Bảo tồn nguồn gen cây Hương Giáng tại vùng núi huyện Tuyên Hóa – Quảng Bình

BVR&MT – Hiện nay, rừng của huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) đang bị mất dần nhiều loại thực vật có giá trị kinh tế cao, trong đó cây Hương Giáng đang bị khai thác với số lượng lớn. Nếu tình trạng này kéo dài thì nguồn gen của nhiều loài cũng như loài cây này sẽ khan hiếm.

I – MỞ ĐẦU

1.1. Lý do chọn đề tài

Rừng là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng đối với đất nước ta. Rừng không những để phát triển kinh tế – xã hội mà rừng còn giữ chức năng sinh thái cực kì quan trọng. Rừng tham gia vào quá trình điều hoà khí hậu, đảm bảo cung cấp ôxi và các nguyên tố cơ bản khác trên hành tinh, duy trì tính ổn định màu mỡ của đất làm giảm sức tàn phá khốc liệt của các thiên tai bảo tồn nguồn nước và làm giảm mức ô nhiễm không khí.

Không chỉ cung cấp tài nguyên phục vụ đời sống con người, rừng còn góp phần quan trọng trong việc tái tạo tiểu khí hậu, làm trong sạch môi trường, chống xói mòn đất, chống lũ lụt… Đặc biệt trong chiến tranh, tên của nhiều khu rừng đã đi vào lịch sử, tâm thức của người Việt Nam như: Cai Kinh, Trà Lĩnh, Trường Sơn,… Ngược dòng lịch sử ta thấy rừng đã gắn bó lâu đời với người Việt, những tộc người Việt cổ sống trong hang từ thời cổ xưa đã sống nhờ rừng mà phát triển. Rừng còn đi vào thi ca truyền thuyết, các câu truyện cổ,…

Cây Hương Giáng mọc trên sườn núi đá vôi huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Có thể nói rừng là một phần trong đời sống văn hoá của dân tộc ta. Thế nhưng qua nhiều thập kỷ, trên quy mô toàn cầu, rừng nhiệt đới đang ngày càng bị tàn phá, suy kiệt do nhiều nguyên nhân. Nhiều nhà khoa học đánh giá hệ sinh thái rừng nhiệt đới là phức tạp nhất nhưng cũng rất dễ suy tàn, khả năng phục hồi kém sau khi bị những tác động nghiêm trọng.

Huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) là một huyện có thế mạnh về rừng. Năm 2012, diện tích rừng toàn huyện là 82.573,83 ha, chiếm 0,2% diện tích rừng cả nước, tỷ lệ che phủ là 0,24%. Rừng tự nhiên của Tuyên Hóa có trữ lượng gỗ tương đối lớn, khoảng 3 triệu m3, với nhiều loại lâm thổ sản, gỗ quý như dạ hương, huệ mộc, cánh kiến, lim, gõ, mun, dổi, Hương Giáng, nhiều loài dùng làm thuốc như cây vằng, cây khúc khắc. Rừng của huyện Tuyên Hóa đang bị mất dần nhiều loại thực vật có giá trị kinh tế cao. Trong đó cây Hương Giáng đang bị khai thác với số lượng lớn. Hiện nay do tình trạng phá rừng làm cho trữ lượng của loài này bị giảm sút nặng kéo theo cùng quá trình khai thác làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng nghiêm trọng. Nếu tình trạng này kéo dài thì nguồn gen của nhiều loài và hiện nay là hai loài cây này sẽ khan hiếm.

Với các điều kiện đó và có lẽ cũng không còn là quá sớm đối với công cuộc trồng rừng trong tương lai của đất nước, được sự chấp thuận của Bộ môn sinh học và sự hướng dẫn tận tình của cô giáo Hoàng Thị Hạnh giúp em thực hiện đề tài: “Bảo tồn nguồn gen cây Hương Giáng tại vùng núi huyện Tuyên Hóa – Quảng Bình”.

1.2. Mục tiêu nghiên cứu

Đưa ra được phương pháp, cách thức bảo tồn và khoanh nuôi loài thực vật Hương Giáng đang có nguy cơ khan hiếm tại vùng núi huyện Tuyên Hóa.

1.3. Lịch sử vấn đề nghiên cứu

Hiện nay đã có nhiều đề tài nghiên cứu về bảo tồn gen một số loài cây thuốc nhưng chưa có đề tài nào nghiên cứu về bảo tồn cây Hương Giáng tại địa phương.

1.4. Đối tượng nghiên cứu

Cây Hương Giáng tại vùng núi huyện Tuyên Hóa Tỉnh Quảng Bình

1.5. Kế hoạch và phương pháp nghiên cứu

1.5.1. Kế hoạch nghiên cứu

– Thời gian: 15/8/2019 đến 14/11/2019

1.5.2. Phương pháp nghiên cứu

– Phương pháp thực địa thiên nhiên.
– Phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết: Nghiên cứu thực trạng khai thác số lượng lớn hai loài cây Khúc khắc và Hương Giáng.
– Các phương pháp bảo tồn nguồn gen thực vật: Các phương pháp nhân giống cây trồng như giâm hom, chiết cành, từ hạt.
– Phương pháp làm bầu, làm giá thể.

II – NỘI DUNG

2.1. Thực trạng của nội dung cần nghiên cứu

2.1.1. Hiện trạng, diễn biến việc khai thác rừng trong những năm gần đây

Hiện nay trên địa bàn xã Kim Hóa có tất cả 1547 hộ dân với nhiều nghề nghiệp khác nhau. Ngày trước, địa phương Kim Hóa người dân chủ yếu là những người đi làm nghề tự do nhưng những năm gần đây tỉ lệ thất nghiệp ở Xã Kim Hóa còn quá nhiều nên họ sống nhờ vào nghề đi rừng, khai thác gỗ, đặc biệt là cây Hương Giáng.

Dân số Kim Hóa năm 2016 có 5729 người, có 3425 lao động trong độ tuổi (chiếm 59,7% dân số). Lao động làm việc trong các ngành kinh tế là 3051 người (chiếm 71,26% so với lao động trong độ tuổi). Trong đó, lao động làm việc trong các ngành nông lâm ngư nghiệp là 2252 người (chiếm 65,75%); Lao động trong các ngành công nghiệp và xây dựng là 60 người (chiếm 1,75%); Lao động làm việc trong các ngành thương mại và dịch vụ là 129 người (chiếm 3,76%).

Lao động không tham gia hoạt động kinh tế là 988 người (chiếm 28,81% số lao động trong độ tuổi lao động (gồm học sinh, sinh viên, nội trợ gia đình, ốm đau, người tàn tật mất sức lao lao đọng, thiếu việc là và không có việc làm)). Trong đó, lao động thiếu việc làm là 674 người (chiếm 19,65% so với lao động trong độ tuổi); Lao động không có việc làm là 314 người (chiếm 9,16% so với lao động trong độ tuổi). Những người thiếu việc làm nói trên đều chủ yếu đi làm rừng, khai thác những sản phẩm từ rừng để duy trì cuộc sống.

Đặc biệt, thời gian gần đây người dân ở Kim Hóa nói riêng và ở huyện Tuyên Hóa nói chung khai thác Hương Giáng là phổ biến. Chính vì vậy đã làm cho loài cây này có số lượng cá thể rất ít và gần như bị khan hiếm.

2.1.2. Lợi ích của cây Hương Giáng

Cây Hương Giáng (người dân địa phương còn gọi là hang giáng hoặc săng giáng) là cây gỗ nhỡ, phân bố rải rải hoặc mọc thành cụm trên sườn núi đá vôi khu vực tỉnh Quảng Bình. Loài này thuộc họ đậu Fabaceae hiện vẫn chưa xác định được tên khoa học và không có trong bảng phân loại nhóm gỗ. Gỗ Hương Giáng có mùi thơm nhẹ, bền, chắc, dễ cháy.

Gỗ Hương Giáng dùng làm đồ thủ công mỹ nghệ rất đẹp mắt.

Thực tế trước đây, người dân chỉ dùng gỗ Hương Giáng để làm củi đun, trụ trồng cây hồ tiêu hoặc xông nhà và làm đồ thủ công mỹ nghệ rất đẹp mắt. Nhưng theo đồn thổi của các thương lái, loại gỗ này hợp phong thủy, đem lại may mắn cho người sử dụng. Chính vì điều này làm cho giá thành cây Hương Giáng tăng cao vọt vì vậy xảy ra tình trạng người dân kéo nhau vào các khu vực rừng để đốn hạ đem về để chế tạo ra các sản phẩm và để bán. Trong quá trình khai thác đã làm ảnh hưởng đến những cây khác trong rừng, làm cho một vùng đất xung quanh bị đào xới và tàn phá cùng với quá trình vận chuyển làm ảnh hưởng hệ sinh thái rừng nghiêm trọng.

Gốc và gỗ cây Hương Giáng có vân rất đẹp vì vậy đã được chế tạo ra nhiều sản phẩm như hình thù các tượng trông rất bắt mắt kết hợp mùi thơm nhẹ vì vậy những sản phẩm này có giá thành tương đối cao. Chính vì vậy việc dân đi săn lùng và tìm kiếm loài này rất nhiều trước tiên là để trưng bày trong nhà, sau đó thì bán hoặc đi buôn. Hiện tượng này đã làm cho một số vùng núi bị đào bới khi có mưa bị sạt lở, xói mòn nghiêm trọng.

Núi bị sạt lở khi có mưa sau quá trình khai thác cây rừng.

2.1.3. Phương pháp nhân giống

2.1.3.1. Nhân giống vô tính bằng hình thức chiết cành

Chiết cành là ngưng sự di chuyển xuống của các chất hữu cơ như cacbonhytrates, Auxin… từ lá chồi ngọn, các chất này tích luỷ gần điểm xử lý (khoanh vỏ) và dưới tác động của ẩm độ, nhiệt độ thích hợp rễ mọc ra khi thân, cành vẫn chiết vẫn dính trên cây mẹ.

Chọn cành: Trong chiết cành không nên chọn cành già, cành ở thấp, cành mọc trên ngọn, cành bị sâu bệnh, cành vượt. Tốt nhất nên chọn cành ở giữa tầng tán phơi ra ngoài ánh sáng, gióng ngắn, cành mập, đường kính từ 1,0-1,5 cm, màu vỏ cây không quá xanh và cũng không quá thẫm, nên chọn cành bánh tẻ để chiết. Chiều dài cành chiết từ 40-60 cm, có hai nhánh. Trong chiết cành thì cành nhỏ có khả năng ra rễ, sinh trưởng tốt hơn cành to, nhưng nếu chiết cành nhỏ quá, cành dễ bị gãy, không mang nổi bầu.

Thời vụ chiết: Vụ xuân hè: chiết vào tháng 3 và 4,vụ thu đông: chiết vào tháng 9. Trước khi chiết cành cần chăm sóc cây mẹ từ 1 – 2 tháng để cây mẹ sinh trưởng khoẻ, nhựa trong cây lưu thông mạnh, cành chiết nhanh ra rễ.

2.1.3.2. Kỹ thuật chiết

Bước 1: Khoanh vỏ


Dùng dao sắc khoanh tròn cành chiết ở hai đầu cách nhau từ 3-5 cm, cách gốc cành 10-15 cm, sau đó dùng mũi dao bóc vỏ vùng đã khoanh. Dùng dao cạo sạch chất nhờn trên mặt gỗ để loại bỏ lớp tế bào tượng tầng, dùng giẻ lau sạch vết cắt.

Bước 2: Chuẩn bị đất bó bầu

Cùng với việc chọn cành, cần chuẩn bị đất để bó bầu. Dùng đất vườn hoặc đất bùn ao phơi khô, đập nhỏ rồi trộn lẫn với phân chuồng hoai mục, trấu bổi hay rơm rác mục, rễ bèo tây…Hỗn hợp theo tỷ lệ 2/3 đất còn 1/3 là những nguyên liệu kể trên và được làm ẩm đến 70% độ ẩm bão hòa (đất có thể vê thành “con giun”, nhưng nắm chặt nước không chảy ra tay). Một bầu chiết đường kính từ 6-8 cm, trọng lượng 150 – 300 g, chiều cao bầu đất 10-12 cm. Không nên làm bầu quá to, cây không cung cấp đủ nước cho đất, đất phía ngoài bị khô cứng, chặt bí cây khó ra rễ.


Trước khi bó bầu đất dùng thuốc giâm chiết cành fitomix là một loại thuốc dạng nước pha sẵn dùng ngay. Được sử dụng trong giâm – chiết cành cực tốt, kích thích trổ rễ cực mạnh. Bôi dung dịch vào nơi cắt cành, hòa loãng dung dịch gấp 100 lần trộn với đất bó bầu

Bước 3: Chiết cành

Chọn ngày có thời tiết tốt (trời nắng), dùng dao sắc cắt khoanh vỏ không nên cắt vào phần gỗ, nên bố trí cắt vỏ buổi sáng. Chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu như đất bó bầu, giấy nilon, dây bó… Dùng nguyên liệu đất đã chuẩn bị, giàn đất mỏng đều đủ bó xung quanh cành, dùng giấy nilông quấn xung quanh bầu, lấy dây buộc chặt hai đầu túi bầu, buộc chặt không cho bầu chiết xoay tròn.

Bước 4: Cắt cành chiết


Sau khi chiết từ 45-60 ngày, quan sát thấy rễ mọc ra. Khi rễ đã chuyển từ màu trắng nõn sang màu vàng ngà hoặc hơi xanh thì có thể cưa cành chiết giâm vào vườn ươm.

Bước 5: Hạ bầu chiết

Trước khi hạ bầu chiết cần cắt bớt những lá già, lá bị sâu và một phần lá non. Mật độ giâm cành chiết 20×20 cm, hoặc 30 x 30 cm.

Không nên giâm cành chiết quá dầy, rễ và mầm cành phát triển kém, khi bứng đi trồng khó khăn. Trước khi hạ bầu, xé bỏ giấy nilon, dùng đất màu lấp cách cổ bầu 3-5 cm, tưới đẫm nước, nên che bớt 50% ánh sáng tự nhiên, hàng ngày tưới 2 lần như trên. Sau 5-10 ngày chuyển sang chế độ 1-2 ngày tưới 1 lần tùy theo độ ẩm đất. Có thể ra ngôi cành chiết trong túi nilon hay sọt tre và chăm sóc như với cây giâm cành. Sau khi hạ bầu 15 – 20 ngày, bỏ bớt mái che để cây quen dần với ánh sáng tự nhiên. Đến ngày thứ 30 bắt đầu tưới nước phân đã ngâm kỹ và chăm sóc như cây con. Sau giâm cành chiết từ 45-60 ngày có thể đánh cây đi trồng.

2.2. Dự kiến kết quả sau quá trình nghiên cứu

Bước đầu đã thực nghiệm thành công việc chiết cây Hương Giáng. Nếu đề án này được thực hiện với quy mô như dự án nông lâm nghiệp trên địa bàn xã Kim Hóa nói riêng và địa bàn huyện Tuyên Hóa nói chung sẽ có được những khu vực vườn ươm cây giống về hai loài này tương lai là nguồn cung cấp giống cho toàn tỉnh Quảng Bình.


Dân cư sống ở đây có đất vườn nương rẫy rất rộng chủ yếu là trồng keo, nhưng tại đây năm nào cũng hững chịu những cơn bão và điều kiện khắc nghiệt của thời tiết nên keo chưa đến tuổi khai thác đã bị bão làm cho đổ gãy. Nếu thay đổi trồng rừng theo hướng xây dựng các khu vườn ươm và trồng loại cây này ngoài mục đích sẽ phát triển kinh tế ra còn bảo tồn được nguồn gen đang có nguy cơ cạn kiệt do khai thác quá mức.

Giải quyết được khâu việc làm cho người lao động nơi đây. Làm cho diện tích rừng nơi đây được tăng lên, phủ xanh được đất trống đồi núi trọc, giúp cân bằng hệ sinh thái tạo môi trường không khí trong lành, tránh được hạn hán, lụt lột. Hạn chế được việc khai thác bừa bãi loài này sẽ xây dựng được kế hoạch khoanh nuôi hợp lý.

III – KẾT LUẬN

3.1. Ý nghĩa

– Bảo tồn được nguồn gen loài Khúc Khắc đang có nguy cơ bị khai thác cạn kiệt.
– Bảo vệ được hệ sinh thái rừng nơi đây.
– Giúp người dân có kế hoạch khoanh nuôi nhân giống hợp lý phát triển thành các khu vườn ươm hoặc các khu vườn trồng chuyên dụng.
– Nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân nơi đây về việc nuôi trồng những loài có giá trị sử dụng.
– Phát triển kinh tế với quy mô rộng hơn ngoài việc nuôi trồng hình thành các khu sơ chế sản phẩm (gốc gỗ cây Hương Giáng) ngay tại địa phương rồi mới đem đi tiêu thụ (vỏ, lá cây và phần khác của thân đều có mùi thơm nhẹ có thể tận dụng chế tạo hương đốt loại trừ diệt muỗi).

Giấy xác nhận của Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa đối với đề tài “Bảo tồn nguồn gen cây Hương Giáng tại vùng núi huyện Tuyên Hóa – Quảng Bình”.

3.2. Kiến nghị đề xuất

Đề tài được nghiên cứu và thử nghiệm trong thời gian hơn hai tháng, chắc chắn còn nhiều điều thiếu xót kính mong hội đồng khoa học góp ý cho em để đề tài được hoàn thiện hơn và có đủ sự tự tin áp dụng trên quy mô lớn hơn tại địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Tiến Bân và cộng sự, 2007. Sách Đỏ Việt Nam, phần II – Thực vật, Nxb. Khoa học tự nhiên và Công nghệ, 611 trang.

2. Nguyễn Tiến Bân, 1997. Cẩm nang tra cứu và nhận biết các họ thực vật hạt kín ở Việt Nam. NXB nông nghiệp

3. Phạm Hoàng Hộ, 2000. Cây cỏ Việt Nam, quyển III, NXB Trẻ

3. Bộ Khoa học và Công nghệ, 2013. Kết quả bào tồn và phát triển nguồn gen cây thuốc giai đoạn 2001-2013. Tuyển tập báo cáo Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động khoa học công nghệ về quỹ gen giai đoạn 2001 – 2013, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật. 298 trang.

4. Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ, 2009. Bảo tồn và phát triển nguồn gen và giống cây thuốc. Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện nhiệm vụ Bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc (1988 – 2008), Tam Đảo tháng 5/2009, 189 trang.

5. Nguyễn Tập, 2006 a. Điều tra cây thuốc và nghiên cứu bảo tồn, trong Nghiên cứu thuốc từ thảo dược, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, tr. 33 – 109.

6. Nguyễn Tập, 2006 b. Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam, Tạp chí Dược liệu, tập 11, số 3, tr. 97 – 105.

7. Viện Dược liệu, 2013. Kỹ thuật trồng cây thuốc, Nxb. Nông nghiệp, tr. 57 – 72. 8. Viện Dược liệu, 2010, 2011, 2012. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ Bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc (Tài liệu lưu hành nội bộ).

9 …[ https://laodong.vn]

10. kythuatnuoitrong.edu.vn

Tác giả: Nguyễn Diệu Hiền
(Học sinh lớp 9-2 Trường THCS Kim Hóa – Tuyên Hóa – Quảng Bình)