Bảo vệ động vật hoang dã từ quan điểm bảo tồn

BVR&MT – Từ năm 2016 đến 2019, Việt Nam đã bắt giữ trên 25 tấn ngà voi, 30 tấn vảy tê tê và 400 kg sừng tê giác. Đến nay đã có nhiều “luồng” buôn lậu các mẫu vật có nguồn gốc từ châu Phi đã bị bắt giữ tại Việt Nam.

Áp phích tuyên truyền nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp.

Cung đường “nóng”

Nhìn nhận về tình trạng săn bắt, buôn bán, sử dụng, tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) bất hợp pháp, ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh: Tình trạng săn bắt, buôn bán, sử dụng, tiêu thụ ĐVHD bất hợp pháp vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, đặc biệt là tình trạng gian lận nguồn gốc, trà trộn ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp từ tự nhiên với ĐVHD gây nuôi sinh sản hợp pháp để buôn bán. Tình trạng này khiến nhiều loài ĐVHD ngoài tự nhiên có nguy cơ tuyệt chủng, gây ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và hiệu lực thực thi pháp luật.
Hiện nay các cơ quan thực thi pháp luật đang gặp vướng mắc là việc xác định giá trị tang vật vi phạm. Trong khi đó, các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm bị cấm (nhóm IB) lưu hành trên thị trường nên không có giá thị trường. Do đó việc định giá tang vật vi phạm theo quy định tại Khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính gặp vướng mắc khi không có căn cứ để xác định giá trị.
Trên thực tế, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, được các đối tượng buôn bán bất hợp pháp ĐVHD chọn là điểm trung chuyển để tiêu thụ sản phẩm ĐVHD bất hợp pháp ở lãnh thổ khác. Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), hồ sơ các vụ bắt giữ buôn bán ngà voi, tê giác, tê tê cho thấy hàng hoá thường xuất phát từ các nước châu Phi, đi qua các nước Trung Đông hoặc châu Âu, tới Hong Kong, Singapore, Malaysia, Thái Lan, hoặc Việt Nam, sau đó mới đến nước tiêu thụ cuối cùng.
Theo nhìn nhận của ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, luồng vận chuyển ĐVHD bất hợp pháp đi qua Việt Nam có lúc rất nóng nhưng nhìn chung các lực lượng chức năng của nước ta kiểm soát chặt chẽ.
Theo thống kê của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, từ 2015 đến 2019, Việt Nam đã bắt giữ trên 36 tấn ngà voi, 37 tấn vảy tê tê và 600 kg sừng tê giác. Riêng năm 2019, các lực ượng chức năng đã bắt giữ 7 vụ vận chuyển ngà voi với khối lượng trên 13 tấn, 5 vụ vận chuyển vảy tê tê với khối lượng trên 14 tấn và 4 vụ buôn bán sừng tê giác với khối lượng 147 kg. Điển hình như vụ bắt giữ 9 tấn ngà voi ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng tháng 3/2019 hay vụ bắt giữ 1,7 tấn vảy tê tê và 330 kg ngà voi ở Hải Phòng tháng 12/2019.
Từ ngày 1/1/2018 đến 31/5/2019, các cơ quan thực thi pháp luật, truy tố, xét xử trên cả nước ta đã khởi tố 195 vụ án về tội “vi phạm các quy định bảo vệ ĐVHD”, khởi tố 248 đối tượng. Toà các cấp đưa ra xét xử 106 vụ, 138 bị cáo.
Bảo vệ từ quan điểm bảo tồn
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, Việt Nam từng bị một số tổ chức quốc tế nhìn nhận là một “điểm trung chuyển” trong chuỗi buôn bán ĐVHD, nhất là đối với các loài hổ, gấu, tê giác.
Tuy nhiên với nỗ lực từ việc hoàn thiện thể chế, chính sách đến thực hiện đồng bộ các giải pháp của Việt Nam, việc ngăn chặn đường dây buôn bán xuyên quốc gia ĐVHD bất hợp pháp đã phát huy hiệu quả. Việt Nam đã từng bước ngăn chặn từ xa hoặc cắt đứt tại chỗ các luồng buôn bán bất hợp pháp, tạo được chuyển biến rõ nét, giảm cả về số lượng và quy mô của các điểm nóng.
Tạo sự chuyển biến này không phải là câu chuyện một sớm một chiều bởi theo nhìn nhận của lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) về phương diện quốc tế, các nước tiêu thụ, trung chuyển và quốc gia có nguồn cung chưa thực sự hợp tác chặt chẽ và kịp thời, trong khi thủ đoạn của tội phạm ĐVHD ngày một tinh vi. Hiện còn thiếu các cơ chế tương trợ tư pháp giữa các nước. Hệ thống pháp luật của các quốc gia về ĐVHD cũng khác nhau, nên có ứng xử khác nhau đối với cùng tình huống.
Về phương diện trong nước, tính hệ thống của các văn bản pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ ĐVHD của Việt Nam chưa cao, một số quy định chưa đủ chi tiết hoặc trùng lặp. Một trong những bất cập đáng chú ý là ở khâu thực thi pháp luật, như: Dự báo hành trình các luồng di chuyển ĐVHD bất hợp pháp chưa đáp ứng tốt yêu cầu; công tác tuyên truyền, vận động, dân vận chưa đúng mức; trang bị kỹ thuật, kỹ năng nhận dạng mẫu vật còn hạn chế; một số tụ điểm buôn bán bất hợp pháp ĐVHD còn tồn tại; điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ĐVHD còn chậm;…
Ông Phạm Văn Điển nhìn nhận: Về cơ bản, việc phối hợp liên ngành là tốt, dựa trên tinh thần trách nhiệm cao. Điều này được thể hiện qua nhiều vụ bắt giữ, xử lý vi phạm về ĐVHD đều có sự tham gia của các lực lượng liên ngành. “Tuy nhiên, việc chia sẻ thông tin giữa các ngành chưa thực sự nhịp nhàng; có sự chồng chéo nhất định về chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, ngành; quan điểm, mức độ ưu tiên trong việc xử lý loại hình vi phạm này có khi còn khác nhau”, ông Điển nhấn mạnh.
Trên thực tế, Việt Nam đã thực hiện bảo tồn bằng cách ngăn chặn buôn bán, săn bắn trái phép ĐVHD nhưng cũng đã có những biện pháp duy trì các loài đã gây nuôi thành công. Nhìn nhận về quan điểm “Cấm tuyệt đối kinh doanh tiêu thụ sử dụng các loài hoang dã”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng cần phải rất thận trọng, vì hiện có nhiều loài hoang dã chúng ta đã gây nuôi thành công. Bản thân Công ước CITES cũng cho phép buôn bán trong điều kiện kiểm soát chặt chẽ, ví dụ đối với cá sấu, ba ba, hươu, nai…
Thứ trưởng Hà Công Tuấn thông tin thêm: “Để tăng cường quản lý ĐVHD, theo đúng quy định pháp luật và tôn chỉ của bảo tồn, Bộ NN&PTNT đã trình với Thủ tướng và sẽ ban hành trong thời gian tới một chỉ thị xác định rõ việc cương quyết đấu tranh với các hành vi buôn bán, săn bắt ĐVHD tự nhiên”.