Bảo tồn văn hóa giàu bản sắc của đồng bào dân tộc Thái đen

BVR&MT – Đồng bào dân tộc Thái đen huyện Than Uyên có nhiều phong tục, tập quán độc đáo. Cùng với ẩm thực, trang phục truyền thống hay những điệu khắp làm xao xuyến lòng người, Lễ hội Kin Pang là nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống của người Thái đen với nhiều hoạt động phong phú được bà con gìn giữ từ nhiều đời nay.

Độc đáo Lễ hội Kin Pang

Lễ hội Kin Pang có nhiều nghi lễ, trò diễn, điệu múa, phản ánh quan niệm tín ngưỡng, tư duy sáng tạo của người Thái đen ở Than Uyên. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Người Thái đen Than Uyên cư trú tập trung ở các xã Pha Mu, Mường Mít, Khoen On, Ta Gia, Tà Hừa và rải rác ở một số xã khác của huyện. Văn hóa truyền thống của người Thái đen nổi bật là khăn piêu, tục tằng cẩu và một số nét đặc trưng thể hiện qua kiến trúc nhà cửa, ẩm thực, tín ngưỡng và lễ hội dân gian.

Tháng 3 về, dòng sông Nậm Mu nước chảy hiền hòa, cánh đồng Mường Than một màu xanh mướt của lúa, trên cánh rừng những bông hoa bó mạ nở vàng rực, cũng là lúc người Thái đen ở Than Uyên tổ chức Lễ hội Kin Pang. Đây là một lễ hội độc đáo, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của cộng đồng. Người được cúng chữa khỏi bệnh sẽ trở thành con nuôi của thầy mo, tiếng Thái gọi là “lụ liệng”.

Cứ vài năm một lần, thầy mo tổ chức Lễ hội Kin Pang để tạ ơn thần linh và âm binh đã phù trợ con người có được cuộc sống bình yên, khỏe mạnh. Lễ hội có nhiều nghi lễ, trò diễn, điệu múa thiêng, phản ánh những quan niệm tín ngưỡng và tư duy sáng tạo phong phú của người Thái đen.

Lễ hội Kin Pang gồm hai phần: lễ và hội. Phần lễ thực hiện các nghi lễ cúng Then nhằm cầu mong thần Then phù hộ cho dân bản khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi, bản làng no ấm. Phần hội, đồng bào Thái đen cùng nhau vui chơi với điệu múa “Tăng pẳng”, trò diễn “Ma cang cói”, “Thuồng luồng uống nước”, “Voi uống nước”, “Người Xá hút thuốc”, “Ma cà rồng ăn ếch”…

Để chuẩn bị cho Lễ hội Kin Pang, ngoài rượu, thịt và các sản vật dâng cúng, thầy mo và các con nuôi phải dựng cây vũ trụ, tiếng Thái gọi là “Sặng pang”. “Sặng pang” được làm bằng các vật liệu sẵn có trong thiên nhiên như cây tre, cây chuối và các loại hoa rừng như “bó mạ”, “bó mạy”. Trong lễ Kin Pang, thầy mo sửa soạn nhiều mâm lễ để cúng tổ nghề, âm binh, linh hồn của các quan tạo mường, tạo bản và thần linh cai quản núi, rừng, sông, suối.

Mở màn cho Lễ hội Kin Pang là nghi lễ “Thỉnh đoàn quân mo”. Tiếp theo là nghi lễ “Thỉnh thần linh bản mường”, thầy mo kính cẩn thỉnh linh hồn các kiếp đời Phìa, quan tạo mường, tạo bản về thụ hưởng lễ vật và phù hộ cho dân bản, dân mường. Khi âm binh và các quan tạo đã về đông đủ, thầy mo hành lễ “điểm mâm”.

Sau đó, thầy mo hát “dâng rượu cần” rồi cùng các “xảo chìa pô” (những cô gái chưa chồng, xinh đẹp) múa quanh cây hoa để hầu rượu thần linh. Thầy mo múa quạt đi trước, các cô gái múa khăn theo sau. Tiếp đến là nghi lễ “Điểm con nuôi”. Trước đàn lễ, thầy mo điểm danh các con nuôi và xin thần linh phù hộ cho họ có sức khỏe dồi dào, cuộc sống bình yên, no đủ.

Sau khi xong phần lễ, thầy mo chuyển sang phần hội với các điệu múa, trò diễn tạo nên tính hấp dẫn, vui nhộn và độc đáo cho lễ hội. Mở đầu là điệu múa “Tăng pẳng”. Các con nuôi mỗi người một ống tre đứng thành hai hàng, mặt đối mặt, cùng nhau nện ống tre xuống sàn gỗ tạo âm thanh vang vọng giữa đại ngàn. Âm thanh ấy được người Thái coi là tiếng sấm, gọi mưa về tưới mát nhân gian, cho cây cối tốt tươi, nhà nhà no đủ.

Thầy mo còn tái hiện lại các trò diễn chữa bệnh mắt mù, điếc tai, tâm thần… Những hoạt cảnh chữa bệnh tạo không khí vui nhộn, xóa tan sự lo âu về bệnh tật của những người tham dự. Khi bệnh tật được xua tan, con người trở về cuộc sống đời thường. Trò diễn trâu cày ruộng được thực hiện bởi những người đàn ông, họ sử dụng những thân cây chuối giả làm trâu thực hiện các động tác cày bừa.

Kết thúc phần hội là điệu múa sinh thực khí, tiếng Thái gọi là “Xe quây luông”. Sau các điệu múa và trò diễn, thầy mo cùng các con nuôi dùng vải thổ cẩm quấn quanh cây “sặng pang” và hạ cây “sặng pang” xuống.

Bảo tồn văn hóa giàu bản sắc

Ngày nay, trước sự phát triển của xã hội và tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều nét văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Than Uyên đang có nguy cơ mai một. Vì vậy, huyện luôn nỗ lực giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc nhằm tạo đà cho du lịch văn hóa phát triển trên địa bàn.

Ông Lò Văn Hương, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: Lễ hội Kin Pang không chỉ mang giá trị về mặt tâm linh, tín ngưỡng mà còn ẩn chứa nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc của dân tộc Thái đen như: nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật trang trí, sân khấu dân gian, văn hóa nghệ thuật cổ truyền. Việc phục dựng Lễ hội Kin Pang nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của người Thái đen, giúp đồng bào lưu giữ các nghi thức thiêng liêng trong nghi lễ cúng Then và giữ gìn, bảo tồn các điệu múa, trò chơi dân gian.

Công tác bảo tồn bản sắc văn hóa nói chung là một trong những nội dung quan trọng đã được Đại hội Đảng bộ huyện Than Uyên ban hành thành nghị quyết về “Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng giai đoạn 2020-2025”. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là huyện triển khai nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa ở các thôn, bản và lấy người dân làm nòng cốt. Trong đó, huyện tập trung thành lập câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Mông và dân tộc Thái.

Đồng thời, huyện phục dựng các lễ hội truyền thống như: Lùng Tùng, Xòe Chiêng, Hạn Khuống, đua thuyền đuôi én…; khuyến khích các bản, khu dân cư thành lập, duy trì hoạt động thường xuyên của 129 đội văn nghệ quần chúng.

Thời gian tới, Than Uyên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Huyện ưu tiên bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch; đổi mới nâng cao chất lượng tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch; phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, bài trừ hủ tục lạc hậu ở các điểm du lịch cộng đồng. Trong đó, huyện sẽ tổ chức tốt các hoạt động, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, sản phẩm du lịch văn hóa.