Tiến độ giao đất rừng và giao rừng rất chậm do đến năm 2019 chưa đồng bộ thủ tục về giao đất và giao rừng, đến nay một số điểm đã được khắc phục tại NĐ 156/ 2018/ NĐ – CP nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Thống kê, kiểm kê, theo dõi và cập nhật chưa đầy đủ và rất hạn chế, chưa đồng bộ 2 hệ thống dữ liệu đất rừng và rừng.

Để làm rõ hơn, Tiến sĩ Hoàng Xuân Lương cũng nhận định, nguyên nhân đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất là do nghèo đói nên đã chuyển nhượng, cầm cố đất đai và không có khả năng mua, chuộc lại; lại do bị thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, việc rà soát, sắp xếp đất đai do các nông, lâm trường, công ty nông – lâm nghiệp, ban quản lý rừng sử dụng còn chậm và không hiệu quả. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương quản lý đất đai chưa tốt, còn buông lỏng…Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn có tập quán du canh du cư chưa quan tâm đến việc đăng ký, xác lập quyền sử dụng đất nên dễ dẫn đến tình trạng lấn, chiếm, tranh chấp làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu đất sản xuất.

Chính vì những thực trạng trên, nên khi phê duyệt chương trình tổng thể phát triển kinh tế – xã hội bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Quốc hội đã quyết định xây dựng 10 dự án trọng điểm. Trong đó, có dự án tập trung giải quyết đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt với mục tiêu đến năm 2025, cơ bản giải quyết xong vấn đề thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS.

Khuyến nghị…

Để giải quyết những vấn đề thiếu đất sản xuất, đảm bảo quyền sinh kế cho đồng bào dân tộc thiếu số, các chuyên gia đều đồng tình đưa ra một số khuyến nghị như:

Thứ nhất, xác định rõ hơn mục tiêu giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS không phải chỉ có đất, mà là tạo sinh kế bền vững, nơi còn quỹ đất thì có chính sách đủ nguồn lực để thu hồi cấp cho đồng bào, những nơi không còn quỹ đất thì tập trung chuyển đổi nghề, miễn sao có thu nhập ổn định, tạo sinh kế bền vững.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến quyền tiếp cận đất đai của đồng bào DTTS: Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đất đai về việc giao đất rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng sản xuất cho đồng bào, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Lâm nghiệp, quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tại vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như về mặt bằng sản xuất, kinh doanh được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, được quỹ hỗ trợ đầu tư xem xét cho vay tín dụng trung và dài hạn.

Thứ ba, thực hiện hiệu quả việc tạo quỹ đất phục vụ việc hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS.

Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ để đồng bào quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ đất sản xuất đã giao, có giải pháp quản lý theo cộng đồng, không cho chuyển nhượng. Nâng cao năng lực hiểu biết cho đồng bào DTTS, kết nối tiếp cận thị trường, sử dụng công nghệ số trong quản trị rừng, gỗ. Song bên cạnh đó, nên thúc đẩy mô hình quản lý rừng bền vững, quản trị gỗ bền vững, tham gia chuỗi giá trị thương mại lâm sản gỗ, tham khảo các mô hình hợp tác xã lâm nghiệp, liên kết cộng đồng quản trị tốt…

Quỳnh Anh