Báo động ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ – Đáy

BVR&MT – Trong cái nắng nóng gay gắt như hiện nay, nỗi khổ của người dân khu vực ô nhiễm môi trường nước của lưu vực sông Nhuệ – Đáy càng cơ cực hơn bao giờ hết. Thế nhưng, để cải thiện tình hình này, vẫn là một bài toán nan giải.

Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Hoàng Văn Thức xung quanh vấn đề này.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Hoàng Văn Thức.

Ô nhiễm diễn biến phức tạp

Ông nhận định như thế nào về tình trạng ô nhiễm môi trường sông Nhuệ – sông Đáy hiện nay?

– Lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy là khu vực dân số tập trung với mật độ cao nhất cả nước, các đoạn sông chảy qua khu dân cư tập trung, đô thị lớn phải gánh chịu lượng nước thải sinh hoạt của hàng chục triệu người. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ các đô thị, làng nghề, khu – cụm công nghiệp, dịch vụ xả nước thải không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn cho phép đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước diễn biến phức tạp, tồn tại kéo dài qua nhiều năm, đặc biệt trong những tháng mùa khô.

Qua kết quả quan trắc, giám sát nhiều năm về chất lượng môi trường trên sông Nhuệ cho thấy: Trên địa phận TP Hà Nội, chất lượng nước tại cống Liên Mạc từ sông Hồng chảy vào sông Nhuệ tương đối tốt. Đoạn đầu của sông Nhuệ chảy từ cống Liên Mạc đến Hà Đông (18km đầu tiên) đã phải nhận một số nguồn thải từ nước sinh hoạt và một số nguồn thải từ các làng nghề nên nước đã có một số hàm lượng các chất như Nitrit, N – NH3 vượt quá quy chuẩn. Khi sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu hợp lưu và đổ vào sông Nhuệ tại đập Thanh Liệt, lúc này sông Nhuệ phải tiếp nhận thêm một khối lượng nước thải sinh hoạt cũng như nước thải công nghiệp lớn của Hà Nội. Do đó, tại đập Thanh Liệt, hàm lượng các chất ô nhiễm tăng đột ngột. Nước trên đoạn sông này đã bị ô nhiễm rất nặng làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của dân cư hai bên bờ sông.

Còn trên địa bàn Hà Nam thì sao, thưa ông?

– Trên địa phận tỉnh Hà Nam, sông Nhuệ, đoạn từ Cống Thần đến Phủ Lý, điểm hợp lưu sông Nhuệ và sông Đáy chất lượng nước được cải thiện rất nhiều do ít nguồn thải. Trên sông Châu Giang, là một nhánh từ sông Nhuệ nối sang sông Hồng, có nhiều nguồn thải từ hoạt động sản xuất trong đó có khu công nghiệp Đồng Văn, chất lượng nước sông bị ô nhiễm nặng. Trong thời gian gần đây đã có nhiều sự cố cá chết hàng loạt trên đoạn sông này.

Cách trạm bơm cống Liên Mạc chừng 200m, rác thải sinh hoạt tuồn bừa bãi xuống sông Nhuệ.

Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư

Ông có thể cho biết, trước thực trạng trên, Bộ TN&MT đã có yêu cầu gì đối với 2 địa phương?

– Bộ đã tổ chức cuộc họp với UBND các tỉnh, TP trên lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy, đại diện các bộ, ngành có liên quan và các sở, ngành của địa phương để đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân, mức độ ô nhiễm và đề xuất giải pháp khắc phục. Qua các ý kiến trao đổi, thảo luận, Bộ TN&MT đã đề nghị UBND TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam một số vấn đề. Cụ thể, đối với các dòng sông, đoạn sông đang bị ô nhiễm trên hệ thống sông Nhuệ, sông Châu Giang, tạm thời dừng các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước sông bị ô nhiễm cho mục đích sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho đến khi chất lượng nước được cải thiện… Chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với Tổng cục Môi trường tổ chức quan trắc môi trường nước các sông trên địa bàn, thông báo kịp thời kết quả quan trắc để các cơ quan, tổ chức và người dân sử dụng nguồn nước biết và chủ động kế hoạch sản xuất, sinh hoạt. Tập trung vào các điểm từ hợp lưu sông Tô Lịch – sông Nhuệ, sông Nhuệ – sông Châu Giang tại Cống Thần xuống đến cầu Đập Phúc, qua Lý Nhân và vị trí chảy ra sông Hồng. Đồng thời, chỉ đạo rà soát các nguồn xả nước thải trên địa bàn ra hệ thống sông Nhuệ – Đáy; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề xả nước thải không đạt quy chuẩn cho phép trực tiếp ra sông Nhuệ – sông Đáy trên địa bàn.

Riêng đối với UBND TP Hà Nội, Bộ TN&MT cũng đề nghị chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành cống Thanh Liệt theo thỏa thuận giữa TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam, không mở cửa cống vào những tháng mùa khô; vận hành Trạm bơm Yên Sở để bơm nước thải ra sông Hồng. Chỉ đạo Công ty Khai thác công trình thủy lợi sông Nhuệ cho mở cống Liên Mạc để lấy nước sông Hồng bổ sung nhằm làm tăng lưu lượng nước sông Nhuệ và pha loãng nồng độ các chất ô nhiễm. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xử lý nước thải và cải tạo, nạo vét hệ thống thủy lợi trên sông Nhuệ – sông Đáy như: Dự án đầu tư xây dựng công trình đầu mối Liên Mạc theo hình thức hợp đồng BT, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, các dự án hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan môi trường thuộc hành lang sông Nhuệ…

Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông hiện nay của Bộ TN&MT là gì, thưa ông?

– Bộ TN&MT xác định 2 nội dung trọng yếu: Thứ nhất, phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải xả vào lưu vực sông. Đối với mỗi con sông, mọi hoạt động dân sinh, kinh tế trên bề mặt lưu vực đều có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới chất lượng nước. Bởi vậy để duy trì chất lượng nước sông và ngăn ngừa ô nhiễm, vấn đề đặt ra là phải tăng cường quản lý các hoạt động có thải nước trên lưu vực. Có hai loại nguồn thải tác động lên lưu vực sông là nguồn thải tập trung và nguồn thải phân tán.

Thứ hai, tăng cường xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa các nguồn đầu tư để triển khai các nhiệm vụ, dự án có liên quan đến cải tạo nguồn nước trên lưu vực sông. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực: Thoát nước đô thị, xử lý nước thải đô thị và khu dân cư tập trung; cải tạo, phục hồi môi trường cho những đoạn sông, kênh, rạch bị ô nhiễm nghiêm trọng; đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải rắn, chất thải y tế; nạo vét và khơi thông dòng chảy…

Hiện, đối với lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy, Bộ TN&MT đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Chỉ đạo Bộ NN&PTNT chủ trì nghiên cứu, điều chỉnh Quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi sông Nhuệ ban hành theo Quyết định số 105/2002/QĐ-BNN ngày 19/11/2002, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lấy nước từ sông Hồng để bổ cập cho hệ thống sông Nhuệ – sông Đáy nhằm đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới cũng như góp phần cải thiện chất lượng nước; tiếp tục triển khai các dự án nạo vét, cải tạo hệ thống thủy lợi, công trình tiêu nước tại các trạm bơm; chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, TP trong lưu vực triển khai các dự án đầu tư theo lộ trình tại Quyết định số 937/QĐ-TTg ngày 01/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch tiêu nước hệ thống sông Nhuệ; đẩy nhanh tiến độ triển khai thống kê, cập nhật dữ liệu nguồn thải nước thải, xây dựng kế hoạch quản lý, xử lý nguồn thải nước thải trên lưu vực sông, công khai thông tin về nguồn thải trên cổng thông tin môi trường lưu vực sông; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Xin cảm ơn ông!

Theo kết quả thống kê đối với nguồn thải có lưu lượng xả thải lớn hơn 1.000m3/ngày đêm, hiện nay trên lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy có 57 nguồn thải. Trong đó, Hà Nội có 24 nguồn thải với tổng lưu lượng xả thải là 113.576,6m3/ngày đêm; Hà Nam có 7 nguồn thải với tổng lưu lượng xả thải là 51.113,97m3/ngày đêm. Hầu hết các nguồn thải từ sinh hoạt, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trên lưu vực sông đều không được xử lý triệt để hoặc không xử lý xả trực tiếp xuống các sông đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nước trong nhiều năm qua.