BVR&MT – Với hai hệ thống sông Hồng và sông Chảy, địa hình chia cắt, nhiều dãy núi, độ dốc cao tạo nên hệ thống các sông, suối khiến Lào Cai có tiềm năng lớn về thủy điện vừa và nhỏ. Theo số liệu của Sở Công thương Lào Cai, hiện có 135 dự án thủy điện, trong đó có 130 dự án thủy điện đã được phê duyệt vào Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Lào Cai, với tổng công suất 1.573MW. Trong đó, có 69 dự án thủy điện đã hoàn thành phát điện, với tổng công suất 1.101MW và sáu dự án thủy điện đang triển khai thi công xây dựng.
Nhiều vi phạm kéo dài gây bức xúc…
Tuy nhiên, trong thời gian dài, nhiều nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động và đang xây dựng đã vi phạm các quy định về đất đai, giấy phép xây dựng, môi trường, xả lũ, đền bù thiệt hại cho người dân do bị ngập úng, sạt lở khi tích nước hồ chứa thủy điện…, gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng xấu an ninh trật tự ở địa phương. Làm việc với lãnh đạo Sở Công thương Lào Cai thì được biết, nổi lên là việc các nhà máy thủy điện khi tích nước hồ chứa và vận hành xả lũ gây sạt lở, ngập úng, cuốn trôi tài sản, hoa màu của người dân hạ lưu.
Nhà máy thủy điện Phúc Long, công suất 22MW, do Công ty cổ phần thủy điện Phúc Long làm chủ đầu tư, phát điện thương mại hơn một năm nay, mặc dù đã cam kết nhiều lần nhưng vẫn chưa đền bù, khắc phục thiệt hại do ngập úng ruộng vườn, lún nứt nhà ở của hơn 100 hộ dân ở thị trấn Phố Ràng, xã Phúc Khánh, xã Xuân Thượng, thuộc huyện Bảo Yên.
Theo ông Nguyễn Tiến Vinh, Giám đốc Trung tâm quỹ đất huyện Bảo Yên, sau khi Nhà máy thủy điện Phúc Long tích nước phát điện được ba tháng (đến tháng 9/2021) thì có 199 hộ nằm ngoài ranh giới bị nứt, lún nhà ở và công trình phụ; trong đó thị trấn Phố Ràng có 99 hộ, xã Xuân Thượng 43 hộ, xã Phúc Khánh 39 hộ, xã Lương Sơn 18 hộ. Bên cạnh đó, có 90 hộ bị ảnh hưởng đất đai, hoa màu trên đất đã được Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện phối hợp Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và đại diện phía nhà máy thủy điện kiểm tra, thống kê tài sản, hoa màu, nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra được mức áp giá cụ thể, gây bức xúc trong nhân dân địa phương.
Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân huyện Bảo Yên phải ban hành văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng có biện pháp kiên quyết, đủ mạnh để bảo đảm cuộc sống, môi trường của người dân bị ảnh hưởng do Nhà máy thủy điện Phúc Long gây ra.
Nhà máy thủy điện Nậm Lúc, công suất 24MW, do Công ty cổ phần thủy điện Đông Nam Á làm chủ đầu tư, tích nước hồ chứa gây sạt lở, “nuốt” mất đường điện và đường giao thông đi lại của người dân thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu (Bắc Hà, Lào Cai) từ tháng 4/2021 đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Cũng tại xã này, Nhà máy thủy điện Bảo Nhai 2, công suất 14,5MW, do Công ty cổ phần xây dựng, thương mại 299 làm chủ đầu tư khi tích nước hồ chứa làm ngập úng ruộng, ao, vườn cây của 17 hộ dân ở thôn Hà Tiên và Bản Giàng đến nay vẫn chưa chi trả đền bù thiệt hại cho người dân. Ông Nguyễn Quốc Nghi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cốc Lầu cho biết, việc chậm khắc phục, giải quyết quyền lợi thỏa đáng cho người dân địa phương gây khó khăn trong quản lý môi trường, bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.
Thị xã du lịch Sa Pa tập trung gần 20 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, tác động xấu đến môi trường. Riêng xã Bản Hồ có sáu nhà máy thủy điện bao quanh đã “hút” trơ đáy suối Bản Hồ, bức hại du lịch sinh thái Bản Hồ và vùng chung quanh, do các nhà máy này vi phạm xả lũ, vận hành không đúng quy phạm. Điển hình là Nhà máy thủy điện Sử Pán 1, công suất 30MW, do Công ty cổ phần công nghiệp Việt Long làm chủ đầu tư. Đêm 23/6/2019, do mưa lớn, Nhà máy thủy điện Sử Pán 1 xả lũ bất ngờ đã làm đứt cầu treo vào xã Bản Hồ, ngập úng nhà ở, trôi xe ô-tô du lịch và tài sản, vùi lấp hoa màu của 59 hộ dân địa phương vùng hạ du.
Thị xã du lịch Sa Pa tập trung gần 20 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, tác động xấu đến môi trường. Riêng xã Bản Hồ có sáu nhà máy thủy điện bao quanh đã “hút” trơ đáy suối Bản Hồ, bức hại du lịch sinh thái Bản Hồ và vùng chung quanh, do các nhà máy này vi phạm xả lũ, vận hành không đúng quy phạm. |
Do nhà máy chậm khắc phục hậu quả, đền bù thiệt hại không thỏa đáng, người dân địa phương bức xúc đã tập trung ở đập nước, ngăn cản không cho vận hành dẫn tới xảy ra xô xát, gây thương tích, công an thị xã Sa Pa phải kịp thời xử lý, duy trì an ninh trật tự.
Xử lý mạnh, quản lý nghiêm
Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Công thương Lào Cai và Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai đã tiến hành rà soát công tác quản lý theo chức năng đối với các nhà máy thủy điện ở địa phương. Kết quả cho thấy, nhiều nhà máy thủy điện tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đời sống của người dân địa phương như gây ngập úng, sụt lún nhà ở, ngập úng cây trồng, làm mất diện tích đất sản xuất; công trình khi xây dựng gây ô nhiễm môi trường sinh thái; đường giao thông xuống cấp do vận chuyển vật liệu thi công dự án.
Qua kiểm tra, ngành chức năng đã xử phạt các nhà máy thủy điện vi phạm các quy định hiện hành. Cụ thể, Sở Công thương đã xử phạt hành chính bằng tiền đối với các nhà máy: Thủy điện Minh Lương do Công ty cổ phần Nam Tiến Lào Cai làm chủ đầu tư; thủy điện Minh Lương Thượng do Công ty cổ phần phát triển thủy điện làm chủ đầu tư, Nhà máy thủy điện Nậm Lúc do Công ty cổ phần thủy điện Đông Nam Á Nậm Lúc làm chủ đầu tư, với số tiền là 15 triệu đồng/nhà máy, về hành vi lắp đặt vượt công suất ghi trong giấy phép xây dựng.
Nhiều nhà máy thủy điện tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đời sống của người dân địa phương như gây ngập úng, sụt lún nhà ở, ngập úng cây trồng, làm mất diện tích đất sản xuất; công trình khi xây dựng gây ô nhiễm môi trường sinh thái; đường giao thông xuống cấp do vận chuyển vật liệu thi công dự án. |
Bên cạnh đó, xử phạt Nhà máy thủy điện Nậm Tha 3, do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng Phúc Khánh; thủy điện Suối Chăn 2, do Công ty cổ phần đầu tư năng lượng VIDIFI làm chủ đầu tư; với số tiền 50 triệu đồng/nhà máy, về hành vi vi phạm giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính bằng tiền, không kèm theo các hình thức xử lý bổ sung khác như buộc tháo dỡ, khôi phục nguyên trạng đối với các nhà máy xây dựng vượt công suất theo giấy phép, giống như hình thức “phạt cho tồn tại” cho nên trong thực tế ít có tác dụng răn đe, ngăn chặn vi phạm tương tự xảy ra.
Hiện tại, ở Lào Cai còn tám nhà máy thủy điện vi phạm môi trường, đó là: Tả Thàng, Ngòi Xan 2, Nậm Hô, Tà Lơi 3, Bắc Hà, Nậm Phàng, Móng Sến và Phúc Long do: chưa lắp đặt thiết bị giám sát tự động lưu lượng xả duy trì dòng chảy tối thiểu và lưu lượng xả qua tràn, chưa thực hiện giám sát tự động lưu lượng xả duy trì dòng chảy tối thiểu, thực hiện không đầy đủ tần suất quan trắc, giám sát định kỳ về môi trường… Bên cạnh đó, còn các nhà máy chưa thuê diện tích đất mặt nước (lòng hồ) là: Thủy điện Phúc Long, thủy điện Xuân Hòa; sáu nhà máy xây dựng ngoài ranh giới được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, chưa thu hồi rừng.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh, tỉnh đã có Văn bản số 1870/UBND-KT giao Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Công thương phối hợp chặt chẽ các địa phương rà soát tình hình triển khai đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành của các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Lào Cai, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh loại ra khỏi quy hoạch đối với các dự án thủy điện ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân và tác động xấu đến môi trường; đánh giá chi tiết những tác động cũng như giải pháp khắc phục của chủ đầu tư đối với các ảnh hưởng trong quá trình đầu tư xây dựng và vận hành.
Như dự báo ảnh hưởng của dự án đến khu vực giáp biên với phạm vi, ranh giới của dự án; đánh giá các biện pháp, giải pháp để khắc phục ảnh hưởng trong và sau khi tích nước hồ chứa thủy điện đến hai bên bờ hồ và vùng hạ du đập, nhà máy,…; kiên quyết không thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án khi chủ đầu tư, đơn vị tư vấn không bảo đảm các nội dung nêu trên. Xây dựng quy chế phối hợp quản lý các dự án/công trình thủy điện trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, nhằm tạo mối quan hệ chặt chẽ, bảo đảm sự thống nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động và phân công trách nhiệm rõ ràng trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng, vận hành các dự án thủy điện.