Bảo vệ hệ sinh thái trên bán đảo Sơn Trà

BVR&MT – Vừa qua, các nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên về hệ sinh thái trên bán đảo Sơn Trà đã phát hiện, gỡ bẫy cứu thành công một cá thể chồn bạc. Bên cạnh đó, họ còn thấy một cá thể khỉ bị bẫy kẹp vào chân mà không thể cứu được… Những hình ảnh này làm dấy lên sự bất bình của dư luận bởi sự ngang nhiên xem thường pháp luật và vấn nạn tận diệt thú rừng đã quay trở lại sau thời gian tạm lắng vì đại dịch Covid-19.

Vọoc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà. (Ảnh: Đặng Thu Thuỷ)

Theo báo cáo mới nhất của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), trong ba tháng đầu năm 2023, lực lượng kiểm lâm triển khai 74 đợt tuần tra, phát hiện hơn 380 bẫy thú các loại.

Qua kiểm tra phát hiện, xử lý lập biên bản hai đối tượng, phạt hành chính 18 triệu đồng và trả về tự nhiên ba cá thể động vật hoang dã (gồm một rùa sa nhân, một khỉ vàng, một sóc bụng đỏ). Số bẫy thú được phát hiện lần này tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2022 với 32 loại bẫy thú được phát hiện.

Còn nhớ, ngày 15/11/2019, thành phố Đà Nẵng cho phép các đơn vị chức năng tổ chức thí điểm quản lý người dân và du khách tham quan bán đảo Sơn Trà bằng cách cấp thẻ và giới hạn loại phương tiện, khung giờ tham quan. Theo đó, hoạt động du lịch, dã ngoại cho du khách giới hạn trong khung giờ từ 7 giờ 30 phút đến 19 giờ hằng ngày. Tất cả những ai lên xuống bán đảo Sơn Trà đều phải được cấp phát thẻ.

Trong đó, thẻ vàng có thời hạn dài ngày được cấp cho các hộ dân có hoạt động trồng rừng, nhiếp ảnh gia, nghiên cứu sinh, nghiên cứu khoa học. Đối với khách du lịch sẽ được phát thẻ xanh ngắn hạn trong ngày.

Về mặt lưu thông, chỉ cho phương tiện di chuyển một chiều theo hướng từ đỉnh Bàn Cờ-Bãi Bắc khi đổ dốc từ đỉnh Bàn Cờ; cấm xe tay ga và ô-tô hơn 24 chỗ ngồi lên xuống bán đảo, với những du khách đi bằng phương tiện này sẽ có xe trung chuyển phục vụ.

Để thực hiện việc thí điểm này, cơ quan chức năng đã lắp đặt bảng cắm mốc với nội dung: “Cấm xe máy sử dụng hộp số tự động (xe tay ga) lưu thông trên đường lên bán đảo Sơn Trà”. Thời gian thực hiện thí điểm trong ba tháng, từ ngày 15/11/2019 đến ngày 15/2/2020.

Đến nay, các cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng chưa tổng kết việc thí điểm này, đồng nghĩa với việc kiểm soát người lên bán đảo Sơn Trà vẫn được tiếp tục triển khai.

Bảo vệ hệ sinh thái trên bán đảo Sơn Trà không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà mỗi một cá nhân khi đã đặt chân lên bán đảo đều phải ý thức được trách nhiệm với rừng. Thời gian qua, rất nhiều cá nhân, tổ chức đã tình nguyện nhặt rác làm sạch Sơn Trà; rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh, những người yêu vọoc chà vá chân nâu vẫn ngày ngày lên núi – họ, như những người thầm lặng phát hiện, cứu sống nhiều cá thể động vật hoang dã bị dính bẫy thú hoang.

Báo động tình trạng đặt bẫy thú hoang trên bán đảo Sơn Trà, vừa qua, lực lượng kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn một lần nữa gửi thông điệp kêu gọi người dân hãy chung tay bảo vệ hệ sinh thái trên bán đảo Sơn Trà, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi săn bắt, đặt bẫy thú rừng tại bán đảo này.

Bán đảo Sơn Trà được ví là lõi xanh đặc biệt trong lòng thành phố Đà Nẵng, nhưng đã và đang bị tác động rất lớn bởi áp lực phát triển kinh tế, việc săn bắt, sử dụng trái phép động vật hoang dã và biến đổi khí hậu.

Nói không với việc săn bắt, đặt bẫy động vật hoang dã, không chỉ dừng lại ở lời nói, mà phải bằng hành động, để góp phần xây dựng tương lai xanh cho thế hệ sau.

Bảo vệ hệ sinh thái trên bán đảo Sơn Trà không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà mỗi một cá nhân khi đã đặt chân lên bán đảo đều phải ý thức được trách nhiệm với rừng.
NGUỒNnhandan.vn
Tags:
CHIA SẺ