Bảo tồn động vật hoang dã: Xử lý nghiêm hành vi buôn bán trái phép

BVR&MT – Trước sự bùng phát của dịch được cho là có nguồn gốc từ động vật hoang dã, câu chuyện chống buôn bán động vật hoang dã lại được đặt ra như một hồi chuông cảnh báo về hậu quả buôn bán, sử dụng chúng.

Vườn quốc gia Bạch Mã hiện có khoảng 15 đàn Voọc chà vá chân nâu sinh sống. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Trong nhiều năm qua, đấu tranh với buôn bán động vật hoang dã ngoài nguồn lực của Nhà nước còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, các con số thống kê về vi phạm liên quan đến động vật hoang dã cho thấy vấn nạn này không được cải thiện. Trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19 được cho là có nguồn gốc từ động vật hoang dã, câu chuyện chống buôn bán động vật hoang dã lại được đặt ra.

Bởi lẽ, bất chấp các dịch bệnh trong quá khứ như HIV/AIDS, SARS, Ebola, MERS… đã được khẳng định là có nguồn gốc từ động vật hoang dã, những tác động “nhãn tiền” vào muôn mặt cuộc sống COVID-19 như một hồi chuông cảnh báo về hậu quả buôn bán và sử dụng động vật hoang dã.

Mạng “ảo” – phạt “thật”

Theo Tiến sỹ Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan Quản lý Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam là một trong những quốc gia khai thác, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp-vấn nạn nghiêm trọng, đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học, nhiều loài động vật hoang dã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hoặc tới bên bờ của sự tuyệt chủng.

Đáng lo ngại là tình hình buôn bán động vật hoang dã trong những năm gần đây diễn biến phức tạp, có sự tham gia của các mạng lưới tội phạm quốc tế, hoạt động có tổ chức và ngày càng tinh vi.

Theo thống kê, giai đoạn 2016-2020, nhiều vụ bắt giữ mẫu vật động vật hoang dã có nguồn gốc nước ngoài được các lực lượng chức năng như Hải quan, Công an, Kiểm lâm thực hiện. Điển hình như vụ bắt giữ 9,1 tấn ngà voi ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng (tháng 3/2019); vụ bắt giữ 8,3 tấn vảy tê tê ở Hải Phòng (tháng 5/2019) và gần nhất là vụ bắt giữ 93kg sừng tê giác tại sân bay Tân Sơn Nhất (tháng 12/2020)…

Vấn đề chống buôn bán động vật hoang dã tại các “chợ truyền thống” được thay thế bằng các phương thức mua bán mới qua mạng xã hội, trang thương mại điện tử, các giao dịch tài chính điện tử…

Nhằm hỗ trợ thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, đồng thời có thêm bằng chứng cho các đóng góp, khuyến nghị chính sách, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho biết những năm gần đây, Trung tâm duy trì thường xuyên việc tổ chức khảo sát hiện trường về buôn bán động vật hoang dã với sự tham gia của các nhà báo trên cả nước. Đặc biệt, vụ buôn lậu ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi, PanNature cùng các nhà báo đã thực hiện 6 chuyến điều tra thực địa từ tháng 3-11/2019 tại 15 tỉnh, thành phố và 1 trang thương mại điện tử, qua đó ghi nhận rất nhiều cơ sở buôn bán các sản phẩm bất hợp pháp từ ngà voi.

Tiến sỹ Vương Tiến Mạnh cho hay theo quy định hiện hành, mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm, bộ phận của động vật hoang dã đều là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Đặc biệt, hành vi quảng cáo bán trái phép cá thể hay sản phẩm của các loài động vật hoang dã được coi là hàng cấm như hổ, gấu, voi, tê giác, tê tê… dù là trên Internet cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 100 triệu đồng theo Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Hành vi quảng cáo kinh doanh trái phép đối với các loài động vật rừng khác cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1-1,5 triệu đồng theo quy định tại Điều 16 Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Tang vật ngà voi tịch thu tại sân bay Nội Bài, Hà Nội. (Nguồn: Tổng cục Hải Quan)

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cũng cho biết năm 2020, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ghi nhận 1.759 vụ vi phạm liên quan đến động vật hoang dã trên Internet, con số này vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt với 1.788 vụ vi phạm trên các trang mạng xã hội và sàn thương mại điện tử được ghi nhận chỉ trong 3 quý năm 2021. Vì vậy, ENV đề nghị các cơ quan chức năng tích cực điều tra và xử lý các đối tượng là “đầu mối” cung cấp động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng cho các đối tượng rao bán trên internet để giải quyết triệt để tình trạng này trong thời gian tới.

Thách thức cứu hộ cầy vòi mốc

Thời gian gần đây, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) phối hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương tiếp tục thực hiện đợt tái thả cầy vòi mốc thứ 2 với tổng số 32 cá thể, đủ điều kiện về với môi trường tự nhiên sau một thời gian được chăm sóc. Số động vật được tái thả nằm trong 100 cá thể cầy vòi mốc được Vườn quốc gia Cúc Phương và Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam tiếp nhận từ Công an tỉnh Bắc Giang vào giữa tháng 4/2021 từ một vụ buôn bán, vận chuyển trái phép trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Văn Trường, Trưởng nhóm cứu hộ và chăm sóc động vật hoang dã tại Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam cho biết việc cứu hộ, chăm sóc và tái thả thành công 62 cá thể cầy vòi mốc thời gian gần đây là sự nỗ lực không biết mệt mỏi, đảm bảo cơ sở vật chất để cứu hộ và nuôi giữ. Bình thường mỗi cá thể nên được giữ trong một chuồng, nhưng trong điều kiện Trung tâm còn đang cứu hộ nhiều cá thể tê tê và thú ăn thịt khác, nên phải giữ 2-3 cá thể cầy vòi mốc trong một chuồng. Vì thế, nhân viên luôn phải quản lý, giám sát, đánh giá tập tính từng cá thể để nuôi ghép với nhau cho phù hợp.

Những cá thể này được nuôi trong các trang trại nên bị mất nhiều bản năng hoang dã, đặc biệt là không biết tìm kiếm và ăn các thức ăn tự nhiên. Vì thế, các cán bộ Trung tâm đã rất nỗ lực tìm kiếm hàng ngàn kilogam thức ăn tự nhiên như hoa quả rừng, côn trùng, giun đất và các loại động vật nhỏ.

Ngoài ra, nhiều cá thể động vật được huấn luyện ở các khu bán hoang dã, được gắn các thiết bị theo dõi để xem việc phát hiện, tìm kiếm thức ăn tự nhiên, cũng như khả năng vận động, leo trèo. Từ đó, các cán bộ nghiên cứu đánh giá khả năng sống sót và tồn tại ngoài tự nhiên trước khi tái thả. Sau những nỗ lực chăm sóc tại Trung tâm, 70 cá thể cầy vòi mốc đã phục hồi thể trạng, có thể leo trèo cây rất tốt và ăn các loại thức ăn tự nhiên.

Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), thời gian gần đây, các hoạt động buôn bán, nuôi nhốt, tiêu thụ hổ trái phép vẫn diễn biến phức tạp tại Việt Nam và chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt” qua các năm. Việc xử lý các vi phạm về động vật hoang dã trên internet được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Ngày 23/7/2020, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc “ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng mạng viễn thông, Internet nhằm mục đích quảng cáo, trưng bày, tuyên truyền, mua, bán mẫu vật động vật hoang dã bị cấm theo quy định của pháp luật”./.