Bánh chưng đen – Nét đặc sắc văn hóa ẩm thực dân tộc Tày ở Hà Giang

BVR&MT – Bánh chưng là một đặc trưng truyền thống của người Việt trong mỗi dịp tết cổ truyền. Đặc biệt, với người dân vùng cao bản Tùy (xã Ngọc Đường, Hà Giang), thì bánh chưng đen là một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết.

Bánh chưng đen là một nét đặc trưng truyền thống của dân tộc Tày ở Hà Giang.

Trong vị thơm của đỗ xanh cùng với chút ngầy ngậy của thịt mỡ quyện chung với hương vị của lá rong núi rừng Tây Bắc, món bánh chưng đen của người Tày nơi đây dường như đã trở thành một tinh hoa đặc biệt.

Truyền thống lâu đời, bánh chưng đen vừa là một món ăn vừa là một phong tục mang nét đẹp không thể thiếu trong những ngày lễ và đặc biệt là tết nơi đây. Không còn đơn thuần chỉ là một món ăn, bánh chưng đen còn được coi như là một biểu trưng của văn hóa vùng miền nơi này.

Để làm ra được những chiếc bánh chưng đen, người dân tộc Tày khá cầu kỳ và kỹ lưỡng trong từng công đoạn làm bánh. Nguyên liệu làm bánh được chọn lựa kỹ càng, từ khâu chọn lá, lá dong phải chọn lá bánh tẻ, rửa sạch, lau khô, cắt bớt gân cho lá mềm, khi gói lên bánh mới đẹp. Gạo nếp dùng để gói bánh là gạo Bắc Mê, loại gạo ngon nổi tiếng ở Hà Giang, thịt làm nhân bánh là thịt lợn đen còn tươi ngon, thái mỏng rồi đem ướp gia vị.

Khâu quan trọng nhất khi làm bánh chính là tạo màu đen cho bánh chưng. Việc tạo màu này có nhiều phương pháp khác nhau như  dùng cây nếp hay cây núc  nác, cây vừng. Nhưng những chiếc bánh chưng đen của người Tày ở Hà Giang thì mang đậm màu sắc và hương vị của cây vừng đen.

Những cành cây vừng đen được chặt từ trên rừng về, sau đó phơi khô, đốt thành than rồi đem giã thành bột thật mịn rồi trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều tay cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen nhánh. Dùng tay miết mạnh mà hạt gạo vẫn vẹn màu đen thì mới đạt yêu cầu, bánh mới ngon.

món bánh chưng đen của người Tày nơi đây dường như đã trở thành một tinh hoa đặc biệt

Có một nét khác với bánh chưng truyền thống của người xuôi là bánh không có hình vuông hoặc dài, mà lại có hình tròn, dài hoặc bánh lưng gù thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ. Đặc biệt, bánh lưng gù có phần lưng lồi lên giống như hình đỉnh núi và được bao quanh bởi 6 đường lạt dài chạy dọc thân bánh. Bất cứ người phụ nữ Tày nào cũng phải biết gói bánh, điều này tượng trưng cho sự khéo léo của họ đối với gia đình nhà chồng và họ hàng, thể hiện sự khéo léo, đảm đang, là người vợ hiền, người con dâu tốt.

Theo tìm hiểu của phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, xưa kia, theo phong tục của người Tày ngoài việc để trưng bày trên bàn thờ, thắp hương cúng ông bà, tổ tiên, bánh chưng đen còn được dùng trong các bữa cơm ngày tết mời bà con, họ hàng trong làng, trong bản với quan niệm màu đen của bánh là thể hiện sự hòa hợp của đất trời, của lòng người trong đó.

Ngày nay, bánh chưng đen không chỉ để thưởng thức trong dịp lễ tết mà đã trở thành một món ăn đặc sắc chứa đựng nét văn hóa độc đáo đối với các du khách gần xa. Hòa quyện trong từng chiếc bánh là hương vị của núi rừng, của đất trời, của lòng người đã tạo nên nét đặc trưng trong từng chiếc bánh, mang đậm nét riêng đầy dư vị không thể nào quên qua nét đẹp văn hóa ẩm thực của người dân tộc vùng cao Hà Giang cho bất cứ ai đã từng một lần thưởng thức.

Bánh chưng đen giản dị, mộc mạc như chính người dân nơi đây nhưng ẩn sâu trong đó là sự tinh túy của đất trời và tấm lòng mà người gói bánh gửi gắm trong đó. Cùng với các sản vật như lợn, gà do bà con tăng gia, sự có mặt của bánh chưng đen trong mâm cơm thờ cúng tổ tiên thể hiện lòng thành kính, biết ơn tổ tiên đã phù trợ, che chở con cháu của gia đình trong một năm đã qua và mong muốn tổ tiên phù hộ cho một năm mới no ấm, đầy đủ của gia đình trong năm mới.

Thạch Thảo