Bảo đảm nguồn nước cho mô hình sản xuất tôm – lúa tại Bạc Liêu

BVR&MT – Trong điều kiện biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn, mô hình sản xuất tôm – lúa có hiệu quả tốt, mang lại giá trị kinh tế tại tỉnh Bạc Liêu. Tuy vậy, vấn đề cấp nguồn nước chủ động cho nuôi tôm, trồng lúa vẫn là bài toán đặt ra cho địa phương về phát triển mô hình bền vững.

Mô hình nuôi tôm – lúa tại tỉnh Bạc Liêu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu, năm 2001, mô hình sản xuất tôm – lúa tại địa phương đạt 5.851ha. Qua thời gian, mô hình tôm – lúa có hiệu quả tốt, tôm ít bị dịch bệnh, lúa đạt năng suất. Vì vậy, năm 2010, diện tích sản xuất tôm – lúa đã tăng lên 29.000ha và đạt 33.747ha đến năm 2017.

Với mô hình tôm – lúa, sản xuất luân phiên 2 vụ (tôm sú hoặc thẻ chân trắng) vào mùa khô và 1 vụ lúa vào mùa mưa. Vụ tôm bắt đầu thả giống từ tháng 2-3 và kết thúc vào khoảng tháng 7 (trung bình 2 lần thả giống/vụ/năm). Vụ lúa xuống giống bắt đầu từ tháng 8-9 và từ tháng 9-10, giống lúa sử dụng chịu mặn từ 2-3 phần nghìn.

Nhìn chung, mô hình tôm – lúa cho hiệu quả kinh tế cao (gần 50 triệu đồng/ha/năm), ít sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất. Đồng thời, tạo ra hệ sinh thái, môi trường an toàn, ổn định có lợi cho nuôi tôm và trồng lúa bền vững, cho sản phẩm an toàn, đáp ứng cho người tiêu dùng và xuất khẩu hiện nay. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, nắng nóng gay gắt, hạn hán, nước biển dâng, mặn kéo dài xâm nhập sâu vào nội đồng thì mô hình canh tác tôm – lúa là một hệ thống đặc thù, lợi thế của tỉnh Bạc Liêu. Ước tính sản xuất tôm – lúa với quy mô diện tích có thể đạt đến 40.000ha.

Với tiềm năng lợi thế, Bạc Liêu quy hoạch sản xuất tôm – lúa đến năm 2020 đạt 35.000ha, năng suất lúa từ 4,9-5 tấn/ha, sản lượng đạt 170.000 tấn/năm; năng suất tôm từ 0,6-0,7 tấn/ha, sản lượng đạt 17.500 tấn/năm. Đến năm 2025 sản xuất tôm – lúa 40.000ha, năng suất lúa từ 5,2-5,4 tấn/ha; năng suất tôm từ 0,8 – 1 tấn/ha.

Dù có tiềm năng sản xuất mô hình tôm – lúa, tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT Bạc Liêu, địa phương vẫn còn một số khó khăn để phát triển mô hình này. Trong đó, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm chưa được đầu tư đúng mức và chưa đồng bộ. Hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ trồng lúa chưa đảm bảo yêu cầu cấp thoát nước cho vùng nuôi tôm dẫn đến mô hình thiếu bền vững. Đặc biệt, khi gặp nắng, hạn kéo dài, không có hệ thống thủy lợi dẫn truyền để bổ sung nguồn nước ngọt để rửa mặn cho lúa, hạ độ mặn cho tôm, chỉ phụ thuộc vào nguồn nước trời. Vì vậy, nếu năm nào mặn xâm nhập sớm, nắng hạn kéo dài sẽ gây thiệt hại cho sản xuất cả lúa và tôm.

Cùng với đó, đa phần các hộ nuôi tôm theo quy mô diện tích nhỏ, tập quán canh tác riêng lẻ cũng là một thách thức để có phương án tổ chức sản xuất thích hợp, đặc biệt trong việc phát triển mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới trong sản xuất.

Nhằm khắc phục khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất mô hình tôm – lúa, theo Sở NN&PTNT Bạc Liêu, cần đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng cho vùng tôm – lúa theo hướng chủ động trong việc cấp, thoát và trữ nước mặn, ngọt linh hoạt. Thiết kế lại đồng ruộng cho phù hợp với sản xuất tôm – lúa để từng bước xã hội hóa công tác thủy lợi. Bảo đảm điều tiết đáp ứng nước mặn cho nuôi tôm và có nguồn nước ngọt rửa mặn cho lúa.

Đáng chú ý, cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động người sản xuất thấy được lợi ích và tiềm năng của mô hình sản xuất tôm- lúa. Đồng thời, có thông tin kịp thời, chính xác về lịch điều tiết nước đến các hộ dân để thuận lợi cho việc lấy nước vào sản xuất. Vận động các hộ sản xuất theo lịch thời vụ, liên kết trong sản xuất.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, chọn tạo giống lúa tốt, phục tráng các giống lúa chất lượng, ngắn ngày chịu mặn cao, chịu phèn tốt, kháng bệnh. Giống tôm sạch bệnh, chất lượng tốt, cho năng suất cao. Cải tiến quy trình kỹ thuật nuôi tôm 2-3 giai đoạn; sử dụng chế phẩm sinh học, sản xuất theo hướng VietGAP. Tiếp tục liên kết các viện, trường nghiên cứu tìm ra nhiều mô hình kết hợp trong vùng để phát huy hết tiềm năng của vùng sinh thái lợ trong điều kiện biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Ngoài ra, đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất tổ hợp tác, hợp tác xã vùng tôm – lúa; áp dụng kỹ thuật canh tác và phát triển mô hình theo hướng cộng đồng. Tổ chức sản xuất tôm – lúa theo chuỗi góp phần giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ ổn định cho nông dân.