Bảo hiểm y tế cho người dân trong đại dịch Covid-19

BVR&MT – Thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân góp phần nâng cao sức khỏe, đẩy lùi dịch Covid-19″ được chọn là chủ đề chính cho Ngày BHYT Việt Nam (1/7) năm nay.

Ảnh minh hoạ.

Có thể thấy, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới cũng như tại Việt Nam, khi cả nước đang căng mình trước đợt dịch lần thứ tư, chính sách BHYT đã và đang thể hiện rõ những vai trò ưu việt của mình.

Ngay từ lúc dịch bệnh mới xuất hiện cho đến nay, quỹ BHYT đã được sử dụng để thanh toán chi phí xét nghiệm đối với người có thẻ BHYT trong trường hợp phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và người nhiễm Covid-19 đang khám bệnh, chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế, cũng như các trường hợp đi KCB có biểu hiện nghi ngờ được cơ sở y tế chỉ định thực hiện xét nghiệm. Với các trường hợp mắc Covid-19, quỹ BHYT đảm nhận việc thanh toán phần chi phí khám, chữa các bệnh khác theo quy định, trừ chi phí KCB do Covid-19 đã được ngân sách nhà nước chi trả. Quan trọng hơn, với hơn 90% dân số đã tham gia BHYT, nhất là những người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 vẫn có thể yên tâm sử dụng các dịch vụ y tế cần thiết để chăm sóc, nâng cao sức khỏe bản thân để sẵn sàng đối mặt với dịch bệnh.

Bên cạnh đó, trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, để bảo đảm quyền lợi của người tham gia, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp các bộ, ngành tích cực hướng dẫn và tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia BHYT, như: cấp thuốc dài ngày, cấp thuốc cho người bệnh mãn tính từ hai đến ba tháng, tránh để người bệnh đến cơ sở y tế nhiều lần; BHXH các địa phương chủ động cải cách hành chính trong lĩnh vực BHYT như ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo, lập danh sách, tổ chức đại lý, thanh toán trực tiếp chi phí, phản hồi, cung cấp thông tin; và đáng chú ý là từ ngày 1/6, Bộ Y tế cho phép người dân trên toàn quốc có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID – BHXH số” thay cho thẻ BHYT giấy khi đi KCB…

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, đến hết năm 2020, toàn quốc có 87,93 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 90,85% dân số tham gia. Ðây được xem là thành công trong việc thực hiện chính sách BHYT hơn nữa cho thấy sự nỗ lực và linh hoạt của ngành BHXH Việt Nam trong việc vận động, chuyển đổi các nhóm đối tượng tham gia BHYT phù hợp thực tế; trong công tác tuyên truyền, vận động, nhất là trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh gây ra, kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay, khiến số doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc giải thể tăng cao, nhiều người lao động đang tham gia BHXH, BHYT bị mất việc làm, phải tạm dừng đóng BHXH, BHYT…

Những thông điệp quan trọng, từ yêu cầu cấp bách và thực tiễn cuộc sống được đưa ra trong Ngày BHYT Việt Nam năm 2021, như: Thực hiện BHYT toàn dân góp phần nâng cao sức khỏe, đẩy lùi dịch Covid-19; Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, hướng tới BHYT toàn dân; Toàn xã hội chung tay để 100% người dân tham gia BHYT… đều nhấn mạnh tới yếu tố mở rộng độ bao phủ rộng lớn, tiếp cận đến quyền lợi, nhu cầu người dân. Có thể nói, hiện thực hóa mục tiêu BHYT toàn dân là giải pháp quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đồng thời là phương thức cơ bản để đạt mục tiêu mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, đó là đích hướng tới không chỉ của Việt Nam mà của hầu hết các nước trên thế giới.