Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp ở Cà Mau

BVR&MT – Mặc dù đã được các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN). Thế nhưng, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn tiếp tục gia tăng, gây nhiều bức xúc đối với người dân sống chung quanh khu vực này.

Nước thải, rác gây ô nhiễm ở Cụm công nghiệp Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời).

Ô nhiễm khắp nơi

Với hơn 40 nghìn dân, Sông Đốc là một trong những thị trấn sầm uất nhất của tỉnh Cà Mau. Nhờ phát triển các ngành hậu cần nghề biển, chế biến, xuất khẩu thủy, hải sản…, thị trấn đóng góp khá lớn vào ngân sách của huyện Trần Văn Thời. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển các ngành nghề là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, trở thành những vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc trong quần chúng, nhân dân.

Án ngữ ngay cửa ngõ vào thị trấn Sông Đốc là CCN Sông Đốc, nơi tập trung hơn mười cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản và sản xuất bột cá. Một thời, các nhà máy này là niềm tự hào, bởi vừa phục vụ đắc lực cho ngành nghề mũi nhọn của tỉnh Cà Mau, vừa tạo thêm việc làm, giúp nhiều ngư dân địa phương có thu nhập ổn định. Nhưng giờ đây, các cơ sở này đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân. Ông Trần Minh Thế (khóm 12, thị trấn Sông Đốc), sống gần CCN này cho biết: Khi sản xuất, mùi hôi thối từ các nhà máy bốc lên rất khó chịu. Trẻ em, người già ở đây thường mắc bệnh về đường hô hấp. Vật dụng sinh hoạt để ở hiên nhà chỉ chừng năm đến mười phút là tro bụi đã dính đầy, có mùi hôi tanh.

Ông Trần Hiền Lương (ngụ ấp Trùm Thuật A), thành viên Tổ tự quản về môi trường ở xã Khánh Hải cho biết: Người dân trong vùng “chịu đời không thấu” tro bụi và mùi hôi thối từ hoạt động sản xuất của các nhà máy cho nên đã vài lần kéo nhau đến đòi đóng cửa nhà máy, nhưng chúng tôi can ngăn kịp thời. Chúng tôi đã có kiến nghị với các cơ quan chức năng, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra. Qua tìm hiểu và thông tin người dân cung cấp, mặc dù đã tồn tại gần mười năm, nhưng đến nay CCN Sông Đốc vẫn chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải công nghiệp tập trung. Do vậy, việc thu gom, xử lý xả thải, khí thải phụ thuộc lớn vào ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng.

Cùng chung cảnh ngộ, KCN Hòa Trung (thuộc địa bàn xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước), cách TP Cà Mau khoảng hơn 5 km cũng đang trở thành điểm nóng về tình trạng ô nhiễm môi trường. Hiện nay, tại KCN Hòa Trung có năm cơ sở chế biến thủy sản và bốn cơ sở chế biến chất chytin, nước mắm. Hoạt động sản xuất của những cơ sở này thường phát sinh nhiều mùi hôi, khí thải, nước thải ô nhiễm, ảnh hưởng đến sinh hoạt và hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân. Thông qua các buổi tiếp xúc, không ít cử tri đã phản ánh “điểm nóng”, những bức xúc vì ô nhiễm môi trường ở KCN Hòa Trung, nhưng đến nay việc xử lý ô nhiễm vẫn chưa đến nơi, đến chốn…

Kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm

Tỉnh Cà Mau hiện có hai KCN và năm CCN đang hoạt động, sản xuất ổn định. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ sở nào xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các doanh nghiệp tự xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nhưng việc vận hành mang tính chủ quan, thậm chí không ít doanh nghiệp xem nhẹ và phớt lờ việc chấp hành pháp luật về môi trường. Đề cập về vấn đề này, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường tỉnh Cà Mau Ngô Chí Hưng cho biết: Vấn đề doanh nghiệp tự xây dựng và vận hành xử lý nước thải gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước khi kiểm soát ô nhiễm ở các KCN. Có cơ sở tự giác chấp hành tốt, nhưng cũng có cơ sở cố ý xả thải ở những thời điểm khó phát hiện. Ngoài việc chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các cơ sở sản xuất công nghiệp ở Sông Đốc và Hòa Trung nằm ven sông, cho nên rất khó kiểm soát việc xả thải. Mặt khác, đặc điểm loại hình sản xuất bột cá, chytin, nước mắm vốn đã phát sinh nhiều bụi, khí thải, mùi hôi khó chịu. Nhiều cơ sở sơ chế thủy sản nhỏ lẻ chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, dẫn đến mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Riêng trong năm 2017, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng tỉnh đã phát hiện và xử phạt hàng chục cơ sở vi phạm về vấn đề môi trường, trong đó có hơn mười cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đến nay vẫn còn trường hợp chưa khắc phục xong hậu quả.

Trước thực trạng nêu trên, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có công văn chỉ đạo các cơ quan liên quan, khẩn trương khảo sát, thống kê các cơ sở chế biến thủy sản không có hệ thống xử lý nước thải, buộc các cơ sở này cam kết đến cuối năm 2018 phải có hệ thống xử lý triệt để chất thải, mùi hôi. Không cho xây dựng thêm các nhà máy, xí nghiệp nằm ngoài quy hoạch KCN, CCN; tiến hành kiểm tra đột xuất, đình chỉ hoạt động các cơ sở không chấp hành việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải theo quy định, cũng như cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trong khu vực. Yêu cầu các doanh nghiệp đến cuối tháng 6-2018 phải lắp đặt hệ thống ca-mê-ra giám sát và điện kế điện tử tại khu vực xử lý nước thải và truyền số liệu, dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường…

Để xảy ra ô nhiễm môi trường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng doanh nghiệp không thể vì lợi nhuận mà bắt nhân dân phải gánh chịu hậu quả về sức khỏe do ô nhiễm môi trường gây ra. Do vậy, để giải quyết triệt để tình trạng này, ngoài các giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ cơ quan chức năng và các cấp chính quyền địa phương, tỉnh Cà Mau cần xem xét trách nhiệm của những người đứng đầu trong công tác bảo vệ môi trường chưa làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao.