Bảo đảm đạt mục tiêu xuất khẩu

BVR&MT – Theo đánh giá của Bộ Công thương, xuất khẩu 11 tháng qua tiếp tục có nhiều điểm sáng như sức vươn mạnh mẽ của khối doanh nghiệp trong nước, sự chủ động khai thác có hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhất là mức xuất siêu cao kỷ lục 9,12 tỷ USD.

Sản xuất linh kiện ô-tô tại Công ty cổ phần Ô-tô Trường Hải (Thaco).

Bên cạnh đó, theo thông lệ, kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng cuối năm thường đạt khá cao so với đầu năm do là thời điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp mua sắm lớn nhất trong năm như Lễ Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán,…

Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, có thể hoạt động xuất khẩu trong tháng cuối năm nay sẽ không có nhiều biến động.

Nhiều điểm sáng

Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính chung kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2019 cả nước ước đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, đáng chú ý là khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục vươn lên mạnh mẽ trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa với mức tăng 18,1%, cao hơn hai lần so tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần năm lần so tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô – đạt 3,8%). Qua đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng, chiếm 30,95% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước chỉ đạt 29,16%).

Điểm sáng thứ hai của xuất khẩu là tất cả các nhóm thị trường mà Việt Nam có ký kết FTA cũng như đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt, cho thấy đã có sự chủ động khai thác hiệu quả các FTA đã ký kết. Thí dụ, xuất khẩu sang Nhật Bản 11 tháng năm 2019 tăng 7,6% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 10,1%; xuất khẩu sang ASEAN tăng 2,5%; xuất khẩu sang Nga tăng 9,1%; xuất khẩu sang Niu Di-lân tăng 6,8%;… Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu (xuất khẩu sang Ca-na-đa 11 tháng đạt 3,5 tỷ USD, tăng 27,2%; xuất khẩu sang Mê-hi-cô đạt 2,7 tỷ USD, tăng 29,5%).

Mặt khác, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 5,2%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 10,6% so với cùng kỳ thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 9,8%. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,43% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,9% của năm 2018 và 81% của năm 2017. Các mặt hàng chủ lực khác duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao như: kim ngạch xuất khẩu máy vi tính tăng 19,4%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 17,2%; giày dép tăng 12,5%; kim loại thường khác tăng 11,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 9,8%. Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thật sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Chủ động điều hành

Với mức xuất siêu cao kỷ lục 9,12 tỷ USD trong 11 tháng và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 11 tháng tăng 7,8% so cùng kỳ năm 2018, dự kiến năm 2019 sẽ vẫn là năm xuất siêu thứ tư liên tiếp của Việt Nam. Bộ Công thương dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra là đưa mức tăng trưởng tăng 7 đến 8% so năm 2018, kiểm soát nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngoài những yếu tố thuận lợi, xuất khẩu của Việt Nam cũng đang đứng trước không ít thách thức.

Đó là nhiều tổ chức dự báo kinh tế thế giới trong thời gian tới tiếp tục giảm tốc. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ngày 21-11 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020, đồng thời cho biết không thấy có dấu hiệu kinh tế toàn cầu năm 2021 phục hồi mạnh do những rủi ro từ căng thẳng thương mại. Theo đó, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng khoảng 2,9% năm 2020, giảm 0,1 phần trăm điểm so với dự báo tổ chức này đưa ra hồi tháng 9 vừa qua. Trong tháng 10-2019, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3% trong năm 2019, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 7 và là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009.

Thêm nữa, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc tiếp tục tác động đa chiều tới hoạt động thương mại của Việt Nam, trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhu cầu giảm. Ngoài ra, xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc còn gặp nhiều trở ngại do nước này tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Để bảo đảm chắc chắn đạt được mục tiêu xuất khẩu cả năm như đã đề ra cũng như thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong thời gian tới, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, nhất là diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc để chủ động trong công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường. Về sản xuất trong nước, Bộ Công thương sẽ tập trung chú trọng tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu. Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp, biện pháp phát triển xuất khẩu với từng thị trường quan trọng; tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng; củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA.

Trong 11 tháng, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỷ USD, tăng 27,9% so cùng kỳ năm 2018; tiếp đến là thị trường EU đạt 38 tỷ USD, giảm 2,3%; Trung Quốc đạt 37,4 tỷ USD, giảm 0,6%; thị trường ASEAN đạt 23,4 tỷ USD, tăng 2,4%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 7,6%; Hàn Quốc đạt 18,4 tỷ USD, tăng 10,1%.