Bảo tồn hổ trước khi quá muộn

BVR&MT – Jasper, 21 tuổi và là cá thể hổ hoang dã cuối cùng của Campuchia đã chết trong khi bị nuôi nhốt.

Sau khi được đưa ra khỏi môi trường hoang dã năm 1998, vì nguyên nhân an toàn nên Jasper sống hoàn toàn dưới sự bảo vệ tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Phnom Tamao. Theo Wildlife Alliance – tổ chức phi lợi nhuận điều hành trung tâm, Jasper “được cho là cá thể hổ Đông Dương cuối cùng còn sót lại từ các khu rừng Campuchia” và chết vì nguyên nhân tuổi tác.

Chỉ hai thập kỷ trước, theo một số ước tính, Campuchia vẫn sở hữu một trong những quần thể hổ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong vòng một thập kỷ, hầu hết những cá thể mèo lớn ở nước này biến mất do sinh cảnh và bị săn trộm.

Đến năm 2007, chỉ còn duy nhất một cá thể hổ Đông Dương còn sống ở môi trường hoang dã khi được nhìn thấy lần cuối trên bẫy ảnh được đặt trong rừng Campuchia.

Kể từ đó, không ai còn nhìn thấy cá thể hổ hoang dã nào ở nước này nữa.

Nguồn: sustainability-times.com/

Campuchia đang lên kế hoạch đưa hổ vào tự nhiên, nhưng dự án đó sẽ diễn ra như thế nào? Nỗi lo sợ là hổ sẽ không được đưa trở lại các khu rừng địa phương mà những kẻ săn trộm sẽ giết chúng để lấy các bộ phận vốn rất có giá trị trên thị trường chợ đen để làm nguyên liệu trong y học cổ truyền Trung Quốc.

Cũng không chỉ riêng Campuchia mới có tình trạng những cá thể hổ đang trong số phận mong manh. Ngoài Ấn Độ, nơi quần thể hổ địa phương vẫn còn tương đối phát triển, số lượng những cá thể mèo lớn đã giảm mạnh xuống mức nguy hiểm.

Conservation Assured Tiger Standards (CATS), tổ chức giám sát bảo tồn hổ trên khắp châu Á, gần đây đã khảo sát 112 khu vực bảo tồn hổ ở 11 quốc gia quanh Đông Nam Á, và phát hiện rằng chỉ có 13% đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu. Một phần ba trong số này có nguy cơ mất hổ vì bảo vệ không đầy đủ và quản lý kém.

Trong cuộc khảo sát, các nhà nghiên cứu đánh giá các hoạt động quản lý tại các địa điểm có diện tích hơn 200.000 km2 và chiếm khoảng 70% quần thể hổ hoang dã còn lại trên thế giới. Các quốc gia được khảo sát gồm Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Nepal, Ấn Độ, Bhutan, Bangladesh, Trung Quốc và Nga.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng “các nhu cầu cơ bản như thực thi chống săn trộm, huy động cộng đồng địa phương, quản lý xung đột giữa người và động vật hoang dã vẫn còn yếu ở tất cả các khu vực được khảo sát”. Điều đáng khích lệ duy nhất là 2/3 các hoạt động quản lý đạt mức “từ trung bình đến mạnh mẽ”, đưa lại hy vọng rằng quần thể hổ sống ở đó có thể giữ được trong thời gian tới thay vì bị tổn hại thêm.

Ngoài mất sinh cảnh, mối đe dọa nghiêm trọng nhất hổ hoang dã phải đối mặt là nạn săn trộm tràn lan.

Ginette Hemley, phó chủ tịch cấp cao về bảo tồn động vật hoang dã thuộc WWF cho biết, “từ đầu đến chân, mỗi phần cơ thể của một con hổ đều có giá trị đối với những kẻ săn trộm và bị buôn bán ở các chợ động vật hoang dã bất hợp pháp”.

“Cuộc chiến để cứu hổ đã thống nhất các chính phủ và các tổ chức bảo tồn, nhưng hổ hoang dã không thể hồi phục cho đến khi được bảo vệ đầy đủ”.

Tuy nhiên, bất chấp nguy hiểm chưa từng thấy từ nạn săn trộm, nhân viên tại hầu hết các khu bảo tồn đều không được trang bị đầy đủ để bảo vệ hổ địa phương. Theo các nhà nghiên cứu, tại 85% các khu vực được khảo sát, nhân viên không có đủ điều kiện để đi tuần tra thường xuyên trong khi tại 61% các khu vực ở Đông Nam Á chỉ có biện pháp chống trộm rất hạn chế.

Phần lớn các khu bảo tồn phải đối mặt với việc thiếu kinh phí, đặc biệt là ở Đông Nam Á, nơi chỉ có 35% các khu có đủ tài chính, trong khi con số này ở Nam Á, Nga và Trung Quốc là 86%.

Michael Baltzer, chủ tịch Ủy ban điều hành CATS nêu rõ: “Trừ khi các chính phủ cam kết đầu tư lâu dài vào việc bảo vệ các địa điểm này, quần thể hổ có thể phải đối mặt với sự suy giảm thảm khốc như trong vài thập kỷ qua. Cần có nguồn tài trợ khẩn cấp, đặc biệt đối với nhiều địa điểm ở Đông Nam Á để hỗ trợ phục hồi quần thể hổ”.

Thời gian cho hổ hoang dã đang cạn dần. Một thế kỷ trước, khoảng 100.000 cá thể hổ hoang dã ở khắp châu Á. Ngày nay chỉ còn lại khoảng 4.000 cá thể họ mèo lớn này, hầu như tất cả chúng phân bố trong phạm vi từ Malaysia đến Nga. Tình hình đáng báo động ở mọi quốc gia có hổ, ngoại trừ Ấn Độ – nơi sinh sống của khoảng 2.500 cá thể hổ hoang dã, chiếm hơn một nửa quần thể hổ hoang dã trên thế giới.

Tiếp theo là Nga với hơn 400 cá thể hổ, rồi đến Indonesia với số lượng gần như tương đương, sau đó nữa là Malaysia và Nepal với khoảng 200 cá thể. Ngay cả việc mất thêm vài chục cá thể hổ những quốc gia này cũng có thể gây ra hậu quả thảm khốc cho quần thể hổ địa phương.

Để phát triển quần thể hổ hoang dã ở khắp mọi nơi, hoặc ít nhất là ngăn giảm nhiều hơn, các nỗ lực bảo tồn cần phải được tăng cường. Các chính phủ có một vai trò quan trọng trong chương trình này.

“Quản lý không hiệu quả tại khu bảo tồn hổ dẫn đến sự tuyệt chủng”, S.P. Yadav, chuyên gia bảo tồn hổ quốc tế, cảnh báo tại Diễn đàn hổ toàn cầu. “Để ngăn chặn và đảo ngược sự suy giảm của hổ hoang dã, quản lý hiệu quả là hành động quan trọng nhất”.

“Để đạt được điều này, đầu tư dài hạn vào các khu vực bảo tồn hổ là vô cùng cần thiết, và đây là trách nhiệm phải được các nước có hổ lĩnh xướng”.

Nhật Anh (Theo Sustainability Times)