BVR&MT – Đã có 61 người thiệt mạng, 28 người mất tích và 65 người bị thương do bão số 12.
Theo thông tin của Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, tính đến 17h ngày 6/11 đã có 61 người thiệt mạng do bão số 12 (Khánh Hòa 23, Bình Định 13, Quảng Ngãi 7, Quảng Nam 6, Thừa Thiên-Huế 6, Lâm Đồng 3, Phú Yên 1, Kon Tum 1, Đắk Lắk 1), 28 người mất tích (Bình Định 7, Quảng Nam 9, Khánh Hòa 7, Thừa Thiên-Huế 4, Phú Yên 1) và 65 người bị thương (Khánh Hòa 41, Phú Yên 8, Quảng Nam 11, Đắk Lắk 2, Đà Nẵng 1, Bình Định 1).
Báo số 12 cũng làm sập 2.015 nhà, hư hỏng 81.549 nhà, ngập 50.639 nhà, chìm 1.218 phương tiện, hư hại 34.861 ha hoa màu. Sạt lở 77.000 m3 đất đá. Đổ, gãy 2.785 cột điện, trạm biến áp. Chết 7.006 gia súc, gia cầm.
Đến chiều 6/11, toàn tỉnh Quảng Trị có gần 1.000 ngôi nhà ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ bị ngập sâu, một số tuyến đường liên xã bị chia cắt. Đặc biệt, hơn 100 hộ dân tại khu tái định cư Húc Nghì, thuộc xã Húc Nghì, huyện Đa Krông có khả năng bị cô lập do cầu tràn bị nước lũ cuốn trôi.
Một số tuyến đường trên Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Trị bị sạt lở taluy dương gây khó khăn cho các phương tiện khi lưu thông… Mưa lũ cũng làm nhiều tuyến đường ở các xã bị chia cắt, gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của nhân dân.
Hiện nay, mực nước ở các khu vực sông trên địa bàn vẫn còn khá cao, nước chảy mạnh, xiết, vì thế, tỉnh Quảng Trị yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân không được chủ quan, không được vớt gỗ, củi trên sông. Tại các điểm ngầm, tràn vẫn còn ngập nước nên cắm biển báo và thông báo cho người dân biết, cẩn thận trong đi lại.
Ngành GTVT sớm triển khai các phương án khắc phục các điểm sạt lở, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn. Ngành NN&PTNT, các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường kiểm tra các hồ đập và thực hiện tốt quy trình chứa nước, xả lũ an toàn.
Các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại; tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ, nhân dân khắc phục hậu quả để sớm ổn định cuộc sống và lao động sản xuất.
Những ngày qua tại Thừa Thiên-Huế mưa kéo dài trên diện rộng khiến mực nước trên sông Bồ vượt mức báo động 3. Nước lũ dâng cao, chảy xiết, làm chết hàng trăm tấn cá lồng nuôi trên sông Bồ (qua địa bàn huyện Quảng Điền), thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, huyện A Lưới có 86 hồ cá bị trôi do nước tràn hồ. Thị xã Hương Trà có 12 hồ cá bị nước cuốn trôi do vỡ hồ, 12 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, 12 lồng cá bị trôi do đứt dây neo… Thiệt hại đối với các hộ nuôi trồng thủy sản là rất lớn.
Riêng TP. Huế, theo thống kê bước đầu, thiệt hại về hạ tầng giao thông khoảng 25 tỷ đồng, hoa màu 2,9 tỷ đồng và nhiều diện tích lúa đang bị ngập úng. Đến sáng nay, 7/11, nước có dấu hiệu lớn trở lại. Một số tuyến đường khu vực phía nam Thành phố nước đang lên chậm. Trời vẫn đang mưa to.
Chính vì thế, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục phát đi công điện khẩn đến các đơn vị trên toàn tỉnh theo dõi, tiếp tục sơ tán dân ra khỏi vùng thấp trũng, có nguy cơ xảy ra sạt lỡ đất, lũ ống…; tiếp tục canh gác, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập nước, chảy xiết; tiếp tục triển khai lực lượng cứu hộ cứu nạn, dự trữ lương thực, thực phẩm…
Ngày 6/11, Bình Định đã có 13 người chết, trong đó, 10 nạn nhân trên các tàu hàng hải đã tìm được thi thể. Ngoài ra, 8 người khác còn mất tích.
Cơn bão số 12 đã làm cho 10 tàu hàng hải trong và ngoài nước neo đầu ngoài khu vực phao số 0, cảng Quy Nhơn bị chìm (8 tàu) và mắc cạn (2 tàu). Trong ngày 6/11, các lực lượng chức năng đã huy động lực lượng đông đảo tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích trên biển.
Tối 6/11, các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 6 thi thể các nạn nhân bị nạn trên biển, nâng tổng số thi thể được tìm thấy trong 2 ngày 5-6/11 lên 10, trong đó có cả người nước ngoài. Đã có 5 nạn nhân được xác định danh tính. Như vậy, vẫn còn 3 nạn nhân trên các tàu hàng hải vẫn chưa được tìm thấy.
Ngày 7/11, các lực lượng sẽ tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân, đồng thời, kêu gọi các tàu thuyền hoạt động trong khu vực gần biển Quy Nhơn tham gia tìm kiếm.
Sơ bộ đến tối 6/11, toàn tỉnh Bình Định có 781 ha lúa, 671 ha hoa màu bị ngã đổ, ngập nước; 562 con gia súc, 5.901 con gia cầm bị chết, 75 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi.
Toàn tỉnh có 20 tàu thuyền đánh cá bị chìm, 1 tàu bị cuốn trôi (chưa kể 8 tàu hàng hải bị chìm). Về giao thông, toàn tỉnh có 11.200 m3 đất thuộc tuyến đường liên huyện bị sạt lở, 5 cầu hư hỏng, 3 cầu cuốn trôi, nước ngập chia cắt một số khu vực. Có 55 xã bị ảnh hưởng mất điện; hàng loạt cây xanh, cột điện bị ngã đổ.
Trong khi đó, mưa lớn trên diện rộng vẫn đang làm mực nước tại các hồ chứa và các sông lên nhanh. Nhiều hồ đập trong tỉnh đang xả lũ với lưu lượng lớn. Các địa phương thuộc huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân đều bị ngập, điện và nước sinh hoạt bị cắt đứt, tình hình ngập úng có khả năng sẽ tiếp tục kéo dài thêm.