Báo chí thời 4.0: Khi thách thức và cơ hội luôn song hành

Chào mừng 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021)

BVR&MT – Trong bối cảnh hiện nay, khi cả thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0), báo chí Việt Nam – cùng với mọi ngành nghề trong xã hội đều có những bước chuyển mình để phù hợp với thời đại. Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2021), phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã có dịp trao đổi cùng các đồng nghiệp về thách thức và cơ hội đối với báo chí thời 4.0.

Xem thêm:

Bamboo Capital: Phát triển kinh tế phải song hành với phát triển cộng đồng

Nữ giảng viên từ bỏ ước mơ giảng đường khởi nghiệp với tre

Hiệu quả mô hình trồng cây ăn quả của Hợp tác xã Đồng Din

Mô hình điểm dinh dưỡng học đường: Giáo viên và phụ huynh mong muốn tiếp tục triển khai

TH tạo nguồn năng lượng xanh từ mái nhà trang trại công nghệ cao đạt kỷ lục thế giới

Trò truyện cùng Nhà bảo tồn đầu tiên của Việt Nam đạt giải “Nobel xanh”

Các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Đại hội Thi đua yêu nước Hội Nhà báo Việt Nam 2020. (Ảnh: Hậu Thạch)

Cần ưu tiên trong chuyển đổi số

Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày 3/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” hướng đến mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Không nằm ngoài xu hướng chung, báo chí với tư cách là ngành nghề tiếp xúc sớm nhất, phản ứng nhanh nhạy nhất với mọi biến động xã hội, chịu tác động trực tiếp của chuyển đổi số.

TS. Nguyễn Sơn Minh, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho rằng: “Chuyển đổi số không đơn giản là quá trình số hóa, hơn thế nữa là xây dựng mô hình hoạt động số, chẳng hạn như mô hình hội tụ cho cả một thiết chế truyền thông của quốc gia, bộ, ngành, địa phương, hay một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và quan trọng hơn là thực hiện chuyển đổi, trong đó diễn ra quá trình thay đổi tổng thể, toàn diện, từ lãnh đạo cao nhất đến mọi thành viên của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan báo chí… nhằm vận hành, thực thi mô hình hoạt động số ấy”.

TS. Nguyễn Sơn Minh, Phó Viện Trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (bên trái ảnh).

Cũng theo TS. Nguyễn Sơn Minh, tại Việt Nam hiện đang tồn tại hai mô hình chuyển đổi số phổ biến. Mô hình thứ nhất đó là mô hình phát triển vẫn giữ hoạt động báo chí truyền thống song song với các hoạt động chuyển đổi số: xây dựng, phát triển, nâng cao trang điện tử, báo điện tử hoặc những hoạt động liên quan đến kỹ thuật số. Ví dụ điển hình cho mô hình này có thể kể đến báo Tuổi trẻ, hiện báo in phát triển rất mạnh, đồng thời phiên bản điện tử của báo cũng có vai trò lớn trong hoạt động kỹ thuật số của báo chí Việt Nam.

Mô hình thứ hai đó là cơ quan báo chí tập trung thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số. Theo đó, lãnh đạo cũng như toàn bộ cán bộ, phóng viên, nhân viên của cơ quan báo chí, đặc biệt là lãnh đạo đã nhìn ra được lợi ích hoạt động chuyển đổi số. Cơ quan đó dù chưa loại bỏ mô hình hoạt động của báo chí truyền thống nhưng đã nhìn thấy lợi ích trước mắt cũng như tương lai lâu dài của chuyển đổi số nên tập trung thúc đẩy chiến lược số vào mảng điện tử.

Có thể nói, để chuyển đổi số thành công cần đến ba trụ cột: Con người-Công nghệ-Quy trình nhưng điều cốt lõi nhất đó là mỗi cơ quan báo chí cần xác định rõ yếu tố quan trọng nhất chính là phục vụ độc giả, phục vụ công chúng.

Tác nghiệp báo chí thời 4.0: Đa năng, nhanh nhạy, chính xác

Thời đại của công nghệ số là thời đại của những khái niệm như: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC),… Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã mở ra vô vàn thời cơ cũng như thách thức đối với báo chí thế giới nói chung, và báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng.

Phóng viên Đoàn Tuấn – Tạp chí điện tử Việt Nam Hội nhập chia sẻ: “Lớp phóng viên trẻ chúng tôi được đào tạo bài bản các kỹ năng tác nghiệp từ quay, dựng, biên tập, thiết kế… và các tác phẩm được thể hiện theo hình thức emagazine là những tác phẩm mà chúng tôi hướng đến. Giờ đây, một bài viết không chỉ đơn thuần là một cụm text dài với 1 – 2 cái ảnh đi cùng bài, mà được tích hợp “đọc, nghe, xem, nhìn” qua đó giúp độc giả thực sự được “sống” cùng với những gì mà bài báo thể hiện”.

Phóng viên Đoàn Tuấn (giữa ảnh).

Với sự xuất hiện của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đội ngũ phóng viên, nhà báo cần khẳng định giá trị, bản lĩnh nghề nghiệp của mình trước những thách thức mới. Sự bắt nhịp với công nghệ số, sự đa năng trong tác nghiệp, nhanh nhạy, kịp thời nhưng luôn phải chính xác, phải kiểm chứng thông tin là điều rất quan trọng trong tác nghiệp báo chí thời 4.0.

Những cơ hội tuyệt vời để sáng tạo đó đồng nghĩa với việc đặt đội ngũ những người làm báo trước thách thức không nhỏ trong việc trau dồi kỹ năng, cập nhật công nghệ và phải luôn tự làm mới những tác phẩm của mình. Sự cạnh tranh giữa các loại hình truyền thông, đặc biệt là các sản phẩm truyền thông mới vừa “làm khó” nhưng cũng vừa là động lực để nhà báo bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh mạng xã hội có sức ảnh hưởng sâu rộng, tin giả (fake news) lan tràn khắp nơi, thì báo chí không còn là phương tiện truyền thông độc quyền. Báo chí bị đặt vào một thế cạnh tranh khó khăn, khi vừa phải đảm bảo về tốc độ đưa tin, vừa phải khẳng định sự đáng tin cậy của mình đối với công chúng.

Đạo đức nghề nghiệp là cốt lõi

Báo chí bây giờ và trong tương lai vẫn sẽ từng ngày đối mặt với thách thức đổi mới. Nhưng dù có ở nền tảng công nghệ nào, dù kỹ thuật làm báo có phát triển đến đâu, thì có những giá trị cốt lõi của báo chí cũng không thể mất và chắc chắn không được phép mất đi.

Nhà báo Trần Trung Thắng (bên trái ảnh).

Để làm được điều đó, theo Nhà báo Trần Trung Thắng – TTXVN tại Hà Nội, việc tiếp cận nhiều nguồn và kiểm chứng thông tin là rất quan trọng. Anh cho biết: “Chúng tôi hiểu rất rõ tầm quan trọng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ để đổi mới tư duy, cách làm báo, làm chủ công nghệ, từ đó làm nghề một cách hiệu quả nhất. Nhưng khi đưa tin trong mỗi sự kiện, việc khai thác xử lý thông tin nhanh nhất có thể là chưa đủ, mà quan trọng nhất là phải đảm bảo cả tính chính xác, phải kiểm chứng thông tin trước khi đưa nó đến với công chúng. Nhanh nhạy, kịp thời, chính xác là yêu cầu quan trọng đối với nhà báo, phóng viên  chúng tôi trong tác nghiệp báo chí thời 4.0”.

Có thể nói, mỗi thời kỳ, mỗi đổi thay, đều cần lắm những nỗ lực tự thân, những cuộc “chạy nước rút” không thể chậm trễ trước làn sóng công nghệ số. Chính vì thế, người làm báo cũng cần lắm sự nỗ lực thay đổi trong cách tiếp cận và thực hiện tin bài, không ngừng trau dồi thêm kiến thức trình độ, kỹ năng, sự đa năng trong tác nghiệp, sự vận dụng có sáng tạo mạng xã hội để lan tỏa thông tin và đặc biệt bản lĩnh trong gìn giữ đạo đức nghề nghiệp trước vô vàn những áp lực của thời cuộc và môi trường nghề nghiệp.

Hậu Thạch