BVR&MT – Chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban sinh tồn loài IUCN – Nhóm chuyên gia tê giác châu Phi, Mike Knight trong bài viết gần đây trên savetherhino.org sẽ đề cập rõ hơn điều này.
Chúng ta không thể tưởng tượng vào năm 2006 rằng đến cuối năm 2018, châu Phi sẽ mất ít nhất 9.132 cá thể tê giác. Con số thực tế có khả năng còn cao hơn. Sau mức tổn thất kỷ lục vào năm 2015, nạn săn trộm được kỳ vọng sẽ giảm nhưng hiện vẫn khá cao.
Giảm nạn săn trộm vẫn là nền tảng để bảo vệ quần thể tê giác của chúng ta. Điều này bắt đầu với việc thắt chặt an ninh trong các khu bảo tồn tê giác và lý tưởng nhất là song hành với sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ cũng như giữa khu vực nhà nước, cộng đồng và tư nhân. Những hành động tích cực này đã trở thành công cụ trong việc giảm nạn săn trộm ở Kenya, Botswana, Swaziland và Namibia.
Một cách tiếp cận toàn chính phủ đối với việc giải quyết buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp cần phải được áp dụng. Điều này bao gồm việc thu thập tin tức để “theo dấu dòng tiền” và tịch thu tài sản. Tiếc là điều này không được chú trọng. Đặc biệt, cần chú ý bắt giữ và phá vỡ các tổ chức tội phạm hình sự để chúng không dễ bề kiếm lợi từ thân xác động vật hoang dã.
Tất cả nỗ lực của các kiểm lâm viên đều bị hủy hoại bởi những thất bại trong việc điều tra và khởi tố thành công các vụ án hình sự, đặc biệt là việc xử phạt những đối tượng trung gian tiến hành vận chuyển động vật hoang dã bất hợp pháp. Giám sát ở Kenya về kết quả của các vụ kiện ở tòa án là một ví dụ điển hình về áp lực tư pháp. Do đó, cần mở rộng phương pháp tiếp cận này và theo dõi tiến trình các vụ án kể từ khi bắt giữ đến khi kết thúc nhằm cổ vũ tinh thần cho lực lượng kiểm lâm và truyền thông điệp mạnh mẽ đến các nhóm tội phạm.
Nhân giống tê giác cũng là một công cụ quan trọng. Việc quản lý và giám sát thông minh các quần thể tê giác nhằm tối đa hóa sự tăng trưởng của chúng được thực hiện từ những năm 1990. Muốn vậy, cần tạo dựng môi trường sống rộng lớn, phù hợp và an toàn cho tê giác. Những ví dụ thành công gần đây bao gồm việc chuyển vị tê giác đen vào Rwanda, Chad và đưa thêm tê giác trắng vào Botswana. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tránh những mất mát không cần thiết (như đã xảy ra trong quá trình chuyển vị tê giác gần đây tại Kenya) dù những thất bại này không thể trở thành lực cản phương pháp bảo tồn chuyển vị, đặc biệt là chuyển vị ở cấp độ quốc tế.
Một vấn đề rất đáng quan tâm nữa là việc mất năng lực và kỹ năng trong các cơ quan bảo tồn trên khắp châu Phi và điều này làm suy yếu khả năng cung cấp một nơi trú ẩn an toàn cho các quần thể tê giác. Việc duy trì, chuyển giao và phát triển các kỹ năng cho các đơn vị bảo tồn vẫn là điều cần thiết.
Tiếp cận nguồn vốn bền vững cũng là một vấn đề đáng lưu ý, đặc biệt là trong bối cảnh cần khoản chi phí lớn cho việc chống săn trộm tràn lan. Nhiều sáng kiến tài chính đã được đưa ra để giải quyết vấn đề này. Bên cạnh đó, các mối đe dọa đối với các lựa chọn sử dụng bền vững cho tê giác đang làm suy yếu các ưu đãi bảo tồn cực kỳ quan trọng đối với các chủ sở hữu tê giác tư nhân và cộng đồng ở miền nam châu Phi, những người “đóng góp” không nhỏ vào sự sôi động của ngành công nghiệp động vật hoang dã ngay từ đầu.
Tuy nhiên, đằng sau tất cả những điều này, mối đe dọa đối với tê giác châu Phi xuất phát từ việc sử dụng đa dạng sừng trong các hàng hóa có giá trị cao ở Đông Nam Á. Việc giảm nhu cầu sử dụng đã được đề xuất như là một chiến lược để giải quyết vấn nạn này. Tiếp cận các nước châu Á với tư cách là đối tác đưa ra giải pháp có thể thu được lợi ích lớn hơn trong việc giải quyết vấn đề và chấm dứt nạn săn bắt.
Minh Hiền