Bảo tồn rùa biển – từ thử nghiệm thầm lặng đến thực nghiệm thành công

BVR&MT – Ngày 8/10/2017 là một cột mốc đáng nhớ đối với các chuyên gia bảo tồn rùa bởi hơn 420 cá thể rùa biển từ 450 trứng rùa đợt 2 vốn chuyển vị từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm đã được thả về đại dương. Tuy nhiên, đằng sau sự thành công ngoài mong đợi này là những nghiên cứu, thử nghiệm thầm lặng của các chuyên gia bảo tồn rùa tại Vườn quốc gia Côn Đảo và lần đầu tiên ứng dụng thành công ở Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam.

Đảo Hòn Lao, Cù Lao Chàm (Ảnh: Chu Mạnh Trinh)

Từ những nghiên cứu thầm lặng ở Côn Đảo

Khi được hỏi cơ sở nào để đưa trứng rùa biển đã được ấp tại Côn Đảo 40 ngày tuổi về tiếp tục ấp tại Cù lao Chàm, Thạc sĩ Lê Xuân Ái, nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết đó chính là kết quả đúc kết từ những thử nghiệm, nghiên cứu thầm lặng của đội ngũ cán bộ khoa học Vườn quốc gia Côn Đảo do chính ông chủ trì. Hoạt động quản lý, bảo tồn rùa biển là một trong những nhiệm vụ rất quan rọng và công phu tại Vườn quốc gia Côn Đảo trong suốt hơn hai thập kỷ qua. Do trứng rùa tại Côn Đảo được xem như là “hàng quốc cấm” với giá mà “rùa tặc” bán cho du khách có lúc lên đến 200 – 300 nghìn đồng một quả nên lực lượng tuần tra phải căng mình bảo vệ ngày đêm, đặc biệt đối với các bãi có rùa đẻ cách xa Trạm bảo tồn.

Thạc sĩ Ái cho biết mùa rùa biển đẻ hàng năm đồng thời cũng là giai đoạn cao điểm của công tác quản lý, phòng chống cháy rừng trên toàn Vườn. Trong khi đó, lực lượng quản lý, bảo tồn không đủ để đáp ứng cả hai nhiệm vụ vừa bảo tồn tài nguyên rừng, vừa bảo tồn tài nguyên biển, trong đó có rùa biển đẻ trứng ở tất cả 14 bãi biển của Vườn. Quy trình kỹ thuật di dời, cứu hộ trứng rùa phải thực hiện trước 6 tiếng đồng hồ sau khi rùa mẹ sinh đẻ. Tại các bãi có rùa mẹ đẻ trứng cách quá xa Trạm bảo tồn không thể di dời được, nếu phát hiện trứng rùa chậm hơn 6 tiếng sau khi đẻ, lực lượng tuần tra phải tổ chức bảo vệ các tổ trứng này 24/24 giờ trong suốt gần 2 tháng. Đây chính là nỗi khó khăn, trăn trở của lực lượng tuần tra Vườn quốc gia Côn Đảo trong hàng chục năm.

Xuất phát từ thực trạng đó, từ năm 2012, Thạc sĩ Ái cùng các cán bộ quản lý Vườn quốc gia đã thử nghiệm di dời các tổ trứng ở xa, có thời gian đẻ sau 6 giờ về tập trung quản lý ngay trước Trạm bảo tồn. Và ông đã phát hiện ra điều bất ngờ, những tổ trứng di dời về sau khi đẻ từ 10 đến 17 ngày trứng vẫn nở với tỉ lệ khá tốt. Để kiểm chứng kết quả này, năm 2015, ông cùng các cán bộ khoa học của vườn thử nghiệm di dời trứng rùa ở các mốc ngày tuổi khác nhau và đã rút ra kết luận khá thú vị là những tổ trứng có số ngày ấp trong tự nhiên càng lớn thì có tỷ lệ nở càng cao. Từ đó tất cả các bãi rùa đẻ ở cự ly quá xa Trạm bảo tồn đều áp dụng kết quả nghiên cứu này, góp phần giảm bớt sự cực nhọc cho lực lượng tuần tra vốn rất mỏng của Vườn.

Cũng như các loài động vật khác, quá trình phát triển phôi của trứng rùa sẽ tốt nhất trong khoảng nhiệt độ ấp từ 28-300C, nếu nhiệt độ môi trường ấp trên 340C trứng sẽ hỏng, không nở được. Có thời điểm nhiệt độ khu vực ấp trứng rùa ở Vườn quốc gia Côn Đảo lên đến 330C, nhiều ổ trứng bị hỏng, cán bộ Vườn lại thử nghiệm bơm nước biển lên trên khu vực đất ấp trứng để hạ nhiệt độ do không có đủ nước ngọt. Cách làm này giúp công tác quản lý, bảo tồn rùa biển trong điều kiện biến đổi khí hậu khắc nghiệt hiện nay được thuận lợi hơn.

… đến thử nghiệm lần đầu tiên ở Cù lao Chàm

Mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm trong việc ấp nở trứng rùa nhưng Thạc sĩ Lê Xuân Ái cũng khá lo lắng khi phải di dời trứng rùa từ Côn Đảo về ấp nở tại Cù Lao Chàm với khoảng cách hơn 1.000 km. Ông tâm sự việc di dời trứng rùa ở Côn Đảo dễ thực hiện hơn do cự ly di dời gần, chỉ xung quanh vườn quốc gia chứ đến nay, ở Việt Nam chưa có ai thử nghiệm di dời trứng rùa với khoảng cách xa như vậy do quá trình phát triển phôi rùa rất dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động bất lợi bên ngoài. Đây chính là lúc cần áp dụng các kết quả nghiên cứu, thử nghiệm ở Côn Đảo để di dời 900 trứng rùa sau khi đẻ 40 ngày về ấp nở tại Cù Lao Chàm. Việc di dời, vận chuyển trứng rùa được thực hiện theo một quy trình khá nghiêm ngặt, phải đảm bảo độ thông khí trong các sọt đựng trứng, hạn chế tối đa sự va đập. Trứng rùa sau khi chuyển từ Côn Đảo về Thành phố Hồ Chí Minh được chia làm hai phần, một phần được vận chuyển bằng máy bay, phần còn lại đi bằng đường bộ để thử nghiệm ảnh hưởng của thời gian, phương tiện vận chuyển đến tỷ lệ nở của trứng.

Kết quả nghiên cứu tại Vườn quốc gia Côn Đảo cho thấy thời gian ấp của trứng rùa bình quân 57 ± 6 ngày (tức từ 51 – 63 ngày), tuy nhiên khi ấp ở Cù Lao Chàm, trứng rùa nở sớm hơn so với các ổ trứng đối chứng tại Côn Đảo. Điều này được ông Ái lý giải là do nhiệt độ ở bãi cát Cù Lao Chàm cao hơn ở Côn Đảo nên thúc đẩy quá trình trứng nở sớm hơn. Có thời điểm nhiệt độ bãi cát tại khu vực ấp ở Bãi Bắc, Cù Lao Chàm lên đến 340C, thạc sĩ Lê Xuân Ái đã hướng dẫn các cán bộ Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm dùng nước biển tưới lên bề mặt khu vực ấp để làm giảm nhiệt độ phù hợp cho quá trình ấp nở.

Cả 2 đợt ấp nở trứng rùa tại Cù lao Chàm đã thành công ngoài mong đợi với tỷ lệ nở đạt trên 90%. Đó chính là kết quả từ những nghiên cứu, thử nghiệm thầm lặng của các cán bộ Vườn quốc gia Côn Đảo được ứng dụng, thử nghiệm lần đầu tiên tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Đó cũng chính là thành quả của sự mạnh dạn, tự tin, lòng say mê nghiên cứu khoa học hòa quyện với tình yêu đối với tài nguyên môi trường biển của những người làm công tác bảo tồn.

Quảng Lâm – Xuân Ái

CHIA SẺ