Bảo vệ đa dạng sinh học vùng đệm của khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi chúa và Vườn quốc gia Bạch Mã kết hợp với bảo tồn văn hóa của đồng bảo dân tộc cơtu hướng tới phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Hòa Bắc

BVR&MT – Hòa Bắc là một xã miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của huyện Hòa Vang, cách trung tâm huyện khoảng 24 km và cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 40 km. Đây là vùng đệm nằm giữa 02 khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) là Vườn quốc gia Bạch Mã và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa nên có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) ở Việt Nam.

1. Bối cảnh và vấn đề

Xã Hòa Bắc có tổng số 07 thôn nằm dọc ven sông Cu Đê, trong đó có 3 thôn chạy ven dọc sườn núi, giáp với huyện Phú Lộc và 04 thôn chạy dọc đường ĐT 602. Dân số của xã là 3.758 người, mật độ dân số 06 người/km2. Tổng diện tích tự nhiên 33.846 ha, trong đó diện tích rừng chiếm đến 96,5%. Đất sản xuất nông nghiệp là 312 ha, chiếm tỷ lệ 1,13%; đất lâm nghiệp 33.000 ha (Rừng tự nhiên và rừng trồng); đất nuôi trồng thủy sản 02 ha, chiếm tỷ lệ 0,03% và đất phi nông nghiệp 319,5 ha, chiếm tỷ lệ 9,4%.

Là một xã miền núi, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn nên xã đang chú trọng việc phát triển kinh tế theo hướng lâm nghiệp bao gồm cấp sổ đỏ – giao đất sản xuất cho nhân dân, và nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, chính quyền xã đang tích cực trong công tác bảo tồn ĐDSH, tài nguyên thiên nhiên ở địa phương, gắn việc bảo tồn ĐDSH với vai trò quản lý của cộng đồng địa phương. Đặc biệt, trên địa bàn xã có 2 thôn (Tà Lang và Giàn Bí) đồng bào dân tộc thiểu số người Cơ Tu sinh sống gồm 243 hộ với 822 nhân khẩu. Tỷ lệ nam/nữ đối với số người nằm trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 60%, tỷ lệ hộ nghèo khoảng 40%. Sinh kế chủ yếu là từ lâm nghiệp, mỗi hộ được cấp trung bình 3 ha rừng sản xuất, thời gian thu hoạch 5 năm. Nhưng, ở đây thường xuyên xảy ra các thiên tai, gây thiệt hại rất nghiêm trọng. Trên địa bàn có một số hộ chăn nuôi bò, heo, trâu với số lượng 1-10 con/ hộ, chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ, thiếu thị trường đầu ra cho sản phẩm và giá cả không ổn định. Trong 02 thôn có khoảng 30-50 thanh niên trong thôn làm công nhân ở các khu công nghiệp; làm công cho chủ rừng keo với với thu nhập cho nam là 170.000VNĐ/ngày và nữ 140.000VNĐ/ngày; hái mây với tiền công 4.000VNĐ/kg; những công việc trên chỉ có tính mùa vụ, không ổn định, tiền công thấp, không đảm bảo nhu cầu cần thiết cho đời sống hàng ngày. Bên cạnh đó, phụ nữ ở 02 thôn chỉ có 20 hộ kinh doanh dịch vụ, còn lại ở nhà trông con, không có công việc ổn định.

Thực trạng đó đã làm phát sinh các áp lực kinh tế – xã hội với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH và việc nâng cao nhận thức về bảo tồn, tạo ra nhiều khó khăn, thách thức tại khu vực vùng đệm. Những hoạt động bảo vệ rừng trong khu vực như sau: Diện tích do Ban quản lý Rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa quản lý là: 26.751,3 ha. Năm 2015 thực hiện kiểm tra 190 đợt phát triển diện tích rừng bị lấn chiếm là 0,85 ha, thu 572 bẫy động vật hoang dã. Tiêu hủy số lượng lâm sản gỗ là: 5.923m3, phá hủy 37 lán trại và đuổi khỏi khu vực bảo vệ 39 lượt người. Bàn giao Hạt kiểm lâm 3 máy cưa. Điều đó cho thấy áp lực đối với bảo tồn và bảo vệ rừng ngày càng lớn nếu không có biện pháp hữu hiệu trong việc quản lý, vận động cộng đồng tham gia đồng quản lý tài nguyên và bảo tồn ĐDSH trong khu vực.

Các vấn đề dự án hướng tới giải quyết

(1) ĐDSH ngày càng bị suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là tại các khu vực vùng đệm của các khu bảo tồn thiên nhiên, nơi có các áp lực cao về mặt kinh tế – xã hội đối với việc quản lý bền vững tài nguyên và bảo tồn. So với 10 năm trở lại, thì số lượng động vật ở KBTTN Bà Nà – Núi Chúa đã giảm đến 16 loài, tăng số lượng các loài cần bảo vệ lên 5 loài.

(2) Người dân tại khu vực vùng đệm chủ yếu là đồng bào dân thiểu số với nguồn thu nhập thu nông nghiệp hạn chế và sinh kế không bền vững. Việc này tạo ra nhiều áp lực cho việc quản lý tài nguyên và bảo ĐDSH. Mặt khác nhận thức của họ về bảo tồn có hạn chế. Điều đó tạo ra thách thức kép cho công tác bảo tồn. Hiện nay tỷ lệ nghèo của xã và 2 thôn vẫn cao là 40%.

(3) Các cộng đồng địa phương là các chủ thể có truyền thống và có vai trò quan trọng trong việc quản lý tài nguyên và bảo tồn ĐDSH. Tuy nhiên, với nhiều nguyên nhân khác nhau, họ chưa có động lực và chưa được tham gia trực tiếp vào những hoạt động bảo tồn. Vì vậy, việc tạo ra cho họ sinh kế mới từ tiềm năng và thế mạnh hiện có nhằm tăng cường vai trò của cộng đồng và giảm áp lực đối với tài nguyên vào bảo tồn ĐDSH có ý nghĩa kép và hết sức quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề nêu trên.

(4) Chính quyền địa phương các cấp nhận thức được vấn đề nêu trên nhưng việc thực hiện các đề án, chương trình liên quan còn hạn chế do điều kiện kinh phí hạn chế. Mặt khác, chưa có sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan chính quyền, cộng đồng và các tổ chức liên quan nên chưa tạo ra được giải pháp giải quyết vấn đề cốt lõi của vấn đề bảo tồn ĐDSH và quản lý tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững.

2. Phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề

Phương pháp tiếp cận dự án dựa trên cơ sở có sự tham gia trực tiếp và quyết định của cộng đồng, chú trọng vào tăng cường, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương, nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, quản lý các hệ sinh thái, góp phần vào mục tiêu chung bảo tồn ĐDSH và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên.

3. Mục tiêu

4. Hoạt động

Bảo tồn ĐDSH và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên: Đây là dự án thí điểm nhằm hướng tới việc bảo tồn ĐDSH cũng như bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên bền vững của cộng đồng như: rừng, sông suối, các loài động vật và thực vật có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hoá cũng như sinh kế của người dân (thú rừng được quyền săn bắt của cộng đồng, cá niên, ốc đá, các loài thuỷ sinh, rau rừng và cây thuốc,…) là loài sinh vật đang ngày càng cạn kiệt do sự khai thác trái phép quá mức và chưa có biện pháp quản lý bảo vệ hữu hiệu.

Xóa đói giảm nghèo và tạo ra sinh kế bền vững: Việc xây dựng mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng trên cơ sở tiềm năng và thế mạnh địa phương là « phương pháp thông minh » cho việc xóa đói giảm nghèo và tạo ra sinh kế bền vững từ các hoạt động phi nông nghiệp cho cộng đồng địa phương.

Kết nối sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự với cộng đồng và Chính quyền: Triển khai dự án ngoài việc vận động được các tổ chức đoàn thể từ cấp cộng đồng đến cấp thành phố, còn có sự vào cuộc của chính quyền huyện Hòa Vang trong việc điều hành, chỉ đạo các hoạt động của dự án cũng như có vai trò kết nối và lồng ghép với các tổ chức, các chương trình liên quan trong việc thực hiện mục tiêu chung của Huyện về phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo và bảo tồn truyền thống văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số người Cơ Tu tại địa phương, và bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cho thành phố.

Tăng cường vai trò và sự tham gia của cộng đồng địa phương: Triển khai dự án này có dự tham gia ý kiến của cộng đồng cùng với người dân địa phương từ bước lập kế hoạch đến triển khai, giám sát và đánh giá. Bên cạnh đó, cộng đồng địa phương được chủ động và quyết định các hoạt động và vai trò của cộng đồng được phát huy mạnh mẽ hơn.


5. Kết quả đạt được

Qua thời gian 1 năm thực hiện, dự án đã đạt được một số kết quả bước đầu:

Hoạt động của dự án đã giúp cộng đồng thôn Tà Lang, Giàn Bí xác định được vai trò, giá trị chính của rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa và vùng đệm của khu bảo tồn đối với đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa của thôn, ngoài ra thông qua khóa tập huấn còn xác định được thực trạng và nhu cầu của cộng đồng thôn Tà Lang, Giàn Bí trong việc phối hợp với cơ quan chức năng để cùng quản lý, bảo vệ rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa và vùng đệm của khu bảo tồn; Người dân biết các quyền và vai trò của cộng đồng thôn Tà Lang, Giàn Bí trong công tác quản lý, bảo vệ rừng theo Luật pháp của Việt Nam và các Quyết định của thành phố Đà Nẵng. Cùng với các hoạt động nói trên 2 tổ quản lý rừng tại 2 thôn đã được thành lập và đi vào hoạt động.

Thông qua khóa tập huấn về cách sống, sinh hoạt hợp vệ sinh, cộng đồng 2 thôn đã học được cách sống, sinh hoạt hợp vệ sinh và có ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng nhằm tạo ra không gian tốt để thu hút khách tham quan.

Các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Cơ Tu gồm CLB Văn Nghệ, CLB ẩm thực truyền thống, CLB đan lát. Những câu lạc bộ này thành lập tạo ra một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhằm bảo tồn văn hóa Cơ Tu và tạo sinh kế cho người dân tại địa phương.

Dự án cũng đã hỗ trợ trang thiết bị cồng chiêng, trang phục truyền thống… cho cộng đồng tại 02 thôn nhằm duy trì bản sắc văn hóa người Cơ Tu. Các hoạt động nhằm bảo tồn văn hóa Cơ tu gồm có lễ hội “Ăn thề kết nghĩa” và “Mừng lúa mới” gắn với truyền thống và bảo tồn văn hóa dân tộc Cơ Tu (tổ chức trước 01 lễ hội, còn 01 lễ hội sẽ được tổ chức vào năm thứ 2 của Dự án) cũng được tổ chức với mức phí hỗ trợ 25.000.000đ đã cùng UBND huyện Hòa Vang thực hiện cho đồng bào Cơ Tu tại 03 thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và Phú Túc (xã Hòa Phú).

Nhóm chuyên gia của dự án cũng đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu tiềm năng du lịch tại 02 thôn với ý kiến góp ý của các chuyên gia và các bên liên quan từ các Sở ban ngành và UBND huyện, xã, cùng với Ban điều hành dự án được nghiệm thu vào cuối tháng 4/2017.

6. Tính bền vững của dự án

Bền vững về tổ chức

Dự án được triển khai theo lộ trình với sự tham gia của mạng lưới địa phương, cộng đồng dân cư, nhằm nâng cao vai trò tham gia và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp nhận, xem xét, lồng ghép các ý kiến, phản hồi, đề xuất của các bên liên quan đến dự án, bao gồm: cơ quan chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn. Dự án sẽ được sự chỉ đạo của các cấp chính quyền từ huyện, xã và cộng đồng sẽ là cơ sở cho việc triển khai các hoạt động một cách xuyên suốt và có thể lồng ghép vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Bền vững về tài chính

Sự đóng góp về tài chính của chính quyền địa phương cho thấy trách nhiệm tham gia và triển khai các hoạt động của dự án. Mặt khác, nguồn tài chính này sẽ đảm bảo sự hợp tác tốt từ phía cơ quan triển khai dự án và Quỹ Môi trường Toàn Cầu (GEF).

Bền vững về sinh kế

Dự án dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng, hệ sinh thái sẵn có và nguồn lực con người tại địa phương, nhằm phục vụ đời sống, tạo ra sinh kế lâu dài cho cộng đồng ngoài các hoạt động nông nghiệp. Đồng thời sẽ được duy trì và bảo tồn mang tính bền vững về mặt kinh tế cho cộng đồng.

Bền vững về chính sách

Môi trường chính sách của Chính phủ và Đà Nẵng cũng tạo điều kiện cho việc tiến hành các hoạt động dự án thông qua quyết định chọn Đà Nẵng là địa phương thí điểm trong cả nước trong “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020” và huyện Hòa Vang – là huyện ngoại thành, nông thôn duy nhất ở Đà Nẵng (không tính huyện đảo Hoàng Sa) triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020.

Bền vững về quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học

Dự án sẽ tạo ra một tác động tốt cho việc góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học địa phương bằng các hoạt động nâng cao nhận thức và các hỗ trợ nhỏ cho cộng đồng trực tiếp tham gia vào công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên thiên nhiên ở cộng đồng. Ngoài ra, việc xây dựng Hương ước bảo vệ rừng cộng đồng cho thấy sự đảm bảo trao quyền cho cộng đồng trong việc chung tay quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học địa phương.

Bền vững về tác động/kết quả của dự án

Sau khi kết thúc dự án, cộng đồng có thể tự duy trì hoạt đồng quản lý du lịch sinh thái và có thể trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp du lịch để thương lượng về mặt lợi ích kinh tế. Mặt khác, cộng đồng có thể tiếp nhận được các nguồn tài trợ khác của nhà nước trong các lĩnh vực: phát triển kinh tế, duy trì bản sắc văn hóa, phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường cộng đồng.

Hoàng Văn Long – Nguyễn Văn Vân (Viện KTXH Đà Nẵng, Hội nông dân huyện Hòa Vang)